Ngã rẽ của tín dụng bán lẻ

Khi mảng cho vay bán lẻ tiếp tục yếu, các ngân hàng chuyển dịch sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, một số tập trung phục vụ khách hàng FDI. Ảnh: T.L

 
Trong bối cảnh cột trụ bán lẻ suy yếu, nhiều ngân hàng phải chuyển hướng tập trung thúc đẩy tín dụng trong những mảng kinh doanh khác.

Hơn một thập niên qua, bán lẻ trở thành trụ cột của nhiều ngân hàng với đa dạng dịch vụ như vay tiêu dùng, vay mua nhà, vay mua ô tô và các hình thức tín dụng cá nhân khác. Mảng bán lẻ được các ngân hàng phát triển mạnh nhằm phân tán rủi ro tập trung tín dụng vào một số ít khách hàng lớn, vốn dễ bị ảnh hưởng bởi biến động kinh tế vĩ mô. 

Rủi ro từ bán lẻ 

Việt Nam được nhận định là thị trường tiềm năng cho ngân hàng bán lẻ với dân số 100 triệu người, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 102 triệu đồng, tương đương 4.280 USD. Cùng với đó, tín dụng bán lẻ đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong giai đoạn 2015-2021. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng dư nợ bán lẻ tại các ngân hàng thương mại tăng trung bình 20% mỗi năm trong giai đoạn này, đạt hơn 3 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2021. 

Tuy nhiên, từ năm 2022 đến nay, tốc độ tăng trưởng của dư nợ bán lẻ đã chậm lại đáng kể. Năm 2023 tăng trưởng tín dụng bán lẻ chỉ đạt khoảng 5%, giảm mạnh so với mức 20%/năm giai đoạn 2015-2021. Thu nhập của người lao động sụt giảm khiến sức mua yếu, tín dụng bán lẻ của các ngân hàng thương mại vì thế liên tục giảm từ cuối năm 2023 mặc dù lãi suất tín dụng tiêu dùng xuống mức thấp nhất trong 20 năm qua. Trong 6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng dư nợ bán lẻ tiếp tục chững lại, chỉ đạt khoảng 3%, tiếp tục đà giảm mạnh từ năm 2023, thấp hơn so với mức tăng trưởng tín dụng của toàn nền kinh tế (khoảng 6%). 

 

Sự chững lại này xảy ra đồng thời với những thay đổi lớn trong tăng trưởng kinh tế, trong đó liên quan tới rủi ro mà lĩnh vực bất động sản đang đối mặt. Thực tế phía sau sự sụt giảm của mảng tín dụng bán lẻ là con số khoảng 60% trong tổng số dư nợ bán lẻ là những khoản vay liên quan đến bất động sản nhà ở và các dự án bất động sản. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân giảm, thị trường bất động sản càng chậm phục hồi thì nguy cơ rủi ro của các ngân hàng càng cao. 

Chuyển hướng bán buôn

Một diễn biến đáng chú ý trong 6 tháng đầu năm, một số ngân hàng thậm chí tăng trưởng âm trong lĩnh vực cho vay nhu cầu nhà ở. Cùng với đó, theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 6/2024, có tới 24 ngân hàng ghi nhận tỉ lệ nợ xấu tăng so với năm 2023, trong đó nhiều ngân hàng có nợ xấu tuyệt đối tăng 30-50%, tập trung ở những ngân hàng có quy mô vừa và nhỏ.

Báo cáo mới phát hành của VIS Rating cũng chỉ ra, chất lượng tài sản của các ngân hàng nhỏ đã suy giảm đáng kể, khi nhiều ngân hàng trong nhóm này ghi nhận tỉ lệ nợ xấu (NPL) mới cao hơn so với những ngân hàng khác, đặc biệt trong phân khúc bán lẻ và doanh nghiệp vừa và nhỏ. Xu hướng này đang tạo áp lực lên chất lượng dư nợ bán lẻ của các ngân hàng thương mại và sự thay đổi chỉ diễn ra khi thị trường bất động sản ấm lên. 

Ngay cả những ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ như VPBank, VIB cũng ghi nhận dư nợ bán lẻ đi xuống trong cả năm 2023 và kéo dài sang quý đầu năm 2024. Chẳng hạn, sau khi đạt đỉnh 89,6% vào cuối năm 2022, tỉ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ của VIB liên tục giảm, xuống 84,4% vào cuối năm 2023 và 84% vào cuối quý I/2024. Tại VPBank, tỉ trọng dư nợ tín dụng bán lẻ từ mức 59% vào cuối năm 2022 đã giảm còn 51,7% vào cuối năm 2023 và 49,6% vào cuối quý I/2024. 

 

Khi mảng cho vay bán lẻ tiếp tục yếu, các ngân hàng chuyển dịch sang cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, một số tập trung phục vụ khách hàng FDI. Báo cáo về ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2024 của VIS rating cho thấy các ngân hàng như Techcombank, HDBank, VPBank, LPBank có tốc độ tăng trưởng cho vay cao hơn mức trung bình ngành là 7,7% trong nửa đầu năm 2024, do được dẫn dắt bởi mảng cho vay khách hàng doanh nghiệp. Trong khi đó, lợi nhuận của các ngân hàng nhỏ và vừa tập trung vào bán lẻ như VIB, OCB đang có dấu hiệu giảm do tăng trưởng vay mua nhà kém khả quan, thu nhập từ đầu tư thấp hơn và chi phí dự phòng cao hơn.

Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Vietcombank, dư nợ tín dụng bán lẻ, phần lớn là cho vay mua nhà, chiếm gần 20% tổng dư nợ của ngân hàng này. Tuy nhiên, những tháng đầu năm nay, tín dụng mua nhà liên tục sụt giảm khiến tăng trưởng tín dụng bán lẻ của Vietcombank cũng bị ảnh hưởng. Trong bối cảnh hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng mua nhà gặp khó khăn thì khai thác tín dụng bán buôn là cần thiết để đạt được mục tiêu. 

Trong khi đó, Techcombank cũng tiếp tục tập trung vào tín dụng doanh nghiệp vì dòng tiền của các tập đoàn lớn ổn định hơn. Đồng thời, khẩu vị đầu tư của những doanh nghiệp này cũng mạnh mẽ hơn và có nhiều khả năng tận dụng cơ hội tăng trưởng.

Một ngân hàng tập trung cho bán lẻ như ACB cũng đang chuyển hướng. Tại Đại hội cổ đông, ông Từ Tiến Phát, Tổng Giám đốc ACB, cho biết Ngân hàng đang có hướng phát triển mảng doanh nghiệp lớn và vừa. Nhiều năm qua, ACB cũng dựa vào tăng trưởng mảng bán lẻ với gần 94%, mảng doanh nghiệp vừa và lớn chỉ khoảng 6%. Do đó, nếu ACB khai thác tốt sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhờ còn nhiều dư địa và cao hơn bình quân các năm trước đây.

Một mục tiêu trọng tâm của kế hoạch 6 tháng cuối năm 2024 của Ngân hàng Nhà nước là yêu cầu các tổ chức tín dụng đẩy mạnh những giải pháp tăng trưởng tín dụng. Với mục tiêu này, nhiều ngân hàng vừa chuyển hướng vừa chờ đợi các tín hiệu tích cực hơn khi lạm phát được kiểm soát tốt, thu nhập người dân cải thiện sẽ là những trợ lực đáng kể cho trụ cột tín dụng bán lẻ phục hồi.

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact