Vốn FDI Trung Quốc vào Việt Nam tăng nhanh do đâu?

Nhìn từ góc độ dòng vốn FDI đăng ký mới, các hành lang thương mại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang cùng đóng góp đến 60% tổng dòng vốn, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%. Ảnh: TL.

 
Dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc đại lục, đang ngày càng tăng tốc.

Trong nhiều thập kỷ qua, Việt Nam đã phát triển và trở nên gắn kết chặt chẽ với chuỗi cung ứng toàn cầu, tiến vào lĩnh vực điện tử giá trị cao hơn và chứng kiến ​​mức tăng trưởng xuất khẩu gấp 7 lần kể từ năm 2007, trong đó, 70% xuất khẩu là từ các doanh nghiệp FDI. Những nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu trong những năm qua chắc chắn là Hàn Quốc, với những gã khổng lồ như Samsung, LG, Hyundai, Lotte,… Singapore và Nhật Bản cũng đã tham gia vào cuộc đua vốn đầu tư này và giành được thành công lớn.

Tuy nhiên, động lực của dòng vốn FDI cũng như danh sách nhà đầu tư đang thay đổi kể từ nửa cuối năm 2023, rõ ràng hơn là vào năm 2024. Dòng vốn từ thị trường Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, trong đó dẫn đầu là Trung Quốc đại lục, đang ngày càng tăng tốc. Điều này là nhờ sự tương đồng sâu sắc giữa hai nền kinh tế, được thúc đẩy bởi chuỗi cung ứng toàn cầu đang thay đổi và sắp xếp lại. 

 

Báo cáo của HSBC cho thấy, thương mại giữa hai thị trường đã tăng gấp 10 lần kể từ năm 2007, Việt Nam hiện đóng vai trò quan trọng trong phân khúc hạ nguồn của chuỗi cung ứng sản xuất Trung Quốc. Nhìn từ góc độ dòng vốn FDI đăng ký mới, các hành lang thương mại Trung Quốc đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đang cùng đóng góp đến 60% tổng dòng vốn, trong khi năm 2022 chỉ chiếm 38%. Ngoài ra, tính đến nửa đầu năm 2024, gần 50% tổng số vốn đầu tư FDI đăng ký mới từ Singapore thực tế cũng bắt nguồn từ các khoản đầu tư của Trung Quốc và Đài Loan.

Dù lượng vốn đầu tư không cao như Trung Quốc, Đài Loan vẫn tiếp tục mở rộng và tăng cường đầu tư vào Việt Nam như một cách để chuyển hướng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Vậy, tại sao dòng FDI của Trung Quốc đại lục, Hồng Kông, Đài Loan, đặc biệt là từ Trung Quốc đại lục, lại đang gia tăng? 

Ông Joon Suk Park, Giám đốc Khối Kinh doanh Quốc tế, Khối Dịch vụ Ngân hàng Doanh nghiệp, HSBC Việt Nam đã chỉ ra một số lý do để lý giải cho sự gia tăng của dòng vốn này. 

Trước hết, Trung Quốc hiện đang là trung tâm của thương mại toàn cầu, nơi các biện pháp bảo hộ đang gia tăng. Khối lượng xuất khẩu hàng năm của Trung Quốc lên tới 3.500 tỉ USD, vượt xa Mỹ (2.000 tỉ USD) và Đức (1.700 tỉ USD). Các doanh nghiệp Trung Quốc ngày càng trở nên quan trọng đối với chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó, xét từ góc độ hành lang thương mại toàn cầu, 9 trong số 20 mối quan hệ thương mại toàn cầu quan trọng tập trung vào Trung Quốc, trong khi chỉ có 4 mối quan hệ thương mại quan trọng tập trung vào Mỹ và Châu Âu. 

Khu vực ASEAN hiện đang có thâm hụt thương mại với Trung Quốc gia tăng, nhưng phần nhiều đến từ việc sắp xếp lại chuỗi cung ứng đang diễn ra. Các thị trường ASEAN thực ra được hưởng lợi từ việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giá rẻ từ Trung Quốc, để trở nên cạnh tranh trên thị trường, từ đó đạt được vị thế thặng dư thương mại với các thị trường còn lại trên thế giới. Việt Nam là một ví dụ điển hình và là một trong những quốc gia hưởng lợi chính.

 

Thứ hai, dòng đầu tư tăng cũng là phản ứng trước một thị trường nội địa đang tăng trưởng, nhờ tầng lớp trung lưu đang gia tăng trong tổng dân số 100 triệu người, với độ tuổi tiếp cận các phương tiện truyền thông là 30 và lực lượng lao động chiếm tới 70% dân số. Nhà sản xuất xe điện số một Trung Quốc, BYD, gần đây đã gia nhập thị trường Việt Nam là một minh chứng.

Cuối cùng, các yếu tố cơ bản vẫn tiếp tục mạnh mẽ và hấp dẫn. Mức lương trong lĩnh vực sản xuất thấp hơn một nửa so với Trung Quốc đại lục và thấp thứ 2 trong ASEAN sau Philippines, giá điện thấp thứ 2 trong ASEAN chỉ sau Indonesia, giá dầu diesel thấp thứ 2 chỉ sau Malaysia. Việt Nam đã có những tiến bộ đáng kể trong việc thực hiện cả FTA song phương và khu vực. Chỉ số Hạn chế quy định đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI Regulatory Restrictiveness Index) cho thấy Việt Nam là nền kinh tế cởi mở nhất chỉ sau Singapore trong khu vực, trong khi mức thuế thu nhập doanh nghiệp theo luật định là 20% thể hiện lợi thế so sánh với các thị trường như Trung Quốc, Philippines, Malaysia và Indonesia. 

Theo ông Joon Suk Park, đối với Việt Nam, điều quan trọng nằm ở việc tiến lên phía trước và leo cao hơn nữa trong chuỗi giá trị gia tăng, cũng như để hoàn thiện các lĩnh vực giá trị gia tăng nội địa. Xuất khẩu hàng điện tử tiêu dùng vẫn mạnh, song Việt Nam vẫn tụt hậu trong phân khúc mạch tích hợp toàn cầu và không có đủ kỹ thuật viên lành nghề trong nước để thu hút đầu tư sản xuất công nghệ cao (mặc dù gần đây Chính phủ đã vạch ra lộ trình dành riêng cho ngành bán dẫn cho đến năm 2050).

Cũng trong các lĩnh vực khác bao gồm vận tải và hậu cần, thiếu hụt về cơ sở hạ tầng và chi phí hậu cần cao có thể gây áp lực lên các quyết định đầu tư. Năng lượng xanh và hành trình chuyển đổi đòi hỏi tốc độ triển khai và số hóa hơn nữa để đơn giản hóa các quy trình thương mại, yếu tố này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh. Đồng thời, việc tiếp tục cải thiện khuôn khổ pháp lý bao quát hỗ trợ đầu tư nước ngoài cũng như các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam sẽ tạo điều kiện duy trì nỗ lực của Việt Nam để tiếp nhận dòng đầu tư bền vững hiện tại và tương lai. 

Có thể bạn quan tâm 

Doanh nghiệp bất động sản hưởng lợi nhờ tháo gỡ pháp lý phân khu C4

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact