Trong kỷ nguyên dữ liệu, thương hiệu không chỉ cần sản phẩm chất lượng hay nội dung thu hút mà còn cần chạm đến khách hàng vào đúng thời điểm, với thông điệp phù hợp nhu cầu. Nhằm hỗ trợ thương hiệu hiểu rõ khách hàng để tối ưu hoạt động marketing, Grab – với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng – đã giới thiệu 4 nhóm chân dung người dùng được phân tích từ hàng triệu dữ liệu giao dịch thực tế trên ứng dụng.
Marketing dựa trên dữ liệu: Cần thiết nhưng còn thử thách
Hiện nay, các thương hiệu ngày càng tập trung nhiều hơn vào việc tận dụng dữ liệu để tạo ra các chiến dịch được cá nhân hóa và nhắm mục tiêu phù hợp với các phân khúc đối tượng cụ thể. Trong bối cảnh đó, sản phẩm chất lượng hay nội dung viral là điều kiện cần, nhưng việc đưa sản phẩm tiếp cận người dùng bằng những hoạt động, nội dung đúng nơi, đúng lúc, đúng nhu cầu là điều kiện đủ để thúc đẩy một chiến dịch marketing thành công.
Tuy nhiên, yếu tố then chốt là các thương hiệu hiện nay đang phải đối mặt với các thách thức trong việc triển khai các chiến dịch marketing dựa trên dữ liệu. Theo báo cáo Ascend2 về Xu hướng Data-driven Marketing 2024, 45% nhà tiếp thị cho rằng khó khăn lớn nhất khi thực thi chiến lược tiếp thị dựa trên dữ liệu chính là khả năng nhắm mục tiêu vào các phân khúc người dùng cụ thể. Thêm vào đó, việc ra quyết định thời gian thực cũng là một thử thách không nhỏ.
Là một trong những siêu ứng dụng hàng đầu Đông Nam Á, Grab sở hữu nguồn dữ liệu giao dịch phong phú từ người dùng để gợi mở cho thương hiệu nhiều thông tin hữu ích nhằm tối ưu hoạt động marketing. Khác với các nền tảng mạng xã hội, vốn thường phân nhóm người dùng dựa trên nội dung họ quan tâm và xem nhiều, 4 nhóm chân dung người dùng trên ứng dụng Grab được hình thành thông qua những thấu hiểu từ đa dạng hành vi giao dịch thực tế mỗi ngày.
Với hàng triệu dữ liệu giao dịch, Grab đã kết hợp thông tin về địa điểm di chuyển, thời gian và giá trị các giao dịch đa dịch vụ, để xây dựng nên 4 chân dung người dùng. Dựa vào các đặc điểm này, thương hiệu có thể thiết kế các hoạt động marketing cá nhân hóa theo thời gian thực hiệu quả hơn, tiếp cận người dùng ngay thời điểm nhu cầu phát sinh mà và dần xây dựng thói quen và hành vi tiêu dùng của khách hàng.
Những insight đáng chú ý từ 4 nhóm chân dung người dùng của Grab
1. Nhóm sinh viên – Lựa chọn vừa túi tiền
Nhóm sinh viên (18-24 tuổi) là nhóm có số chuyến xe đến trường nhiều nhất và đứng thứ 3 về mức chi tiêu trung bình hàng tháng trên Grab. Với tính cách năng động, họ thường sử dụng GrabBike Tiết Kiệm để di chuyển sáng sớm hoặc vào giờ trưa để được mức giá phải chăng.
Về ăn vặt, trà sữa là ưu tiên hàng đầu của nhóm này, với lượng tìm kiếm và chi tiêu vượt trội, thậm chí nhiều hơn cả mức chi cho bữa trưa. Vào buổi tối, nhóm sinh viên thường đặt GrabFood để thay thế bữa ăn tự nấu hoặc phục vụ những buổi “cày đêm”, và thường mua thức uống cho các buổi tiệc tại gia bằng GrabMart.
2. Nhóm người đi làm “cuồng việc” – Chăm chỉ đúng lúc, tự thưởng lúc cần
Đây là nhóm khách hàng dẫn đầu về thói quen mua hàng dự trữ, với giá trị đơn hàng trung bình (AOV) cao nhất, đặc biệt ở các chuỗi siêu thị lớn và Minimart. Đồng thời, tệp người đi làm này cũng là nhóm giá trị nhất trên Grab, với mức chi tiêu trung bình hàng tháng cao nhất.
Dù có thói quen mua sắm chọn lọc nhưng họ vẫn sẵn sàng chi tiêu mạnh tay. Với lịch trình bận rộn từ sáng sớm đến tối muộn, họ ưu tiên GrabCar để đảm bảo sự thoải mái trong các chuyến đi dài nhưng vẫn chọn GrabBike vào giờ cao điểm để tránh kẹt xe.
Về ăn uống, họ chuộng các lựa chọn tiện lợi như thức ăn nhanh vào buổi trưa, trong khi buổi tối lại dành thời gian cho những bữa ăn phong phú hoặc tự nấu sau khi mua sắm trên GrabMart.
3. Nhóm người đi thăm khám – Ưu tiên trải nghiệm nhanh gọn
Nhóm người đi thăm khám (25-44 tuổi) là nhóm có tần suất sử dụng GrabFood cho bữa trưa cao nhất trong các nhóm. Tuy có mức chi tiêu trung bình hàng tháng thấp nhất trên Grab nhưng họ thường xuyên sử dụng dịch vụ để đến các cơ sở y tế. Họ di chuyển chủ yếu vào buổi sáng sớm hoặc sau giờ nghỉ trưa, ưu tiên GrabBike vào buổi sáng và GrabCar vào buổi trưa để tránh thời tiết nóng.
Vì các cơ sở y tế luôn có lịch khám dày đặc nên họ thường tranh thủ xuất phát từ rất sớm, không đủ thời gian tự chuẩn bị bữa sáng/ bữa trưa nên họ ưu tiên sử dụng GrabFood. Bên cạnh đó việc phải thường xuyên di chuyển khiến họ không quá nghiêm ngặt về chế độ ăn uống và thường đặt trà sữa, cà phê, hoặc thức ăn nhanh. Buổi tối, họ ưu tiên tự nấu ăn và có tần suất đi chợ trên GrabMart đứng thứ hai, chỉ sau nhóm người đi làm “cuồng việc”.
4. Nhóm tận hưởng cuộc sống – Làm nhiều, chơi hăng
Nhóm người tận hưởng cuộc sống (25-44 tuổi) dẫn đầu về số chuyến đi đến nhà hàng, quán ăn và trung tâm mua sắm, với khả năng chi tiêu xếp thứ hai trên Grab. Họ yêu thích các trải nghiệm trực tiếp như ăn uống tại nhà hàng và mua sắm tại trung tâm thương mại, đặc biệt vào cuối tuần. GrabBike là lựa chọn nhanh gọn cho sáng và chiều, trong khi GrabCar được ưu tiên vào buổi trưa để tránh nắng và buổi tối để đảm bảo an toàn, tiện lợi hơn khi đi chơi theo nhóm.
Dù ăn ngoài thường xuyên, họ vẫn đặt GrabFood với tần suất cao nhất và giá trị đơn hàng đứng thứ hai, thường chọn thức ăn nhanh cho bữa trưa và các món ăn chất lượng cao vào buổi tối. Nhóm này ít khi tự nấu ăn hay đi chợ trên GrabMart, chủ yếu dùng GrabMart để mua bia cho những buổi tiệc cuối tuần.
Grab giúp thương hiệu marketing đúng lúc, đúng nhu cầu
Những thông tin đáng chú ý về 4 nhóm chân dung người dùng chính của Grab mở ra cơ hội cho hoạt động marketing hiệu quả dựa trên nhu cầu thực tế của khách hàng, để thương hiệu có thể kết nối với họ “đúng nơi, đúng lúc, đúng thông điệp, đúng nhu cầu.”
Đây là bước tiến quan trọng trong việc tận dụng sức mạnh của dữ liệu để mang lại giá trị thực tiễn cho các chiến dịch marketing, thể hiện qua những “con số biết nói” của Grab trong năm nay. Tại MMA Smarties 2024, Grab tiếp tục là một trong những cái tên được vinh danh nhiều nhất với 17 giải thưởng MMA Smarties tại Việt Nam, APAC và Global ở các Hạng mục như “Trải nghiệm với thương hiệu”, “Truyền thông hiệu quả từ dữ liệu” và Hạng mục “Phương thức tiếp thị sáng tạo”, “Hiệu quả truyền thông”, “Sáng tạo đột phá” và “Truyền thông nền tảng số”.
Song song đó, với những chiến dịch hiệu quả mà Grab đã đồng hành cùng các thương hiệu (BOSS Cà Phê, Rockstar, Coca-Cola, Heineken, Comfort) mang về tổng cộng trên 15 giải thưởng, đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Grab nhận giải “Publisher of the Year”.
Phương Quyên / Brands Vietnam
Nguồn Grab Việt Nam