Mỏ vàng dữ liệu ai bán, ai mua?

Riêng tại Việt Nam, theo Vietnam Briefing, thị trường dữ liệu ước đạt 1,82 tỉ USD vào cuối năm 2023. Ảnh: stock.adobe.com.

 
Giải pháp quan trọng để kết nối các “ốc đảo” nhằm tạo ra mỏ vàng dữ liệu trong nền kinh tế số của tương lai.

Một thông tin đáng chú ý là Việt Nam đang đề xuất xây dựng các sàn giao dịch dữ liệu. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh Luật Phát triển công nghiệp công nghệ số dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2025 nhằm thúc đẩy chiến lược phát triển nền kinh tế số.

Với Việt Nam, chuyển đổi số đang bước vào giai đoạn tạo ra những kết quả thực cho nền kinh tế – xã hội và cần nền tảng pháp lý để đảm bảo không gian phát triển mạnh mẽ. Báo cáo về kinh tế số Đông Nam Á dự báo quy mô giá trị tăng thêm của kinh tế số Việt Nam năm 2024 đạt 52 tỉ USD so với năm 2020 là 14 tỉ USD, tức gấp 3,71 lần, bình quân 1 năm tăng 30% (tính theo USD), cao hơn nhiều tốc độ tăng GDP theo giá so sánh theo mục tiêu (6,5-7%/năm). 6 tháng đầu năm 2024, tỉ trọng kinh tế số Việt Nam ước đạt 18,3% GDP, tăng 22,4%. 

 

Phát triển kinh tế số là sự hội tụ của công nghệ số vào các ngành khác như y tế, giáo dục, nông nghiệp, thương mại, ngân hàng… Quá trình này còn tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mới, mô hình kinh doanh mới, tạo thành động lực chính cho tăng trưởng của các ngành. 

“Đây là cơ hội để Việt Nam sử dụng chuyển đổi số nhằm thúc đẩy năng suất sản xuất, từ đó nâng cao lợi thế cạnh tranh quốc gia, thúc đẩy kỹ năng số làm tăng năng suất lao động, tạo ra không gian tăng trưởng mới cho doanh nghiệp”, ông Matthew Francois, chuyên gia cao cấp về kỹ thuật số của McKinsey & Company, nhận định. 

Sự chuyển đổi này dựa trên nguồn tài nguyên mới là dữ liệu để tạo ra giá trị mới tăng trưởng trong kỷ nguyên Big Data, trí tuệ nhân tạo (A.I)… Statista dự báo quy mô doanh thu của thị trường dữ liệu lớn toàn cầu đã vượt mức 271 tỉ USD vào cuối năm 2022 và ước đạt 308 tỉ USD trong năm 2023. Con số này sẽ tăng mạnh, đạt hơn 655 tỉ USD vào năm 2029. 

Riêng tại Việt Nam, theo Vietnam Briefing, thị trường dữ liệu ước đạt 1,82 tỉ USD vào cuối năm 2023, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) 5,32% trong giai đoạn 2023-2027. Tuy nhiên, nguồn dữ liệu phân mảnh đã gây nên sự thiếu đồng bộ trong chuyển đổi số, tạo ra tình trạng ốc đảo dữ liệu giữa các bộ ngành, giữa các địa phương. Hiện vẫn còn 15 bộ, ngành, địa phương chưa ban hành danh mục cơ sở dữ liệu và 30 bộ, ngành, địa phương chưa có kế hoạch cung cấp dữ liệu mở. Đây là một nguyên nhân làm chậm tiến trình xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

 

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng gần đây cho biết năm nay Bộ sẽ thí điểm sàn giao dịch dữ liệu, nhất là các dữ liệu của doanh nghiệp thông tin như một giải pháp quan trọng trong việc phát triển dữ liệu dùng chung. Theo Chiến lược dữ liệu quốc gia đến năm 2030 sẽ hoàn thành thí điểm, thử nghiệm 5 sàn giao dịch dữ liệu. 

Ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông, cho rằng để có kho dữ liệu tập trung, về mặt chính sách, điểm mấu chốt là làm thế nào tập trung được dữ liệu, khắc phục tình trạng phân mảnh, không tạo độ lớn về dữ liệu. Nhằm khai mở tiềm năng, nâng cao chuỗi giá trị dữ liệu, cần có chiến lược quốc gia thống kê về dữ liệu với trọng tâm là kết nối và tạo ra các bộ dữ liệu dùng chung. Muốn phát triển kinh tế số nhanh thì phải nhanh chóng xây dựng các cơ sở dữ liệu này, trong đó, dữ liệu phải được mua bán như hàng hóa. 

Có thể học hỏi cách Trung Quốc phát triển các sàn giao dịch dữ liệu. Kể từ động thái vào năm 2020 nhằm biến dữ liệu thành một yếu tố sản xuất quan trọng, Chính phủ Trung Quốc đã xem dữ liệu là loại hàng hóa có thể giao dịch và thử nghiệm mô hình Sàn giao dịch dữ liệu Thượng Hải (SDE). Mục đích của các mô hình này là cung cấp cho nhiều công ty hơn quyền truy cập vào các nguồn dữ liệu, cho phép họ triển khai A.I trong mọi thứ, từ sản xuất thông minh đến công nghệ tự lái. Điểm quan trọng của dự án này là xác định cách định giá trị của dữ liệu. Đây sẽ là điểm khởi đầu của việc đảm bảo quyền lợi kinh tế của các bên tham gia mua bán, trao đổi dữ liệu.

Cũng như vậy, đây là lúc cơ sở dữ liệu phát huy vai trò và sức mạnh trong chiến lược chuyển đổi số tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hùng Sơn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty FSI Vietnam, việc tạo ra và khai thác dữ liệu số được xác định là yếu tố cốt lõi cũng như tạo ra sự khác biệt chính cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Để khai thác dữ liệu hiệu quả, cần đồng bộ dữ liệu từ tất cả các cấp, đảm bảo dữ liệu ở mọi định dạng có thể liên kết được với nhau, bổ sung cho nhau, làm giàu cho nhau để tạo nên một cơ sở dữ liệu lớn tập trung và đầy đủ thông tin. Bên cạnh đó, nền kinh tế dữ liệu nhìn ở góc độ pháp lý là quản trị dữ liệu quốc gia (data governance) cần giải quyết bài toán lớn: khai thác dữ liệu đúng mục đích, đảm bảo tính riêng tư, bảo mật của dữ liệu. 

Có thể bạn quan tâm 

Công nghiệp vi mạch Trung Quốc dẫn đầu về số lượng kỳ lân

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact