Thị trường chứng khoán bị bán tháo do đâu?

Hình ảnh minh họa thị trường giảm. Ảnh: PV.

 
Sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 5/8 đồng pha với xu hướng chung của thị trường tài chính thế giới.

Chịu ảnh hưởng từ thị trường chứng khoán thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam đã “mở bát” tháng mới với mức giảm hơn 48 điểm của VN-Index. Hơn 96 mã giảm sàn cùng hàng trăm mã nhuốm đỏ.  

4 nguyên nhân chính khiến thị trường bị bán tháo  

Lý giải về đà bán tháo của thị trường chứng khoán Việt Nam, NCĐT đã có cuộc trao đổi với bà Lưu Hoàng Ngọc Trâm, Chuyên viên tư vấn Khách hàng Cá nhân Cấp cao, Công ty Chứng khoán MB (MBS).  

Bà Trâm cho hay, sự sụt giảm mạnh của thị trường chứng khoán Việt Nam trong phiên 5/8 đồng pha với xu hướng chung của thị trường tài chính thế giới.  

Áp lực bán tháo lan rộng ra toàn thị trường trên mọi nhóm ngành khiến VN-Index kết phiên giảm hơn 48 điểm, phủ nhận hoàn toàn phiên đảo chiều trước đó. Nguyên nhân được cho rằng xuất phát từ tâm lý lo ngại Mỹ có thể đang hướng đến suy thoái. Vì vậy các nhà đầu tư vội vã thoát khỏi các tài sản rủi ro. 

Chi tiết hơn, bà Trâm đã chỉ ra 4 lý do khiến thị trường chứng khoán Việt Nam bị bán tháo mạnh mẽ trong phiên giao dịch đầu tháng 8.  

 

Đầu tiên là sự lo ngại Mỹ bước vào suy thoái khi tỉ lệ thất nghiệp của nước này đã tăng từ mức 4,1% tháng 6 lên 4,3% vào tháng 7, mức cao nhất kể từ tháng 10/2021. Đây cũng là cú huých để FED quyết định việc điều chỉnh lãi suất ra sao trong tháng 9 tới đây.  

Thứ hai, tâm lý của nhà đầu tư cũng bị ảnh hưởng khi thị trường chứng khoán Nhật bản chịu cú sốc lớn nhất kể từ 1987. Đồng Yen tăng giá gây áp lực cho nhóm xuất khẩu, vốn là xương sống của nền kinh tế Nhật. Không những vậy còn ảnh hưởng lớn đến các tổ chức carry trade từ đồng JPY đến chủ yếu từ khu vực Châu Á. 

Thứ ba là rủi ro địa chính trị tăng cao khi nguy cơ xung đột khu vực Trung Đông ngày càng leo thang, gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu. Nhà đầu tư cũng theo đó có xu hướng thoát khỏi các tài sản rủi ro và tìm đến các kênh trú ẩn an toàn. 

Thứ tư, tâm lý nhà đầu tư cũng phần nào bị ảnh hưởng khi Mỹ không công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.  

“Với đà bán tháo mạnh này, những phiên giao dịch tới VN-Index khả năng sẽ còn tiếp tục duy trì quán tính giảm về vùng đáy cũ ở 1.165 – 1.170. 

Nhà đầu tư cần có chiến lược xử lý kịp thời cho tài khoản. Đối với nhà đầu tư đang sử dụng tỉ lệ đòn bẩy cao cần nhanh chóng hạ tỉ lệ này về mức an toàn ở các nhịp hồi kỹ thuật. Bởi lẽ, hoạt động bán giải chấp rất dễ xảy ra trong giai đoạn hoảng loạn như hiện tại.  

Đối với những nhà đầu tư có lượng tiền mặt lớn, có thể quan sát và giải ngân từng lần đối với những cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành, có cơ bản tốt và định giá về vùng hấp dẫn”, bà Trâm chia sẻ.  

 

Vẫn còn nhiều điểm sáng  

Bên cạnh những yếu tố rủi ro, Chuyên viên của MBS cũng chỉ ra rằng thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều điểm sáng.  

Đầu tiên là về yếu tố tỉ giá. Sau giai đoạn tăng nóng đợt tháng 3, tháng 4, tháng 5, hiện tại đang có nhiều dấu hiệu cho thấy đồng USD đang duy trì ở mức giá ổn định, không gây quá nhiều sức ép đến các đồng tiền khác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó, kỳ vọng FED hạ lãi suất trong thời gian tới cũng tạo điều kiện để tỉ giá hạ nhiệt.  

Thứ hai là về yếu tố nội tại của Việt Nam. Bà Trâm cho rằng ngoại trừ những lo ngại trên thị trường quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang phục hồi tốt khi GDP của quý I và đặc biệt là quý II/2024 vừa qua đã tăng mạnh hơn so với dự kiến. Theo đó, kỳ vọng rằng GDP của Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ ở mức 6,5%.  

Về hoạt động doanh nghiệp, kỳ báo cáo kết quả kinh doanh quý II vừa qua cho thấy sự hồi phục của rất nhiều nhóm ngành như ngân hàng, chứng khoán, ngành công nghệ thông tin hay viễn thông và bán lẻ. Ngoài ra nhóm đầu tư công, xây dựng và hóa chất cũng tăng mạnh so với cùng kỳ. Những tháng cuối năm, kỳ vọng đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh, đóng góp tích cực vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế.  

Thứ 3 Chính phủ, Bộ Tài chính đang rất quyết tâm trong việc nâng hạng thị trường chứng khoán, thể hiện ở việc chỉ đạo Ủy ban chứng khoán Nhà nước nỗ lực triển khai nhiều giải pháp nhằm đáp ứng các tiêu chí về nâng hạng cũng như hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin trên thị trường.  

Việc nâng hạng thị trường chứng khoán sẽ là lực đẩy đáng kể cho thị trường vốn Việt Nam, tăng khả năng tiếp cận thị trường đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều tổ chức ước tính việc nâng hạng thị trường chứng khoán có thể mang lại tới 25 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các nhà đầu tư quốc tế vào thị trường Việt Nam cho tới năm 2030. 

“Với những điểm sáng này, những nhịp bán tháo của thị trường không hẳn là rủi ro mà còn mở ra cơ hội đầu tư lý tưởng cho nhà đầu tư”, bà Trâm nói.  

Có thể bạn quan tâm 

“Hòa mình” vào thị trường toàn cầu, chứng khoán Việt chìm trong sắc đỏ

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact