Việc áp dụng A.I có thể giảm thiểu chi phí điều trị lên đến 50% và cải thiện sức khỏe đến 40%. Ảnh: TL.
Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam) đang cập nhật việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (A.l), robot trong điều trị các bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng, kết hợp với giải pháp y học cổ truyền. Đây là thông tin được Phó Giáo sư – Tiến sĩ Lê Mạnh Cường, Giám đốc Bệnh viện Tuệ Tĩnh, cho biết khi nói về giải pháp mới trong điều trị bệnh lý cơ xương khớp, phục hồi chức năng. Theo đó, A.I và robot đang được ứng dụng trong điều trị bệnh cơ xương khớp, phục hồi chức năng với các bệnh về cột sống, thoát vị đĩa đệm, vấn đề sau đột quỵ…
Các trường đại học và viện nghiên cứu tại Việt Nam như Ðại học Bách khoa Hà Nội, Ðại học Quốc gia TP.HCM, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ cũng đang nghiên cứu và phát triển các ứng dụng A.I trong chẩn đoán hình ảnh y tế, nhất là trong lĩnh vực ung thư.
Thực vậy, Việt Nam đã có nhiều bước tiến ứng dụng A.I trong lĩnh vực y tế. Chẳng hạn, VinDr giúp Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 có sản phẩm A.I cho chẩn đoán X-quang tuyến vú được FDA công nhận, sau Mỹ, Pháp, Hà Lan và Hàn Quốc. Hay Bệnh viện Nội tiết Trung ương và Tập đoàn VNPT đã nghiên cứu đưa A.I vào ứng dụng để hỗ trợ sàng lọc, chẩn đoán ung thư tuyến giáp. Dựa trên phim siêu âm, hệ thống sẽ đưa ra tỉ lệ khả năng nhân tuyến giáp lành tính hoặc ác tính.
Trên thế giới, theo nghiên cứu của Trường Y tế Cộng đồng Harvard (Mỹ), việc áp dụng A.I có thể giảm thiểu chi phí điều trị lên đến 50% và cải thiện sức khỏe đến 40% nhờ khả năng khai thác và phân tích lượng dữ liệu khổng lồ để nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị bệnh. Đánh giá chung về tác động của A.I đối với ngành y, ông Đào Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Blockchain và Trí tuệ nhân tạo ABAII, cho rằng thành tựu lớn nhất của A.I trong ngành y hiện có thể kể đến như chẩn đoán bệnh, phát triển thuốc, quản lý hồ sơ bệnh án, robot phẫu thuật, trợ lý ảo y tế 24/7…
Giải thích sâu hơn về kỹ thuật, ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc GE HealthCare Việt Nam, cho hay, mỗi ngày có hàng triệu bản in kết quả chẩn đoán hình ảnh. Khi được ứng dụng, A.I với khả năng đọc, phân tích dữ liệu sẽ giúp bác sĩ có được kết quả chọn lọc nhất, thay vì phải xử lý khối lượng lớn hình ảnh của từng ca bệnh. Hiện nay, các công nghệ chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ A.I đang được phát triển như một công cụ tiên lượng, giúp bác sĩ dự đoán những ca bệnh cần điều trị, ngay cả khi triệu chứng bệnh chưa biểu hiện.
Các chuyên gia đánh giá Việt Nam có nhiều tiềm năng thúc đẩy A.I trong lĩnh vực y tế khi sở hữu nguồn nhân lực công nghệ thông tin dồi dào. Việt Nam đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn đa quốc gia về công nghệ, trong đó bán dẫn và A.I là những lĩnh vực được dự báo có sự bùng nổ. Mặt khác, Việt Nam đang trong giai đoạn số hóa và đây là thời điểm rất tốt để xây dựng A.I từ đầu trong nhiều lĩnh vực.
Theo báo cáo của Data Vantage thuộc DealStreetAsia, Singapore và Indonesia dẫn đầu khu vực về thu hút đầu tư trong ngành y tế; Việt Nam đứng thứ 3, chiếm 3,9% tổng vốn đầu tư. Sự kiện đáng chú ý gần đây là công ty A.I về y tế VinBrain đã nhận được khoản đầu tư lớn từ hãng sản xuất chip Nvidia. Những doanh nghiệp áp dụng A.I vào y tế còn có Gene Solutions, GeneStory, Genetica, Thabis, N2TP… Các hãng công nghệ như FPT, Viettel, CMC đều đã theo đuổi các dự án tham vọng trong phát triển dịch vụ A.I. Theo dữ liệu của GE HealthCare, dự báo đến năm 2025 đầu tư cho A.I trong lĩnh vực y tế tăng thêm 76%.
Ông Trương Quốc Hùng, CEO VinBrain, cho biết đến nay, khối lượng dữ liệu mà VinBrain thu thập rất lớn bao gồm hơn 2,4 triệu dữ liệu y tế đến từ Mỹ, châu Âu, Ấn Độ và Việt Nam, sử dụng tại hơn 100 bệnh viện. Mục tiêu của startup này là bao phủ cả thị trường Đông Nam Á gần 1 tỉ người và sau đó mở rộng thêm nữa.
Vẫn còn nhiều rào cản để A.I có thể tạo ra đột phá trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh tại Việt Nam. Đó là những rào cản từ dữ liệu, tài chính đến hành lang pháp lý, nguồn nhân lực… Tuy nhiên, tại Việt Nam, chuyển đổi số trong y tế được xác định là một trong những ưu tiên quan trọng của ngành y tế nhằm hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân đến năm 2030.
Cùng với làn sóng công nghệ bùng nổ, Chính phủ sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sử dụng A.I, robot trong lĩnh vực y tế thông qua việc tạo ra các chính sách hỗ trợ, đào tạo bác sĩ, khuyến khích sử dụng, đầu tư các ứng dụng A.I. Qua đó, tạo cơ hội giúp y tế trong nước bắt kịp những tiến bộ của A.I đang hứa hẹn sẽ mang lại những đột phá lớn hơn nữa trong lĩnh vực y tế, y học cá nhân.