Từ vị trí thứ 5 thế giới, quy mô thị trường mì ăn liền Việt Nam đã bùng nổ trong giai đoạn COVID-19 và hiện đã vượt qua Ấn Độ và Nhật Bản.
Theo số liệu của Hiệp hội mì ăn liền Thế giới (WINA), trong năm 2022, sức tiêu thụ mì gói tại Thị trường Việt Nam đã giảm nhẹ 1% so với thời điểm năm trước còn dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, người Việt vẫn tiêu thụ hơn 8,48 tỷ gói mỳ, xếp trong top 3 nước tiêu thụ mì gói nhiều nhất thế giới.
Theo Vietdata, một báo cáo gần đây cho biết thị trường toàn cầu của thực phẩm khô dự kiến đạt 98,02 tỷ USD vào năm 2025, tăng trưởng với tỷ lệ CAGR 5,1% trong giai đoạn 2023-2028.
Việt Nam hiện có khoảng 50 công ty sản xuất mì ăn liền, bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong nhiều năm, thị trường nằm trong thế “chân vạc”, dẫn đầu là Acecook với thương hiệu mì Hảo Hảo, xếp thứ hai là Masan Consumer (thành viên của CTCP Tập đoàn Masan) với các thương hiệu Omachi, Kokomi và thứ 3 là Asia Food với thương hiệu mì Gấu đỏ. Nhưng vài năm nay, Uniben với thương hiệu mì 3 Miền “tấn công” thị trường rất mạnh và trở thành “tay chơi” thứ 4 đáng gờm.
Theo báo cáo của Euromonitor vào cuối năm 2022, Acecook và Masan là hai doanh nghiệp đang dẫn đầu thị trường mì gói, chiếm tổng cộng 33% thị phần.
Trong những năm gần đây, Acecook Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định về doanh thu. Năm 2022, doanh thu thuần của Acecook đạt hơn 14.000 tỷ đồng, tăng 16,3%. Doanh thu công ty đã tăng trưởng liên tiếp từ năm 2017 đến nay.
Về lợi nhuận, năm 2021, lợi nhuận sau thuế của Acecook giảm 27,7% về mức 1.367 tỷ đồng, sang năm 2022, lợi nhuận công ty đã tăng trở lại mức 1.500 tỷ đồng.
Acecook đã có hơn 3 thập kỷ hoạt động tại Việt Nam. Thành lập vào năm 1993 và chính thức đi vào hoạt động từ năm 1995, đến nay Công ty Cổ phần Acecook Việt Nam (Vina Acecook) đã trở thành nhà sản xuất mì ăn liền dẫn đầu thị trường.
Danh mục sản phẩm của Acecook đa dạng từ mì gói (Hảo Hảo, Siu Cay), mì ly (Modern), phở (Đệ Nhất), miến (Phú Hương)… Trong đó, Hảo Hảo là thương hiệu ghi dấu ấn đậm nhất của Acecook, được ưu ái gọi là “mì quốc dân” của Việt Nam. Theo Forbes Việt Nam, ra mắt từ năm 2000, mì Hảo Hảo giúp Acecook từng chi phối hơn một nửa thị trường mì gói, khoảng 65% vào những năm 2003-2004.
Sau này, vị thế của Acecook bị lung lay đáng kể với sự vươn lên của các nhà sản xuất khác. Tuy nhiên, Acecook vẫn tăng trưởng tốt về doanh thu và có được hiệu quả hoạt động cao. Tổng cộng, đến nay Acecook vận hành 11 nhà máy trên toàn quốc, có 7 chi nhánh với hơn 300 đại lý trên toàn quốc và xuất khẩu sang hơn 40 quốc gia.
Huyền Trang
Nguồn CafeBiz