Hình ảnh minh họa thị trường tăng. Ảnh: Freepik
Kết thúc tháng 10, VN-Index đóng cửa ở 1.264 điểm, tăng 1,04% trong quý III/2024. Giá trị khớp lệnh bình quân trên sàn HOSE đạt 14.157 tỉ đồng/phiên, giảm 20% so với mức bình quân của quý trước.
FTSE Russell tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên Thị trường mới nổi thứ cấp trong kỳ đánh giá tháng 10/2024. Mặc dù có tiến triển, nhưng Việt Nam vẫn cần cải thiện hệ thống thanh toán “DvP” và quy trình mở tài khoản mới để đáp ứng tiêu chí. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 68, có hiệu lực từ ngày 2/11/2024, nhằm loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước 100% đối với nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc nâng hạng có thể được xem xét vào tháng 3/2025, với chính thức triển khai vào 2026. Ước tính, thị trường Việt Nam nếu được nâng hạng có thể thu hút 500-600 triệu USD từ các quỹ chỉ số”, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định.
Các Ngân hàng Trung ương trên thế giới đang đồng loạt đưa ra các chính sách nhằm hỗ trợ nền kinh tế, trong đó tập trung vào việc điều chỉnh lãi suất và thúc đẩy tăng trưởng. Đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đánh dấu quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ bằng mức cắt giảm 50 điểm % trong tháng 9 và 0,25 điểm % trong tháng 11, dự báo sẽ còn đợt cắt giảm lãi suất trong tháng 12 tới để kiểm soát lạm phát và kích thích thị trường lao động. Cho tháng 11, VDSC kỳ vọng thị trường sẽ có nhịp phục hồi tích cực, nhờ kết quả kinh doanh quý III ấn tượng giúp định giá trở về vùng hấp dẫn. Lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE tăng trưởng 29% so với cùng kỳ, trong khi EPS 12 tháng liền kề có mức tăng 9% theo quý và tăng 16% so với EPS năm 2023.
Sau khi phản ánh các kết quả này, chỉ số P/E của VN-Index đã điều chỉnh giảm từ 14,7 về 13,4 lần, chạm mức định giá thấp nhất trong năm nay. Thống kê lịch sử giao dịch của thị trường trong 7 năm qua cũng cho thấy, thị trường thường tăng điểm cao hơn vào tháng sau mùa công bố kết quả kinh doanh.
“Chúng tôi kỳ vọng xu hướng khả quan cũng sẽ được duy trì trong trung hạn khi lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp niêm yết trong quý IV/2024 dự báo đạt 22% so với cùng kỳ, đánh dấu quý thứ tư liên tiếp có mức tăng trưởng hai chữ số. Các cổ phiếu vốn hóa lớn thuộc nhóm ngành chủ đạo như ngân hàng, bất động sản và thực phẩm-đồ uống dự kiến sẽ dẫn dắt đà tăng trưởng”, VDSC nhận định.
Trong ngắn hạn, VDSC cho rằng tỉ giá hiện đang chịu áp lực do chênh lệch lãi suất, gây ảnh hưởng tới điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, triển vọng đồng USD yếu sẽ trở lại bất kể kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, giúp ổn định dư địa tỉ giá và chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước.
Nhận định này dựa trên hai cơ sở là FED đã cắt giảm 50 điểm cơ bản vào tháng 9/2024, báo hiệu quá trình bình thường hóa lãi suất đã khởi động, với kịch bản giảm thêm 150 điểm cơ bản trong 15 tháng tới khi xu hướng lạm phát giảm vững chắc. Cùng với đó là lo ngại về chính sách thâm hụt tài khóa của Mỹ từ cả hai ứng viên có thể tạo áp lực lên đồng USD.
Theo VDSC, sau khi phản ánh kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024, vùng định giá hợp lý của VN-Index, tương ứng mức P/E 14,x – 15,x, là 1.299 – 1.392 điểm. Dù vậy, với các cơn gió ngược ngắn hạn khiến niềm tin của nhà đầu tư chưa được củng cố, VN-Index có thể thử thách ở vùng định giá thấp hơn trước khi được tái định giá về vùng hợp lý. Theo đó, cho giai đoạn ba tháng tiếp theo (trước khi mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV diễn ra), chỉ số VN-Index có thể biến động trong vùng 1.237 – 1.345 điểm.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>