Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Ảnh: TL
Tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đến tháng 8/2024 đạt 6,92 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước. So với cuối tháng 7, con số tăng thêm là 86.475 tỉ đồng, tiếp tục đạt kỷ lục mới.
Tiền gửi của người dân vào hệ thống các tổ chức tín dụng liên tục tăng cao trong khi lãi suất huy động chưa thể hồi phục. Tuy nhiên, vào thời điểm tháng 8, các ngân hàng cũng đã bắt đầu rục rịch tăng lãi suất. Thậm chí, đến cuối tháng 8, số ngân hàng tăng lãi suất huy động đã nhiều hơn số ngân hàng điều chỉnh giảm. Trong bối cảnh nhu cầu vốn tăng mạnh dịp cuối năm, nhất là vốn trung và dài hạn, nhiều ngân hàng đã chạy đua tăng lãi suất huy động. Tính từ đầu tháng 11 tới nay, có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi, trong đó có GPBank, LPBank, Nam A Bank, IVB, Viet A Bank, VIB, MB, Agribank, Techcombank, ABBank, VietBank… Mức lãi suất tiền gửi cao nhất lên tới 6,4%/năm kỳ hạn 18 tháng trở lên.
Ngược lại, lượng tiền gửi của tổ chức vào hệ thống tín dụng đang giảm. Đến hết tháng 8, số tiền đạt 6,838 triệu tỉ đồng, giảm 0,05% so với cuối năm ngoái và giảm khoảng 70.000 tỉ đồng so với tháng trước đó.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cho rằng từ nay đến cuối năm nền kinh tế sẽ phát triển tích cực hơn với nhiều điểm sáng trong sản xuất, kinh doanh nên các ngân hàng cũng cần chuẩn bị nguồn vốn cho thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vào thời điểm cuối năm.
Trong những tháng cuối năm, các doanh nghiệp cần rất nhiều tiền để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phục vụ nhu cầu hàng hóa trong nước và nước ngoài. Ông Hiếu cho rằng, việc tăng lãi suất huy động sẽ giúp các ngân hàng giảm rủi ro thanh khoản, đảm bảo dòng vốn cho hoạt động cho vay và duy trì tính ổn định cho hệ thống tài chính.
MBS Research dự báo lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng lớn sẽ tăng thêm khoảng 20 điểm cơ bản, dao động từ 5,1-5,2% vào cuối năm nay. Do đó, lãi suất tiết kiệm đang hấp dẫn hơn trong nhiều tháng gần đây. Điều này phản ánh xu hướng người dân đang ưu tiên tìm kiếm sự an toàn cho dòng tiền, khi nhiều kênh đầu tư khác vẫn còn nhiều rủi ro như vàng, chứng khoán hay cả bất động sản. Đặc biệt, giá vàng biến động mạnh đã làm gia tăng rủi ro khi đầu tư vào vàng, một dạng tích sản truyền thống của người dân trong nhiều năm qua.
Xu hướng này diễn ra ngay cả khi lãi suất tiết kiệm có thể không theo kịp lạm phát và không có khả năng sinh lời cao như các kênh đầu tư khác. “Người dân vẫn chọn kênh tiết kiệm để đảm bảo an toàn vốn, chờ đợi cơ hội kinh doanh rõ ràng hơn”, ông Hiếu nhận định.
Về lựa chọn này, Tiến sĩ Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, nhận định, muốn lựa chọn đầu tư kênh như vàng, chứng khoán, bất động sản thì phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có nguồn vốn lớn, đầu tư lâu dài và tầm nhìn dài hạn, trung hạn chứ không phải là ngắn hạn. Do vậy, gửi tiết kiệm là kênh phù hợp với tất cả người dân giữa lúc lãi suất đang tăng trở lại, nhất là người có khẩu vị rủi ro thấp, mong muốn sự ổn định. Theo quan điểm cá nhân, ông Bình lựa chọn gửi ngân hàng 50-60%, còn lại sẽ lựa chọn những kênh đầu tư khác là chứng khoán, bất động sản.
Mặt khác, những con số kỷ lục về tiền gửi cho thấy, mặc dù lạc quan hơn về tình hình kinh tế và tài chính cá nhân nhưng người Việt đang có xu hướng tiết kiệm chi tiêu hơn. Lượng tiền tiết kiệm được người dân gửi vào ngân hàng đã tăng liên tiếp trong suốt 2 năm nay.
Theo khảo sát quý III của NielsenIQ (NIQ), có đến 45% người được hỏi nghĩ kinh tế đất nước không suy thoái, tăng 3 điểm phần trăm so với quý I. Đồng thời, 67% cho biết tình hình tài chính cá nhân tốt hơn, đi lên đều đặn trong 4 quý liên tiếp gần đây. Dù vậy, người Việt chủ động kiểm soát chi tiêu và ưu tiên tiết kiệm hơn. Có 83% được hỏi nói tiết kiệm là thói quen và 75% nói không bao giờ để hết tiền trong túi.
Bà Linh Dương, Quản lý Cấp cao Bộ phận Nghiên cứu người tiêu dùng và thông tin thị trường NIQ, cho rằng nhiều khách hàng cảm thấy giá hàng hóa, nhu yếu phẩm tăng 6 tháng qua. Vì vậy, họ có xu hướng tiết kiệm hơn để tạo an tâm cho tài chính gia đình. Ngoài ra, nhiều người còn tranh thủ tiết kiệm để phòng thân khi ốm đau vì lo chi phí cho y tế tăng. Theo khảo sát, 50% cho biết chi phí y tế và sức khỏe gia tăng là mối quan tâm hàng đầu. Trong khảo sát quý III/2024 của NIQ, 61% người tiêu dùng nói thích tiết kiệm hơn đầu tư. Vào cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ này là 54%.
Làn sóng tăng lãi suất tiết kiệm bắt đầu mạnh lên từ đầu tháng 4 năm nay. Trong bối cảnh lãi suất huy động vốn tại các ngân hàng có thể tăng nhẹ, khẩu vị đầu tư của người dân những tháng cuối năm được phần lớn chuyên gia đánh giá cũng sẽ ít nhiều thay đổi dẫn đến biến động tiền gửi trong bối cảnh thị trường tài chính có nhiều lựa chọn.
Có thể bạn quan tâm
15 năm 3,37 triệu tỉ đồng được huy động qua trái phiếu chính phủ
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>