“Hòa mình” vào thị trường toàn cầu, chứng khoán Việt chìm trong sắc đỏ

Thị trường chứng khoán “ngập” trong sắc đỏ. Ảnh: Fiintrade.

 
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giảm mạnh ngay từ đầu phiên sáng khi áp lực bán liên tục tăng cao.

Phiên giao dịch 5/8, VN-Index đánh mất mốc 1.200 điểm khi đóng cửa giảm hơn 48,5 điểm, lùi về mốc 1.188 điểm với hơn 448 mã giảm và 24 mã tăng. Thị trường ngay từ đầu phiên sáng đã chịu áp lực bán và giảm hơn 20 điểm trong phiên sáng, đến phiên chiều, áp lực bán tiếp tục dâng cao. Có thời điểm, VN-Index giảm hơn 50 điểm với hàng loạt mã giảm sàn.  

Thanh khoản ở sàn HOSE cũng tăng trở lại ở mức 23.700 tỉ đồng, cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất. Nhóm cổ phiếu VN30 cũng ngập trong sắc đỏ khi có 30 mã giảm với hơn 12.800 tỉ đồng được giao dịch.  

18/18 nhóm ngành giảm điểm. Ảnh: VDSC.
18/18 nhóm ngành giảm điểm. Ảnh: VDSC.

Xét về nhóm ngành, dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho thấy, 18/18 nhóm ngành đều giảm điểm, trong đó, ngân hàng, bất động sản là 2 nhóm giảm mạnh nhất. Toàn sàn HOSE có tới 96 mã giảm sàn, trong đó có nhiều mã quen thuộc như REE, GVR, TCM, BFC, ANV, SZC,… 

Thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong bối cảnh thị trường chứng khoán thế giới cũng chịu áp lực bán mạnh, đặc biệt là thị trường Nhật Bản.  

Với mức giảm 12,4% của Nikkei (Nhật Bản), đóng cửa ở mức 31.458,42 điểm là ngày tồi tệ nhất của chỉ số này kể từ “Thứ Hai đen tối” năm 1987. Mức giảm 4.451,28 điểm của chỉ số này cũng là mức giảm lớn nhất tính theo điểm trong toàn bộ lịch sử của chỉ số. Chỉ số Nikkei cũng đã xóa sạch mọi mức tăng trong năm nay và chuyển sang trạng thái lỗ tính đến thời điểm hiện tại. 

 

Ông Kelvin Tay, Giám đốc đầu tư khu vực tại UBS Global Wealth Management cho rằng việc tham gia thị trường Nhật Bản vào thời điểm này cũng giống như bắt “một con dao đang rơi” .  

Đồng Yên, vốn đã giảm xuống mức thấp nhất trong 38 năm là 161,99 Yên so với USD vào tháng 6, đã đảo ngược xu hướng trong thời gian trước cuộc họp chính sách của Ngân hàng Nhật Bản. Đồng Yên mạnh hơn gây áp lực lên thị trường chứng khoán Nhật Bản, vốn bị chi phối nặng nề bởi các công ty thương mại và các công ty hướng đến xuất khẩu bằng cách làm xói mòn khả năng cạnh tranh của họ. 

Không chỉ Nhật Bản, chỉ số Kospi của Hàn Quốc cũng giảm 8,77%, đóng cửa ở mức 2.441,55 và cổ phiếu vốn hóa nhỏ Kodaq giảm 11,3%, đóng cửa ở mức 691,28. 

Do quy mô bán tháo, các sàn giao dịch đã áp dụng công tắc ngắt mạch, dừng giao dịch đối với chỉ số Kospi lúc 2:14 chiều Seoul và lúc 1:56 chiều đối với Kosdaq. Việc dừng giao dịch kéo dài trong 20 phút. Công tắc ngắt mạch được kích hoạt nếu cổ phiếu tăng hoặc giảm 8%. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư đang chờ đợi dữ liệu thương mại quan trọng từ Trung Quốc và Đài Loan trong tuần này, cũng như quyết định của các Ngân hàng Trung ương từ Úc và Ấn Độ. 

Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Ảnh: Investing.com
Chứng khoán toàn cầu chìm trong sắc đỏ. Ảnh: Investing.com

Ông Bruce Kirk, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Nhật Bản tại Goldman Sachs cho biết đợt tăng giá của thị trường Nhật Bản đã đạt đến “giai đoạn chuyển tiếp”. 

“Chúng tôi không nghĩ rằng câu chuyện tăng giá đã bị phá vỡ, nhưng câu chuyện chắc chắn đang thay đổi, và điều đó có thể đi kèm với sự biến động liên tục và sự luân chuyển ngành khá tích cực mà chúng ta đang thấy”. 

Ông Kirk giải thích rằng đợt tăng giá trong hai năm qua là nhờ vào ba yếu tố, cụ thể là đồng Yên yếu có lợi cho các nhà xuất khẩu và ngân hàng lớn, kỳ vọng về sự bình thường hóa chính sách tiền tệ và cải cách quản trị doanh nghiệp. 

Thị trường Nhật Bản là thị trường hoạt động hiệu quả nhất châu Á vào năm ngoái và cho đến tháng 6 năm nay. Ông Kirk cho biết “Luật chơi hiện nay chắc chắn đã thay đổi, đặc biệt là về tỉ giá và ngoại hối”, đồng thời nói thêm rằng các nhà đầu tư hiện đang đánh giá lại vị thế của các ngành trên thị trường. 

Có thể bạn quan tâm 

Giải bài toán đầu tư của người trẻ

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact