Trong công việc, chỉn chu và trách nhiệm là một phần tạo ra nhân tốt cho DXC. Ảnh: TL.
Khi các quy luật kinh doanh không trả lời được làm thế nào để phát triển bền vững thì ông Ngô Hùng Phương, Tổng Giám đốc DXC Việt Nam, đi tìm lời giải từ sự hạnh phúc của những đồng nghiệp.
Bí mật của sự may mắn
Trước khi bắt đầu buổi trò chuyện, ông Phương khẳng định mỗi người có trải nghiệm khác nhau về đức tin và tôn giáo. Chính vì thế điều ông muốn chia sẻ chỉ là các trải nghiệm mang tính cá nhân nhiều hơn là bài học mang tính phổ quát.
Quay lại câu chuyện DXC, năm 2003, Công ty sáp nhập về FCG (First Consulting Group), tập đoàn trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe của Mỹ có 3.500 nhân viên trên toàn cầu và đổi tên thành FCG Việt Nam. Sau khi về FCG, 5 năm sau Công ty sáp nhập về CSC (Computer Science Corporation), tập đoàn toàn cầu cung cấp dịch vụ công nghệ thông tin với hơn 90.000 nhân viên trên 90 quốc gia. Đó là tiếng vang đối với các công ty gia công phần mềm thế hệ đầu tiên ở Việt Nam, nhưng vị tổng giám đốc của nó lại bắt đầu thay đổi lối sống, chọn cách ít khoa trương và trầm tĩnh hơn.
Ông Phương tìm hiểu sâu hơn về đạo Phật, trở thành Phật tử thực hành lối sống đơn giản, các buổi tiệc xa hoa thưa dần rồi chấm dứt hẳn thay bằng các bữa ăn chay. Sở thích trước đó của ông Phương là ô tô, cứ 2-3 năm ông lại đổi một chiếc xe mới đắt tiền hơn cũng không còn, thay vào đó ông trung thành với mẫu xe trung bình tự mình lái, di chuyển gần trong thành phố thì chạy xe máy.
Là một người làm kỹ thuật, vốn tin vào logic hơn các niềm tin tôn giáo lại đang ở vị trí cao của sự nghiệp, việc thay đổi của ông Phương đã làm nhiều người bất ngờ vào thời điểm đó.
Càng bất ngờ hơn khi trái với sự đơn giản trong cuộc sống của ông Phương, doanh nghiệp gắn liền với cuộc đời ông lại chứng kiến thêm các giai đoạn tăng trưởng mạnh mẽ.
Năm 2017, Công ty đổi tên thành DXC thông qua việc về chung nhà với bộ phận dịch vụ doanh nghiệp của Hewlett Packard Enterprise, nhân sự tăng qua từng giai đoạn từ 10 người lúc đầu lên vài trăm, vượt mốc 1.000 người và hiện duy trì ở con số 1.500.
Năm 2022, khi nhiều chi nhánh thuộc Tập đoàn có kết quả kinh doanh không mấy tốt đẹp thì DXC Việt Nam về đích đạt và vượt mọi chỉ tiêu với tăng trưởng 20%. Tỉ lệ nhân sự nghỉ việc dưới 9%, một tỉ lệ không thể tốt hơn trong lĩnh vụ dịch vụ IT và phần mềm.
Trong 70 chi nhánh toàn cầu của Tập đoàn, DXC Việt Nam vinh dự là 1 trong 4 trung tâm đổi mới sáng tạo toàn cầu của DXC cùng với Ấn Độ, Philippines và Đông Âu.
Những đồng nghiệp trong Công ty đặt cho ông biệt danh là “Mr. Nhân Quả” và hay hỏi sao ông có nhiều may mắn như vậy. Ông không từ chối mà còn thừa nhận có những lúc bế tắc trong công việc thì vài ngày sau mọi việc lại hanh thông như chưa từng có sự cố.
Ông cũng thường đề cập đến cuốn sách Good Luck – Bí mật của sự may mắn của 2 tác giả Alex Rovira và Fernando Trías de Bes để mọi người có thêm góc nhìn về may mắn của người phương Tây.
“Ông bà mình có câu có phước thì có phần. May mắn chắc cũng là một dạng phước phần”, ông cười và nói.
2 kỷ niệm đáng nhớ
Ông Phương sinh năm 1967, do cuộc sống cơ cực thuở bé, phải chạy ăn từng bữa nên lớn lên ông chọn Đại học Sư phạm TP.HCM để chắc chắn đậu và có cuộc sống ổn định tốt hơn làm nông. Cơ duyên dẫn ông đến với ngành công nghệ thông tin sau khi đăng ký khóa học ở trường Bách Khoa TP.HCM, do có thành tích học tập tốt nên được giữ lại làm công tác giảng dạy.
Cánh cửa công nghệ thông tin cũng mở ra từ đó, do ý thức được kiến thức mình không bằng các anh chị học công nghệ thông tin từ đầu nên ông bù đắp bằng nỗ lực gấp đôi. Thời đó máy tính khá hiếm lại phục vụ cho số đông nên ban ngày luôn chật kín người, chỉ có ban đêm máy mới trống nên thói quen thức đêm của ông cũng hình thành từ đó.
Năm 1995, một nhóm Việt kiều về tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hợp tác với các giảng viên và nhân viên nghiên cứu phần mềm thuộc Trung tâm Điện toán Đại học Bách Khoa TP.HCM, trong đó có ông. Cái tên Paragon Solutions Việt Nam (PSV) ra đời từ đó.
Sự nghiêm túc trong sản phẩm của ông và các đồng nghiệp giúp Công ty được nhiều đối tác tin tưởng. Khách hàng thấy sự nhiệt huyết, tận tình nên có những cái làm chưa tốt họ không chỉ cho cơ hội sửa chữa mà còn giới thiệu khách hàng trong lúc khó khăn.
Năm 2003, PSV sát nhập về FCG rồi CSC và cuối cùng là DXC như hiện nay. 28 năm phát triển được ông Phương tóm gọn trong vài câu nói, ông không đề cập nhiều đến các ý tưởng kinh doanh đột phá để đạt mục tiêu tăng trưởng. Những gì đọng trong câu chuyện phát triển Công ty với ông là 2 lần gặp khó khăn nhất.
Tập thể DXC Việt Nam tham gia trồng rừng năm 2023. Ảnh: TL. |
Lần đầu tiên là năm 1997, khi phần mềm do PSV sản xuất ra không bán được Công ty nợ lương nhân viên và “tưởng sập tiệm đến nơi” như lời ông nói, một sáng lập viên phải sang Mỹ làm thêm để chi trả cho nhân viên.
“Đó là thời điểm duy nhất chúng tôi nợ lương các anh em đồng nghiệp”, ông Phương nói.
Nhưng điều làm ông nhớ nhất là sự cố Y2K năm 2000, sự cố này khiến các máy tính không thể phân biệt được năm 1990 và 2000 ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế Mỹ. Bộ Thương mại nước này cho biết đã thiệt hại 100 tỉ USD vì sự cố trên, trong khi đó một báo cáo của công ty nghiên cứu IDC chỉ ra rằng số thiệt hại lên đến 134 tỉ USD.
Là công ty có nguồn thu hoàn toàn từ thị trường Mỹ, không khó hiểu khi PSV gặp khó khăn thời điểm đó. PSV được xây dựng như một công ty gia đình, buổi trưa các thành viên thường ăn cơm cùng nhau, ông Phương nhớ tên từng thành viên nhưng vì khó khăn mà có hơn trăm nhân sự đã phải ra đi.
Người đi rơi nước mắt, người ở lại u sầu là khung cảnh mà ông vẫn nhớ như in cho đến tận bây giờ. Đó cũng là lúc ông tìm hiểu về triết lý cuộc sống, định nghĩa lại như thế nào hạnh phúc.
Ông lo lắng khi Công ty càng phát triển thì ông phải chứng kiến số người bị cắt giảm sẽ nhiều hơn nữa khi khủng hoảng diễn ra. Vậy như thế nào mới là phát triển bền vững?
Các quy luật kinh doanh không trả lời được câu này cho ông thay vào đó thông qua triết lý Phật giáo, ông bắt đầu nghĩ đến việc đem lại hạnh phúc cho những người xung quanh và tạo ra các giá trị tích cực cho Công ty.
Đó là sự trung thực, không kinh doanh chộp giật và đem lại sự hạnh phúc của những người tham gia quá trình này. Trong công việc, chỉn chu và trách nhiệm là một phần tạo ra nhân tốt cho DXC. Tương tự như vậy trong đời sống, các công việc từ thiện đóng góp bằng chính tiền của tạo ra từ công việc chân chính của nhân viên DXC cũng là cách tạo ra quả tốt cho tương lai.
Ở vai trò là người lãnh đạo, ông phải lan tỏa các tư tưởng này cho toàn bộ nhân viên. Ông Phương luôn là người tham gia các hoạt động như vậy, chỉ vắng mặt khi phải tiếp khách hàng hoặc khi công tác nước ngoài vì theo ông muốn những người khác tin thì mình phải luôn là người dẫn dắt và làm gương – lead by example.
Có nhiều giai đoạn Công ty gặp khó khăn nên phải cắt giảm chi phí, trong đó bao gồm cả quỹ từ thiện của Công ty. Ông Phương vẫn tiếp tục các hoạt động từ thiện bằng tiền của mình và các đồng nghiệp. Điều này giờ đã thành thói quen của mọi người trong Công ty. Mặc dù Công ty duy trì quỹ từ thiện, nhưng nhân viên vẫn tiếp tục đóng góp thêm để các hoạt động từ thiện càng ngày càng rộng lớn và đa dạng.
“Mưa dầm thấm lâu, mọi việc đều cần thời gian để trở thành thói quen, nhất là thói quen tốt như làm việc thiện”, ông Phương nói.
Dĩ nhiên vẫn có những nhân sự không phù hợp với văn hóa Công ty và rời đi, Gen Z cũng có mà những người thế hệ trước đó cũng có nhưng đối với ông đó là điều hoàn toàn tự nhiên vì không còn đủ duyên với nhau, có làm gì cũng vô ích.
Ông Phương tin rằng tâm thiện lành là một dạng năng lượng tích cực mang tính cộng hưởng, và cần được lan tỏa sang nhiều cá thể khác hơn là giữ riêng cho mình để nhiều người hưởng được sự lợi ích của nó. Chính vì thế, ông luôn cố gắng lan tỏa ra trong Công ty DXC và cả ở Liên đoàn Aikido TP.HCM, nơi ông đang giữ vai trò Phó Chủ tịch Liên đoàn.
Ở tuổi 57, ông Phương vẫn tập luyện và dạy Aikido đều đặn. Đối với ông một tâm thiện lành cần được xây dựng trên một thân thể khỏe mạnh, mặt khác nó còn để thực hiện mục tiêu tối thượng trong con đường tu tập của ông.
“Tôi có 2 điều tâm đắc. Thứ nhất nhân quả và tăng trưởng của Công ty là 2 hoạt động không thể tách rời nhau và thứ 2 là việc tích phước hay gieo nhân tốt là việc đòi hỏi phải làm bền bỉ trong suốt cuộc đời của mỗi người”, ông Phương nói.
Có thể bạn quan tâm:
Bà Nguyễn Thị Trà My, CEO Tập đoàn PAN: “Nghĩ lành & làm vững”
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>