Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.Ảnh: shutterstock.com
“Tìm và thống kê dữ liệu nhanh hơn Google” là lý do Ngọc Vân, chuyên viên tiếp thị một công ty internet có trụ sở ở TP.HCM, sử dụng ChatGPT trong công việc. Cô cho biết nó tiết kiệm ít nhất 50% so với cách tìm kiếm truyền thống.
Sức ép từ cơn sốt trung tâm dữ liệu
Chưa có một thống kê cụ thể về lượng người sử dụng ChatGPT ở Việt Nam, nhưng nếu số lượng này càng tăng lên, đó có thể là một vấn đề về tiêu thụ năng lượng vì thống kê cho thấy việc tư vấn ChatGPT sử dụng năng lượng gấp 10 lần so với truy vấn dữ liệu bằng Google, theo báo cáo năm 2023 của Viện Nghiên cứu Năng lượng điện Mỹ.
Chưa dừng lại ở đó, các ứng dụng A.I tạo sinh (GenAI) còn tạo ra một cuộc đua đầu tư trung tâm dữ liệu để thiết kế các ứng dụng A.I trên toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tháng 5 vừa qua VNG công bố thành lập liên doanh cùng ST Telemedia Global Data Centres xây dựng trung tâm dữ liệu thứ 2 ở TP.HCM (dự kiến đưa vào hoạt động đầu năm 2026) và vận hành những trung tâm dữ liệu này theo tiêu chuẩn toàn cầu.
Trước đó một tháng, Viettel cũng khai trương trung tâm dữ liệu thứ 14 ở Hà Nội với tổng công suất điện đạt 30 MW. VNPT (sở hữu 8 trung tâm dữ liệu), MobiFone (4 trung tâm dữ liệu) cũng công bố các kế hoạch mở rộng trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Thành Danh, Giám đốc Công ty VNG Data Center JSC, cho biết nhu cầu về A.I là rất lớn và lâu dài trên toàn thế giới trong nhiều năm tới. Việc đầu tư cho A.I là xu hướng tất yếu của mọi quốc gia, trong đó trung tâm dữ liệu là yêu cầu không thể thiếu để cung cấp chỗ đặt và cung cấp nguồn điện/lạnh cho những máy chủ A.I, thường có công suất tiêu thụ lớn hơn rất nhiều so với các máy chủ thông thường.
Báo cáo Mckinsey & Company năm 2023 cho thấy nếu các trung tâm này đầu tư đào tạo các mô hình A.I phục vụ kinh doanh sẽ cần một lượng điện năng khổng lồ từ các đơn vị xử lý đồ họa. Ước tính máy chủ A.I cần tới 2 KW điện, trong khi các máy chủ tiêu chuẩn chỉ cần từ 300-500 W.
Chỉ tính riêng Viettel hiện đang vận hành 43 trung tâm dữ liệu trên khắp cả nước và và dự kiến xây dựng các siêu trung tâm dữ liệu tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM vào năm 2030, với tổng công suất tiêu thụ điện là 450 MW, tăng gấp 4-5 lần so với hiện tại.
Đây cũng đồng thời là thách thức trong việc ưu tiên sử dụng năng lượng sạch để phát triển bền vững, khi tổng hạn mức công suất phát triển thêm cho các dạng năng lượng tái tạo là 175 MW ở Hà Nội và 173 MW tại TP.HCM, dựa trên kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được duyệt vào đầu tháng 4/2024.
Đây thực sự là thách thức khi vừa phải đảm bảo ổn định cung cấp điện cho các cơ sở dữ liệu, vừa phải thực hiện việc chuyển dịch xanh, đáp ứng hài hòa các mục tiêu trung hòa khí thải carbon mà Việt Nam đã cam kết.
Đi tìm năng lượng xanh
Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo cho các dự án năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối.
Các thiết bị và công nghệ tiết kiệm năng lượng, thiết bị sản xuất năng lượng tái tạo được miễn thuế nhập khẩu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã và đang triển khai các chương trình cho vay ưu đãi với lãi suất thấp dành cho các dự án đầu tư vào năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng.
Tuy nhiên, Việt Nam cần thúc đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư và phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời, điện gió và điện sinh khối. Điều này không chỉ giúp nhanh chóng giảm phụ thuộc vào năng lượng từ than mà còn góp phần đảm bảo tốc độ giảm phát thải CO2 theo mục tiêu cam kết tại COP26. Chính phủ cũng cần đưa ra những chính sách hỗ trợ hơn nữa cho doanh nghiệp, đặc biệt là các trung tâm dữ liệu, sử dụng năng lượng tái tạo nhằm giúp đạt được mục tiêu này.
Một số quốc gia áp dụng các chính sách khá hiệu quả để thúc đẩy năng lượng tái tạo. Mỹ, chẳng hạn, có những chính sách khuyến khích năng lượng tái tạo như tín dụng thuế đầu tư và tín dụng thuế sản xuất cho các dự án năng lượng tái tạo. Đan Mạch nổi bật với chính sách hỗ trợ phát triển điện gió, bao gồm trợ giá và hỗ trợ kỹ thuật. Iceland khuyến khích sử dụng năng lượng địa nhiệt và thủy điện thông qua những biện pháp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật. Thụy Điển áp dụng thuế carbon và các chính sách khuyến khích giảm phát thải CO2 cùng với các chương trình hỗ trợ năng lượng tái tạo. Nhật có chính sách FIT (Feed-in Tariff) để khuyến khích phát triển các dự án năng lượng tái tạo, đảm bảo giá mua điện từ các nguồn năng lượng tái tạo ổn định và hấp dẫn cho nhà đầu tư. Theo các chuyên gia, học hỏi và áp dụng những kinh nghiệm từ các quốc gia tiên tiến sẽ là bước đi quan trọng để Việt Nam phát triển các trung tâm dữ liệu bền vững và thân thiện với môi trường.
Các trung tâm dữ liệu có thể cân nhắc sử dụng hệ thống điện mặt trời mái nhà kết hợp lưu trữ nhằm đảm bảo tính ổn định của hệ thống và không phải cạnh tranh hạn mức công suất điện mặt trời mái nhà theo từng khu vực.
Một yếu tố khác cũng cần được cân nhắc trong quy mô tổng thể là xây dựng và tối ưu hệ thống lưới điện thông minh (smart grid). Hệ thống lưới điện thông minh sẽ giúp quản lý phụ tải tốt hơn, giảm tổn thất điện năng và điều hòa việc sử dụng năng lượng tái tạo. Lộ trình trong Quy hoạch điện VIII khuyến khích mạnh mẽ phát triển những dự án lưới điện thông minh để điều tiết và khai thác hiệu quả các nguồn điện tái tạo, từ đó tối ưu hóa việc sử dụng năng lượng tái tạo trong hệ thống điện quốc gia.
Các hoạt động đầu tư điện đang được đẩy mạnh như việc hoàn thiện những công trình năng lượng trọng điểm: Thủy điện Hòa Bình mở rộng, dự kiến tăng thêm công suất 480 MW vào năm 2025, song song với việc triển khai các dự án thủy điện tích năng như dự án Bác Ái với công suất lên đến 1.200 MW. Việc sớm hoàn thiện những dự án này sẽ đảm bảo cung cấp điện ổn định và giảm phụ thuộc vào nguồn điện từ nhiên liệu hóa thạch, góp phần giảm phát thải khí nhà kính.
Đồng thời, Việt Nam cần xem xét chủ động xây dựng và nhập khẩu các nguồn thủy điện, điện gió từ Lào. Hiện đã có kế hoạch tăng cường nhập khẩu điện từ Lào với dự kiến khoảng 5.000 MW và có thể lên tới 8.000 MW khi điều kiện thuận lợi, giúp giảm áp lực phát thải và đảm bảo an ninh năng lượng cho Việt Nam.
Về phía chính sách, nếu cơ chế DPPA (hợp đồng mua bán điện trực tiếp) sớm được thông qua thì sẽ là một bước tiến lớn để các khách hàng sử dụng điện lớn như trung tâm dữ liệu có thể chủ động sử dụng những nguồn năng lượng sạch và bền vững.
Trao đổi với NCĐT, đại diện của VNG Data Center JSC cho biết đang nghiên cứu một số dự án tiền khả thi về việc sử dụng năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió qua hình thức DPPA (với các công ty có nguồn điện tái tạo tại Việt Nam). Thời gian thực hiện tùy thuộc vào quy định pháp luật liên quan và giá điện, có thể trong 1, 2 năm tới.
Ngoài ra, VNG đang nghiên cứu sử dụng nhiên liệu HVO (hydrogenated vegetable oil) cho máy phát điện dự phòng của trung tâm dữ liệu, dự kiến sẽ được áp dụng trong 2 năm tới. “Việc tối ưu vận hành hệ thống lạnh của trung tâm dữ liệu bằng A.I để tiết kiệm điện cũng đang được nghiên cứu và có thể đưa vào thử nghiệm trong năm nay”, đại diện VNG nói.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>