Triển vọng hàng hóa thông qua cảng trong thời gian tới, phụ thuộc nhiều vào triển vọng tiêu dùng của người dân Mỹ. Ảnh: TL.
Việt Nam là nền kinh tế có độ mở tương đối lớn với chỉ số giá kim ngạch xuất nhập khẩu/GDP trong 2023 ước đạt 153% (chưa bao gồm kim ngạch xuất nhập khẩu dịch vụ). Do đó, hoạt động xuất nhập khẩu và hàng hóa thông qua cảng biển cũng sẽ chịu tác động bởi biến động từ các quốc gia có độ giao thương lớn với Việt Nam.
Tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam được cải thiện mạnh mẽ kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO, thông qua ký kết các hiệp định FTAs và Việt Nam trở thành đối tác chiến lược với các quốc gia lớn.
Trong báo cáo về ngành cảng biển được công bố mới đây, Công ty Chứng khoán Phú Hưng (PHS) cho biết họ kỳ vọng hoạt động xuất nhập khẩu trong trung và dài hạn tiếp tục được cải thiện nhờ hưởng lợi từ xu hướng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc và triển vọng nhu cầu tiêu thụ hồi phục tại các đối tác giao thương lớn của Việt Nam.
Về mặt thị phần, báo cáo của PHS chỉ ra rằng, hiện Việt Nam đang có 34 cảng biển trải dài từ Bắc vào Nam. Tuy nhiên thị phần cảng biển lại có mức độ tập trung tương đối cao chủ yếu tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó 2 doanh nghiệp có vốn Nhà nước Tân Cảng – Sài Gòn và VIMC chiếm hơn 60% thị phần toàn ngành và duy trì thị phần tương đối ổn định.
Các doanh nghiệp tư nhân chiếm thị phần nhỏ dưới 40%. Trong đó, doanh nghiệp GMD có thị phần thay đổi tương đối tích cực từ 2% lên 10% trong 11 năm qua, nhờ chiến lược chuyển từ tập trung logistics sang hoạt động khai thác cảng.
Đối với triển vọng năm 2025, PHS đưa ra quan điểm trung lập đối với ngành cảng biển dựa trên 3 yếu tố tác động. Đầu tiên, sản lượng thông qua cảng kỳ vọng cải thiện và có sự phân hóa chủ yếu đến từ triển vọng tiêu dùng tại Trung Quốc và Mỹ.
Với Trung Quốc, chỉ số PMI trong tháng 9/2024 có xu hướng tăng và tỉ lệ thất nghiệp lao động tại Trung Quốc trong tháng 9/2024 có suy giảm về gần mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. Tuy nhiên, các đơn hàng đặt hàng mới tại Trung Quốc dự báo xu hướng giảm trong năm 2025.
“Bên cạnh đó, chúng tôi cũng cho rằng các biện pháp kích cầu của Trung Quốc sẽ giúp cầu tiêu dùng cải thiện nhưng chậm vì độ trễ của chính sách. Vì vậy, chúng tôi cho rằng nhu cầu tiêu dùng tại Trung Quốc kỳ vọng chưa có nhiều cải thiện tích cực trong 2025”, PHS nhận định.
Với thị trường Mỹ, tổ chức này cho rằng triển vọng hàng hóa thông qua cảng trong thời gian tới, phụ thuộc nhiều vào triển vọng tiêu dùng của người dân Mỹ, nhờ tác dụng hạ lãi suất của FED hơn là phụ thuộc vào kế hoạch áp thuế của ông Trump trong nhiệm kỳ mới.
“Chúng tôi nhận thấy 2025 có những đặc điểm tương đồng với giai đoạn trong 2018 – 2019, dựa trên bối cảnh ông Trump lên kế hoạch áp thuế đối với hàng nhập khẩu trong nhiệm kỳ và tồn kho Mỹ duy trì mức cao. Do đó, chúng tôi kỳ vọng trong 2025, sản lượng tại phía Nam sẽ cải thiện trong nửa sau năm 2025 chủ yếu đến từ tác động thẩm thấu đến từ FED hạ lãi suất giúp cầu tiêu dùng cải thiện”, PHS nhận định.
Thứ hai, các nhà khai thác cảng đẩy mạnh gia tăng công suất khiến cho áp lực cạnh tranh trong ngành ngày càng cao. Theo đó, kìm hãm động lực tăng giá của các doanh nghiệp khai thác cảng nhằm thu hút nguồn hàng vào cảng.
Thứ ba, PHS kỳ vọng giá dịch vụ bốc dỡ đi ngang trong 2025. Trong năm 2024, ngành cảng nói chung được hưởng lợi nhờ thông tư 39/2023/TTBGTVT. Bước sang 2025, tổ chức này kỳ vọng giá bốc dỡ sẽ đi ngang do áp lực cạnh tranh đến từ công suất dư thừa.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>