Hướng tới mục tiêu chiến lược là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, Masan Consumer quyết định đưa Omachi từ thị trường 1 tỷ USD của ngành Mì ăn liền tới thị trường thay thế bữa ăn tại nhà hàng trị giá 17 tỷ USD, thể hiện qua sản phẩm “cơm tự chín” sắp ra mắt.
“Trên tay tôi là món cơm tự chín cá hồi áp chảo teriyaki. Với chiếc hộp này, toàn bộ các món ăn ngon nhất của nhà hàng của Việt Nam và trên thế giới sẽ hội tụ về đây”, bà Nguyễn Trương Kim Phượng – Giám đốc Marketing Cấp cao Ngành hàng Thực phẩm Tiện lợi của Masan Consumer – giới thiệu tại Đại hội cổ đông thường niên 2024 của CTCP Tập đoàn Masan (MSN) diễn ra ngày 25/4.
“Các món bên trong được hút chân không gọn gàng, hoàn toàn có thể bảo quản ở điều kiện thường trong 6 tháng, không dùng chất bảo quản. Khi sử dụng, chúng ta chỉ cần một chai nước đổ vào, sản phẩm sẽ tự nóng lên và làm chín, mang đến cho người tiêu dùng bữa ăn tiêu chuẩn nhà hàng ở bất cứ đâu. Chúng tôi gọi là ngon như vừa trút ra từ chảo của đầu bếp. Toàn bộ trải nghiệm tuyệt vời này chỉ có giá từ 100.000-150.000 đồng”, bà Phượng trình bày trước các cổ đông.
Sản phẩm này là một phần trong tham vọng đưa Omachi trở thành thương hiệu tỷ đô của Masan Consumer, bằng cách cao cấp hóa thương hiệu và mở rộng sang thị trường Thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR). Như vậy, từ thị trường Mì ăn liền trị giá 1 tỷ USD, Masan Consumer sẽ đưa Omachi sang thị trường có giá trị lên tới 17 tỷ USD.
Trước đó vào năm 2023, Masan Consumer đã ra mắt thị trường sản phẩm lẩu tự sôi Omachi với giá 100.000 đồng, có thể coi là “hộp mì đắt nhất Việt Nam”.
“Chúng tôi mang đến cho người tiêu dùng giá trị trải nghiệm, sự yêu chiều bản thân. Ngay khi ra mắt, lẩu tự sôi đã viral trên mạng xã hội, tạo nên cơn sốt trong giới trẻ. Sản phẩm này đã góp phần vào mức tăng trưởng 14% của Omachi trong năm 2023”, bà Phượng chia sẻ.
Cũng tại đại hội, ông Trương Công Thắng – Tổng Giám đốc của Masan Consumer – chỉ ra rằng công ty đã gây dựng thành công 5 thương hiệu mạnh có doanh thu hàng năm từ 150 triệu đến 250 triệu USD (bao gồm Kokomi, Omachi, Chinsu, Nam Ngư và Wakeup 247) đóng góp vào 80% tổng tăng trưởng doanh thu. Masan Consumer tăng trưởng với tốc độ gấp 2,2 lần tốc độ thị trường chung giai đoạn từ năm 2017 đến 2023.
Với những thành công này, Masan Consumer đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa thị trường mục tiêu bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà (“home meal replacement” hay “HMR”) và thay thế bữa ăn tại nhà hàng (“restaurant meal replacement” hay “RMR”) cho người tiêu dùng.
Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ đô, thực hiện chiến lược “Go Global” và trở thành một trong những công ty hàng đầu Đông Nam Á về tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận nhờ mô hình FMCG mới.
Tại sự kiện, ông Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch HĐQT Masan Group – đã gọi Masan Consumer là “viên kim cương gia bảo” của Tập đoàn. Năm 2023, công ty này thiết lập mức lợi nhuận kỷ lục mới khi ghi nhận mức lãi sau thuế 7.195 tỷ đồng, tăng trưởng 30% so với năm 2022.
Doanh thu thuần của Masan Consumer dự kiến đạt từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng trong năm 2024, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng Thực phẩm tiện lợi, Đồ uống và Chăm sóc gia đình, cá nhân.
Minh Anh
Nguồn CafeBiz