“Manh nha” cuộc đua mới trên thị trường chứng khoán

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.

 
Kể từ ngày 2/11 tới, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không cần có đủ tiền.

Trước đây, nhà đầu tư tổ chức nước ngoài không được mua chứng khoán trừ khi có đủ tiền trong tài khoản trước khi lệnh mua được gửi đi. Việc này dẫn đến hạn chế trong việc cơ cấu danh mục do khách hàng tổ chức nước ngoài phải đợi tiền từ việc bán chứng khoán được thanh toán trước khi thực hiện các giao dịch mua tiếp theo. 

Để đánh giá sâu hơn về tác động của cơ chế mới đối với các công ty chứng khoán, NCĐT đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam.

Theo đó, ông Minh cho rằng cơ chế giao dịch mới tạo điều kiện cho nhà đầu tư tổ chức nước ngoài dễ dàng trong việc giao dịch, từ đó thúc đẩy nhu cầu giao dịch của họ. Tuy nhiên, nếu đánh giá sự tác động đối với các công ty chứng khoán thì cần xem xét ở hai góc độ.

Về ngắn hạn, chuyên gia của Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng với những công ty chứng khoán đã có sẵn tệp khách hàng tổ chức nước ngoài lớn như VietCap, HSC hay SSI có thể hưởng lợi từ cơ chế giao dịch mới. Bởi khi Thông tư ban hành, sẽ kích thích sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài khi có nhiều thuận lợi hơn trong giao dịch của họ. Thêm vào đó, các công ty chứng khoán này cũng có thời gian chuẩn bị cho việc vận hành sắp tới, vì cơ chế mới được áp dụng theo chuẩn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.

 

“Các công ty chứng khoán sẽ tự đánh giá rủi ro về khách hàng của mình, để đưa ra tỉ lệ cho vay, hoặc danh sách những cổ phiếu cho vay phù hợp. Bản thân những công ty chứng khoán có thị phần môi giới khách hàng nước ngoài top đầu họ cũng đã biết khẩu vị, cũng như mức độ rủi ro của từng khách hàng, từ đó đưa ra tỉ lệ ký quỹ phù hợp”, ông Minh chia sẻ.

Tuy nhiên, về dài hạn, ông Minh cho rằng Thông tư này cũng “châm ngòi” cho một cuộc chiến mới có thể khốc liệt hơn ở nhóm khách hàng tổ chức trên thị trường chứng khoán. Bởi vì cơ chế mới nhất sẽ có hiệu lực vào tháng 11 là một cơ chế mở, chưa khoanh vùng tỉ lệ ký quỹ, cổ phiếu được phép thực hiện cho vay, (dĩ nhiên phải là những cổ phiếu đạt yêu cầu cho vay ký quỹ của Ủy ban Chứng khoán nhưng danh sách cho vay này rất rộng), và chưa có những quy định về giới hạn số ngày cho vay.

Vì lẽ đó, nếu những công ty chứng khoán chưa có nhiều thị phần trong khối khách hàng tổ chức nước ngoài chấp nhận rủi ro cao hơn như cho vay thời gian dài hơn, hoặc cung cấp tỉ lệ vay cao hơn thì rõ ràng là một sự cạnh tranh rất nóng đối với các công ty chứng khoán, tùy thuộc vào khẩu vị rủi ro của mỗi công ty.  

Nhu cầu mở rộng thị phần đối với khách hàng tổ chức nước ngoài tại các công ty chứng khoán hiện nay ngày càng tăng. Về mặt dài hạn, lợi thế có thể thuộc về các công ty chứng khoán có thị phần nhỏ, nguồn vốn lớn và đang có nhu cầu mở rộng thị phần ở tệp khách hàng này.

 

Dĩ nhiên về phía khách hàng nước ngoài, họ cũng lựa chọn những công ty chứng khoán có xếp hạng tín nhiệm tốt và cơ hội sẽ không dàn đều với tất cả các công ty chứng khoán. Cho nên, về phần mình, các công ty chứng khoán cũng cần phải tăng cường về chất lượng hệ thống giao dịch, mức độ an toàn để đảm bảo giao dịch của các nhà đầu tư tổ chức.

Ở góc nhìn thận trọng, các chuyên gia của VNDirect cho rằng các công ty chứng khoán có khả năng chịu rủi ro thanh toán. Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài không thanh toán đúng hạn có thể buộc các công ty chứng khoán bán tháo cổ phiếu thế chấp, tạo ra áp lực bán đáng kể làm tăng biến động giá cổ phiếu và tác động tiêu cực đến sự ổn định của thị trường.

Trên thực tế, nhà đầu tư nước ngoài vẫn luôn tham gia tích cực ở thị trường chứng khoán Việt Nam, điều này một phần thể hiện ở số lượng tài khoản chứng khoán của nhóm nhà đầu tư này liên tục tăng trong những năm qua. Dữ liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho thấy, năm 2015 thị trường Việt Nam chỉ có khoảng 17.800 tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài, đến tháng 8/2024, số lượng tài khoản của nhà đầu tư nước ngoài đã vượt 47.000 với sự tăng trưởng cả của nhà đầu tư cá nhân nước ngoài và tổ chức nước ngoài.

Dù gia nhập “cuộc chơi mới” với những chiến lược riêng thì các công ty chứng khoán cũng cần tăng cường quản lý rủi ro liên quan đến khách hàng, tỉ lệ ký quỹ, điều kiện thị trường và tỉ lệ cho vay phù hợp.

Có thể bạn quan tâm 

Dư nợ margin tăng cao kỷ lục nhưng vẫn lành mạnh

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact