Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới, và thương mại điện tử chiếm hơn 60% giá trị nền kinh tế số.
Báo cáo “Thương mại điện tử phát triển bền vững: Động lực thúc đẩy nền kinh tế số” năm 2023 của Lazada cho biết tổng giá trị hàng hóa giao dịch (GMV) của ngành thương mại điện tử tại Việt Nam năm 2022 đạt mốc 14 tỉ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước.
Đà tăng trưởng này được dự báo sẽ tiếp tục duy trì, thậm chí ở mức cao hơn và lên đến 37% hàng năm, giúp GMV của ngành đạt con số 32 tỉ USD trong 3 năm tiếp theo. Với tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới.
“Sự tăng trưởng ấn tượng và vững chắc của nền kinh tế số Việt Nam trong những năm vừa qua có một phần không nhỏ đến từ sự bùng nổ của lĩnh vực thương mại điện tử khi ngành này chiếm tới hơn 60% giá trị nền kinh tế số của Việt Nam. Đặc biệt, trong số 23 tỉ USD mà kinh tế số Việt Nam đạt được trong năm 2022 thì có tới 14 tỉ USD là từ lĩnh vực thương mại điện tử. Còn tới năm 2025, nếu nền kinh tế số Việt Nam đạt tới ngưỡng 49 tỉ USD, thì con số này ở lĩnh vực thương mại điện tử là 32 tỉ USD, chiếm tới hơn 65%”, Báo cáo của Lazada nhận định.
Theo Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), chỉ số thương mại điện tử đã có sự chênh lệch lớn giữa Hà Nội và TP.HCM so với các địa phương còn lại. Sự khác biệt này được đo lường dựa trên ba chỉ số thành phần: Hạ tầng và nguồn nhân lực, giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C), giao dịch giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B). Có thể thấy, việc tập trung gia tăng ba chỉ số thành phần sẽ là nhân tố thúc đẩy kinh tế số phát triển đồng đều giữa các địa phương, góp phần mang đến sự phát triển nhanh và bền vững cho nền kinh tế số Việt Nam nói chung.
Đối với chỉ số hạ tầng và nguồn nhân lực, khảo sát của VECOM cho thấy, trong năm 2021, có đến 64% doanh nghiệp cho biết họ ưu tiên việc tuyển dụng nhân sự có kỹ năng về công nghệ thông tin và thương mại điện tử, phần lớn trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn (chiếm 79% trong số các doanh nghiệp thể hiện sự ưu tiên đối với vấn đề này).
Các doanh nghiệp có mức độ ưu tiên tuyển dụng nhân viên có kỹ năng công nghệ và thương mại điện tử nhất chủ yếu trong lĩnh vực: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ (87%), Thông tin và truyền thông (78%), Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm (77%) và Hoạt động kinh doanh bất động sản (76%).
Đối với chỉ số giao dịch giữa doanh nghiệp với người tiêu dùng (B2C): Tỷ lệ doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử trong năm 2021 duy trì ở mức 22%, tương tự so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, các doanh nghiệp đang ngày càng đẩy mạnh việc tiếp cận khách hàng và thúc đẩy mua sắm thông qua các thiết bị di động. Theo VECOM, trong năm 2021, đã có đến 83% doanh nghiệp cho phép khách hàng thực hiện toàn bộ quy trình mua sắm trên thiết bị di động, trong khi con số này ở cùng kỳ năm trước chỉ là 52%.
Ngoài ra, để đẩy mạnh hơn nữa thói quen này, tỉ lệ doanh nghiệp tham gia triển khai các chương trình khuyến mại dành riêng cho khách hàng sử dụng thiết bị di động để mua sắm cũng tăng cao, đạt 48% trong năm 2021 so với chỉ 35% trong năm 2020.
Đối với chỉ số giao dịch thương mại điện tử giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp (B2B), Báo cáo cho thấy, đi cùng với xu hướng gia tăng mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng, tỷ lệ doanh nghiệp nhận được các đơn đặt hàng qua các công cụ trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử, website, ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể.
Trong đó, hoạt động bán hàng thông qua mạng xã hội và qua các sàn thương mại điện tử được đánh giá là mang lại hiệu quả cao nhất, với lần lượt 37% và 25% doanh nghiệp đánh giá cao hiệu quả đem lại thông qua việc bán hàng dựa trên hai công cụ này. Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi có đến 92% doanh nghiệp đánh giá vai trò của thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp là ở mức tương đối quan trọng trở lên. Trong đó, có 9% trong số doanh nghiệp cho rằng vai trò của thương mại điện tử là rất quan trọng.
Sự phát triển của thương mại điện tử cũng tạo ra cơ hội để đẩy mạnh tiềm năng xuất khẩu và kết nối xuyên quốc gia đối với các doanh nghiệp.
VECOM cho biết có 18% doanh nghiệp sử dụng website/ ứng dụng thương mại điện tử cho mục đích xuất khẩu, và đa phần trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn. Hiệu quả mà các website/ ứng dụng thương mại điện tử mang lại cho việc xuất khẩu của các doanh nghiệp cũng nhận được sự đánh giá tích cực. Trong đó, có 34% doanh nghiệp đánh giá là hiệu quả và 7% doanh nghiệp cho là rất hiệu quả.
Cẩm Tú
Nguồn Nhịp cầu Đầu tư