Sản xuất cà phê Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thiên nhiên. Ảnh: T.L
Vào tuần cuối cùng tháng 11, giá cà phê nguyên liệu tại Tây Nguyên đã lên tới 127-131 triệu đồng/tấn, nhưng nhiều người trồng cà phê vẫn giữ hàng, chờ giá lên cao hơn. Việc bán hàng chậm lại cho thấy người trồng cà phê đã am hiểu thị trường hơn, nhưng cũng làm đảo lộn kế hoạch của nhiều nhà xuất khẩu, đe dọa nguồn cung toàn cầu trong tương lai.
Nỗi lo trên đỉnh giá
Theo Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), trong 11 tháng năm 2024, xuất khẩu cà phê đạt 1,25 triệu tấn, kim ngạch đạt kỷ lục 4,92 tỉ USD, giảm 8% về khối lượng, nhưng tăng 40,5% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Ngành cà phê Việt Nam đang được hưởng lợi từ giá cà phê tăng cao, đặc biệt robusta đạt đỉnh lịch sử khi lên tới trên 5.000 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 5/1977. Tình hình tài chính của người trồng cà phê bây giờ đã khác, họ ra ngân hàng gửi tiền, không còn đi vay để trang trải chi phí thu hoạch với hy vọng bán được cà phê với giá 100 triệu đồng/tấn. Ông Lê Đức Huy, Tổng Giám đốc Công ty Simexco DakLak, nói rằng nhiều người trồng cà phê “đã có số dư tiền gửi cao hơn năm trước”.
Dù giá cà phê hạt đang tăng đột biến và duy trì ở mức cao nhưng những người kinh doanh cà phê Việt Nam phải đối mặt với 2 thách thức lớn: Sản lượng giảm do điều kiện thời tiết bất lợi và gián đoạn chuỗi cung ứng, giá tăng do nhu cầu cả trong và ngoài nước đều tăng cao. Simexco DakLak, một trong những công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, vẫn phải “chờ nông dân bán ra” mới có thể nhận thêm các đơn hàng mới. Nhưng điều khiến ông Huy lo ngại nhất là nếu sản lượng liên tiếp suy giảm, Việt Nam có thể để mất vị trí ưu tiên số 1 về lựa chọn nguồn cung robusta vào tay Brazil trong năm sau.
Tổng Giám đốc Simexco DakLak giữ quan điểm không chạy theo sản lượng, nhưng tình hình hiện nay có thể dẫn tới khả năng “không đảm bảo nhu cầu cả năm của các nhà rang xay”, vốn là yếu tố quan trọng có thể khiến nhiều nhà mua hàng tìm kiếm nguồn cung mới đồng thời điều chỉnh công thức chế biến. Cuối vụ trước, khi nguồn cung robusta Việt Nam tiếp tục giảm, một số khách hàng châu Âu phải mua cà phê Conilon, cà phê robusta của Brazil, để chế biến cà phê hòa tan.
Việt Nam có 709.000 ha đất cà phê nhưng ngành này chật vật tăng sản lượng, vốn đang trên đà suy giảm bởi thời tiết El Niño gây hại cho cây trồng. Lượng mưa thiếu hụt ở Việt Nam đã gây tổn thất rất lớn cho mùa trổ hoa của cà phê. Bên cạnh đó, việc sử dụng phân bón ít hơn và mở rộng diện tích trồng sầu riêng làm giảm diện tích cà phê cũng tạo áp lực lên sản xuất. Robusta đóng vai trò quan trọng khi chiếm đến 90% số lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam, nước sản xuất cà phê robusta lớn nhất thế giới.
Cách tiếp cận bền vững
Thời điểm này, tác động từ việc các nhà rang xay châu Âu tăng thu mua cà phê đã giảm xuống do Liên minh châu Âu (EU) tạm hoãn áp dụng Quy định chống phá rừng (EUDR) thêm 1 năm. Tuy nhiên, tình trạng thâm hụt robusta trên toàn cầu sẽ tiếp diễn trong niên vụ 2024-2025, theo dự báo của Volcafe, một công ty kinh doanh cà phê toàn cầu có trụ sở tại Thụy Sĩ. Điều này củng cố các dự báo khác, rằng thị trường từ nay đến hết quý I/2025 tiếp tục xu hướng giá ổn định ở mức cao do lo ngại thời tiết không thuận lợi và tình trạng thiếu hụt nguồn cung robusta của Việt Nam chưa được cải thiện.
Tại Việt Nam, nguồn hàng xuất khẩu đã thiếu hụt từ cuối vụ 2022-2023, dẫn tới giá cà phê tăng cao liên tục từ đầu vụ 2023-2024, theo VICOFA. Niên vụ 2024-2025 bắt đầu thu hoạch từ tháng 11, nhưng được dự báo sản lượng sẽ thấp hơn mọi năm do thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn hơn mọi năm. Đặc biệt là ở Tây Nguyên, vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam, vào đầu mùa mưa vẫn xảy ra tình trạng thiếu nước do mưa gián đoạn trong các tháng 6 và 7. Hãng tư vấn Hedgepoint dự báo sản lượng cà phê của Việt Nam ước khoảng 27 triệu bao, thấp hơn dự báo trước đó của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) là 29 triệu bao, gồm arabica và robusta.
Sản xuất cà phê Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào thiên nhiên. Điều này có thể điều hướng bằng cách áp dụng các phương pháp tiếp cận chiến lược, với ưu tiên hàng đầu là thúc đẩy các hoạt động và sáng kiến canh tác bền vững để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với sản xuất cà phê.
Tiến sĩ Majo George, giảng viên cấp cao ngành Quản trị chuỗi cung ứng và logistics Đại học RMIT, cho rằng khả năng phục hồi và thích ứng của các nhà sản xuất, cùng sự hỗ trợ của Chính phủ thông qua các biện pháp đầu tư về đầu tư hạ tầng và hỗ trợ sản xuất cho nông dân, sẽ là chìa khóa để vượt qua khó khăn hiện tại, đảm bảo nguồn cung bền vững trong tương lai.
Hiện nay, tại Việt Nam đã phát triển một số quan hệ hợp tác công tư, như chương trình Sản xuất kết hợp bảo vệ nguồn tài nguyên và an sinh xã hội (PPI Compact) tại Đắk Lắk, đã tạo ra các mô hình bền vững và cải thiện khả năng phục hồi sản lượng của nông dân.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>