Ngày 22/8, Hội nghị MMA ALC Summit 2024 đã được diễn ra tại Sheraton Saigon Hotel & Towers với sự tham gia của đại diện đến từ Adtima, chị Lương Thị Xuân Mai (Head of Strategic Planning) và Tiến sĩ Châu Thành Đức (Head of Zalo AI Lab).
Với chủ đề “Explore New Horizons With AI: The Journey & Lessons From A Trailblazer”, hai đơn vị đã cùng nhau mở ra bức tranh tổng quan về hành trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI vào thực tiễn. Trong đó, Zalo đóng vai trò tiên phong trong việc nghiên cứu và phát triển các công nghệ AI nền tảng, đặc biệt là mô hình ngôn ngữ lớn (LLM), trong khi Adtima là một trong những đơn vị dẫn đầu trong việc ứng dụng AI vào các giải pháp quảng cáo sáng tạo, mang đến giá trị cho doanh nghiệp.
Đón đầu để dẫn đầu
AI đã và đang trở nên quen thuộc trong 2 năm trở lại đây, nhưng thật chất AI đối với Zalo đã là câu chuyện từ 7 năm trước. Khi hiệu quả và tính ứng dụng của AI còn là điều mơ hồ, chưa kể đến phải đối mặt với 3 “thiếu” ở giai đoạn sơ khai: thiếu nguồn dữ liệu, thiếu cơ sở hạ tầng, thiếu nhân lực chuyên môn, thế nhưng Zalo vẫn mạo hiểm nhảy vào cuộc chơi AI.
Từ một ứng dụng nhắn tin, Zalo đã không ngừng phát triển và tích hợp trí tuệ nhân tạo vào nhiều tính năng, dịch vụ của mình. Hành trình bắt đầu từ năm 2017 với những ứng dụng cơ bản như eKYC (định danh điện tử) và chuyển đổi văn bản thành giọng nói. Dần dần, Zalo mở rộng quy mô và độ phức tạp để đưa AI vào sâu hơn trong các sản phẩm của mình. Năm 2020, trợ lý Tiếng Việt Kiki ra đời và trở thành một trong những cột mốc quan trọng nhất. Kiki đã nhanh chóng trở thành công cụ đắc lực của hàng triệu người dùng.
Điểm nhấn lớn nhất trong hành trình này chính là việc Zalo đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) vào năm 2023. Tuy nhiên, việc xây dựng một LLM hiệu quả cho tiếng Việt, một ngôn ngữ có nhiều đặc thù và ít tài nguyên, lại là một thử thách vô cùng lớn.
Tiếng Việt có cấu trúc ngữ pháp phức tạp, nhiều thanh điệu, đa dạng về phương ngữ các vùng miền. Đồng thời, nguồn dữ liệu đào tạo cho mô hình ngôn ngữ tiếng Việt còn hạn chế rất nhiều so với các ngôn ngữ lớn khác như tiếng Anh hay tiếng Trung. Sự thiếu hụt về nguồn lực và kinh nghiệm trong việc phát triển LLM cũng là một trở ngại. Khi so sánh với các nước có nền công nghệ phát triển mạnh mẽ, Việt Nam vẫn đang trong quá trình xây dựng và phát triển nguồn nhân lực cũng như hạ tầng kỹ thuật cho AI.
Zalo đã mạnh dạn đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và trở thành đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sở hữu hệ thống máy chủ trí tuệ nhân tạo DGX H100 tiên tiến nhất của NVIDIA cùng với hơn 50 máy chủ GPU, cung cấp sức mạnh tính toán cần thiết cho các mô hình AI quy mô lớn. Đội ngũ của Zalo bao gồm hơn 100 kỹ sư AI và khoa học dữ liệu, trải dài từ các lĩnh vực nghiên cứu cơ bản đến ứng dụng thực tiễn. Nhờ đó, Zalo đã huấn luyện thành công mô hình ngôn ngữ lớn KiLM dành riêng cho tiếng Việt chỉ chỉ trong vỏn vẹn vài tháng và đạt được những kết quả vượt trội. Đến cuối năm 2023, Zalo đã bắt kịp mô hình GPT-3.5, sớm hơn kế hoạch dự kiến 6 tháng và có tham vọng sớm bắt kịp mô hình GPT-4.0.
Lấy AI làm trọng tâm cho những giải pháp tương lai
Việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển tài nguyên AI của Zalo đã mở ra những cánh cửa mới cho việc ứng dụng AI trong các sản phẩm và dịch vụ của Adtima. Điều này cũng đồng nghĩa với cơ hội nâng cao trải nghiệm khách hàng lên một tầm cao mới, một mục tiêu mà cả Zalo và Adtima đang không ngừng theo đuổi.
Từng hoạt động nhiều năm dưới triết lý “Mobile-First”, Adtima đã thành công trong việc khai thác và tận dụng sức mạnh của thiết bị di động để tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, với sự phát triển mạnh mẽ của AI, Adtima đang chuyển mình để trở thành nhà cung cấp giải pháp với AI là trọng tâm. Bằng cách này, Adtima không chỉ đơn thuần ứng dụng AI vào các sản phẩm hiện có mà còn phát triển những giải pháp mới, tối ưu hóa toàn bộ hành trình tiếp cận và tương tác với khách hàng.
