Động thái này được đưa ra nhằm giúp các nhà sản xuất chip AI trong nước của Trung Quốc giành được nhiều thị phần hơn. Ảnh: Getty Images.
Bắc Kinh đang tăng cường gây sức ép, buộc các công ty Trung Quốc mua chip trí tuệ nhân tạo do địa phương sản xuất thay vì sản phẩm của Nvidia Corp., một phần trong nỗ lực của quốc gia này nhằm mở rộng ngành công nghiệp bán dẫn và chống lại lệnh trừng phạt của Mỹ.
Các cơ quan quản lý Trung Quốc đã ngăn cản các công ty mua chip H20 của Nvidia, được sử dụng để phát triển và chạy các mô hình AI. Chính sách này đã mang tính điều hướng hơn là lệnh cấm hoàn toàn, vì Bắc Kinh muốn tránh gây bất lợi cho các công ty khởi nghiệp AI của chính mình và làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, theo Bloomberg.
Động thái này được đưa ra nhằm giúp các nhà sản xuất chip AI trong nước của Trung Quốc giành được nhiều thị phần hơn trong khi chuẩn bị cho các công ty công nghệ địa phương đối phó với bất kỳ hạn chế bổ sung tiềm ẩn nào của Mỹ, những người này cho biết. Các nhà sản xuất bộ xử lý AI hàng đầu của đất nước bao gồm Cambricon Technologies Corp. và Huawei Technologies Co. Đầu năm nay, Bắc Kinh cũng đã yêu cầu các nhà sản xuất xe điện địa phương mua thêm nguồn cung từ các nhà sản xuất chip địa phương, một phần trong chiến dịch đạt được khả năng tự cung tự cấp các công nghệ quan trọng.
Cổ phiếu Nvidia đã giảm tới 3,9% xuống còn 119,26 USD vào ngày 26/9, kéo dài mức giảm trước đó, sau khi Bloomberg đưa tin. Tuy nhiên cổ phiếu công ty đã tăng hơn gấp đôi trong năm nay.
Chính phủ Mỹ đã cấm Nvidia bán bộ xử lý AI tiên tiến nhất của mình cho khách hàng Trung Quốc vào năm 2022, một phần trong nỗ lực hạn chế những tiến bộ công nghệ của Bắc Kinh. Nvidia, có trụ sở tại Santa Clara, California, đã sửa đổi các phiên bản chip tiếp theo để có thể được bán theo quy định của Bộ Thương mại Mỹ. Dòng H20 phù hợp với tiêu chí đó.
Trong những tháng gần đây, một số cơ quan quản lý của Trung Quốc, bao gồm Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin hùng mạnh, đã ban hành hướng dẫn giảm việc sử dụng Nvidia. Thông báo này nhằm mục đích khuyến khích các công ty dựa vào các nhà cung cấp trong nước như Huawei và Cambricon. Bắc Kinh cũng khuếch đại thông điệp này thông qua một nhóm thương mại địa phương, theo một nguồn tin khác.
Đồng thời, các quan chức Trung Quốc muốn các công ty trong nước xây dựng hệ thống AI tốt nhất có thể. Nếu điều đó có nghĩa là họ cần mua một số chất bán dẫn nước ngoài thay vì các lựa chọn thay thế trong nước, Bắc Kinh vẫn sẽ chấp nhận, theo những người hiểu rõ về chính sách AI của Trung Quốc.
Riêng Tổng giám đốc Điều hành Nvidia Jensen Huang cho biết hôm 26/9 rằng ông đang cố gắng hết sức để phục vụ khách hàng tại Trung Quốc và tuân thủ các yêu cầu hạn chế của chính phủ Mỹ.
Nvidia, nhà sản xuất chip có giá trị nhất thế giới, đã chứng kiến doanh số tăng vọt khi các nhà điều hành trung tâm dữ liệu trên toàn cầu tranh giành để mua thêm bộ xử lý của mình. Trung Quốc tiếp tục là một phần của sự tăng trưởng đó, mặc dù các hạn chế thương mại đã gây ra thiệt hại. Trong quý tính tới tháng 7, công ty đã nhận được 12% doanh thu, tương đương khoảng 3,7 tỉ USD, từ quốc gia này, bao gồm cả Hồng Kông. Con số này đã tăng hơn 30% so với một năm trước đó.
Trung Quốc là thị trường quan trọng của Nvidia, nhưng việc Mỹ hạn chế xuất khẩu đã ảnh hưởng đến tăng trưởng doanh số của công ty này. Ảnh: Bloomberg. |
Chip Nvidia là tiêu chuẩn vàng cho các công ty muốn phát triển dịch vụ trí tuệ nhân tạo. Những công ty như Meta Platforms Inc. , OpenAI và Alphabet Inc. đã chạy đua để mua các sản phẩm tiên tiến nhất của Nvidia để họ có thể xây dựng các mô hình AI hàng đầu. Một số công ty công nghệ Trung Quốc, bao gồm ByteDance Ltd. và Tencent Holdings Ltd., đã tích trữ chip của Nvidia trước khi lệnh kiểm soát xuất khẩu có hiệu lực.
Trong khi đó, các nhà thiết kế và sản xuất chip Trung Quốc đang nỗ lực giới thiệu các giải pháp thay thế cho Nvidia. Bắc Kinh đã cung cấp hàng tỉ USD tiền trợ cấp cho ngành bán dẫn, nhưng chip AI trong nước vẫn còn kém so với Nvidia.
Tuy nhiên, Trung Quốc có một ngành AI đang phát triển mạnh mẽ, bất chấp các hạn chế của Mỹ. ByteDance và Alibaba Group Holding Ltd. đã đầu tư mạnh mẽ, trong khi một nhóm các công ty khởi nghiệp đang cạnh tranh để giành vị trí dẫn đầu.
Một số công ty đang nhắm mắt làm ngơ trước sắc lệnh tránh xa chip H20 của Trung Quốc và vội vã mua thêm chip trước khi lệnh trừng phạt từ Mỹ ban hành, được dự đoán vào cuối năm nay, mặc dù họ cũng đang mua chip tự chế của Huawei để làm “hài lòng” Bắc Kinh.
Có thể bạn quan tâm:
Đế chế Shein lung lay vì vận chuyển miễn thuế
Nguồn Bloomberg
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>