Với chiến lược “AI-First” trong giai đoạn sắp tới, Adtima sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong suốt hành trình khách hàng. Bắt đầu bằng việc thấu hiểu sâu sắc hành vi người tiêu dùng thông qua thu thập và phân tích dữ liệu thông minh, Adtima trang bị cho doanh nghiệp những insight chuyên sâu để tối ưu hóa hiệu suất các chiến dịch quảng cáo. Tiếp theo, nhờ ứng dụng AI, quá trình tạo quảng cáo, nhắm mục tiêu và tối ưu hóa trở nên tự động và hiệu quả hơn bao giờ hết, giúp doanh nghiệp đạt được ROI tối đa.
Song song đó, nhờ khả năng tạo ra nhiều biến thể quảng cáo và nội dung cá nhân hóa dựa trên AI, Adtima giúp doanh nghiệp tạo ra những nội dung quảng cáo sáng tạo, dễ dàng tiếp cận đến từng nhóm đối tượng khách hàng. Đồng thời, tính năng tự động tạo nội dung cho người dùng (UGC), điển hình như tạo AI Avatar, khuyến khích người dùng tham gia tương tác, giúp lan tỏa thông điệp thương hiệu một cách tự nhiên.
Cuối cùng, để hoàn thiện trải nghiệm khách hàng, Adtima cung cấp các giải pháp tương tác thông minh như chatbot và trợ lý ảo, giúp doanh nghiệp xây dựng mối quan hệ bền vững với khách hàng.
Chị Xuân Mai chia sẻ thêm về tầm nhìn mà Adtima quyết tâm theo đuổi trong thời gian tới: “Để hiện thực hóa mục tiêu với AI, Adtima sẽ mở rộng hợp tác chiến lược với các doanh nghiệp đầu ngành. Bằng cách tận dụng tối đa chuyên môn về AI và thế mạnh nền tảng trong việc khai thác dữ liệu, mô hình hóa, xử lý ngôn ngữ tự nhiên, xử lý giọng nói và thị giác máy tính, chúng tôi sẽ bắt tay cùng các thương hiệu sáng tạo nên những giải pháp đột phá, giúp giải quyết những thách thức và bài toán cơ hội cho doanh nghiệp một cách thiết thực và hiệu quả nhất”.
Mang AI vào thực tiễn quảng cáo: Adtima đã chiến thắng như thế nào?
“Làm AI” là quá trình đòi hỏi nhiều sự sáng tạo, phải liên tục thử, cải tiến rồi lại thử để tìm ra giải pháp tối ưu và phù hợp nhất cho chiến dịch truyền thông của thương hiệu. Cùng điểm qua hai chiến dịch nổi bật từ nhà Adtima để hiểu hơn về các giải pháp AI và cách nó mang lại hiệu quả cho chiến dịch quảng cáo tích hợp.
Đưa Generative AI hòa vào văn hóa truyền thống
Tết là câu chuyện của sum vầy, của những chuyến xe về nhà, của hình ảnh mai vàng, đào tươi. Làm sao để “hô biến” những điều quen thuộc ấy trở nên mới mẻ, thu hút hơn? Adtima bằng giải pháp Avatar AI đã giúp Pepsi đột phá trong chiến dịch Tết 2024 với kết quả vô cùng ấn tượng: 7,4 triệu lượt tiếp cận; hơn 100 triệu ảnh AI Avatar được tạo ra chỉ trong 2 tuần.
Nhờ ứng dụng mô hình AI do Zalo phát triển, Adtima đã tạo ra chiến dịch ‘Mang Tết về nhà, Sống trọn khoảnh khắc’ cùng Pepsi, cho phép người dùng thỏa sức sáng tạo hình ảnh AI Avatar của riêng mình. Với trang phục Tết đa dạng phối cùng hoạt cảnh Tết phong phú (pháo hoa giao thừa, trang trí Tết, chợ hoa, không khí lễ hội cùng với lon Pepsi mát lạnh).
“Đa diện hoán đổi” tạo kết nối sâu sắc giữa các thế hệ
Sau thành công với giải pháp hoán đổi gương mặt một cách hoàn hảo bằng AI, Adtima tìm kiếm những điều hơn thế. Và “đa diện hoán đổi” đã trở thành giải pháp tiếp theo được Adtima đưa vào triển khai cho chiến dịch “Thiệp cảm ơn” hợp tác cùng thương hiệu Mirinda Việt Nam nhân Ngày Gia Đình (28/6).
Dựa trên nền tảng công nghệ AI do Zalo cung cấp, Adtima đã giúp người dùng thoả sức sáng tạo những tấm thiệp cảm ơn được cá nhân hóa bằng cách kết hợp ảnh của mình và ba mẹ kèm những lời nhắn nhủ yêu thương dành cho đấng sinh thành. “Thiệp cảm ơn” lan tỏa đến 1,2 triệu người trong vòng 2 tuần với hơn 380.000 lượt tạo ảnh đã để lại ấn tượng mạnh về mặt cảm xúc và truyền đi thông điệp về sự kết giữa các thế hệ gia đình.
Với nền tảng công nghệ AI tiên tiến từ Zalo, Adtima sẽ tiếp tục tiên phong trong việc tạo ra những sản phẩm có giá trị cho ngành quảng cáo Việt Nam. Adtima hướng tới một tương lai nơi mà AI không chỉ là công cụ hỗ trợ mà còn là người bạn đồng hành, giúp các doanh nghiệp tạo ra những chiến dịch marketing sáng tạo, hiệu quả và cá nhân hóa cao, từ đó nâng cao trải nghiệm của người dùng và thúc đẩy sự phát triển của thương hiệu.