ESG và lợi nhuận tài chính trên bàn cân của quỹ đầu tư

Hình ảnh minh họa: PV/ Copilot.

 
Số liệu từ Morgan Stanley, đến năm 2018, số lượng quỹ tập trung ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị ) đã tăng 144% kể từ năm 2004.

Năm 2018, Diễn đàn Đầu tư Bền vững và Có trách nhiệm (US SIF) đã chỉ ra rằng cứ 4 USD đầu tư vào thị trường vốn của Mỹ thì có hơn 1 USD bao gồm tính bền vững trong phương pháp đầu tư của họ.  

Theo một nghiên cứu được PWC công bố năm 2022, các nhà quản lý tài sản trên toàn cầu dự kiến sẽ tăng lượng tài sản liên quan đến ESG  lên đến 33.900 tỉ USD vào năm 2026, từ mức 18.400 tỉ USD vào năm 2021. Với tỉ lệ tăng trưởng hàng kép hàng năm (CAGR) dự kiến là 12,9%, tài sản ESG đang trên đà chiếm 21,5% tổng tài sản được quản lý toàn cầu trong chưa đầy 5 năm. Điều này đại diện cho một sự thay đổi đáng kể và tiếp tục trong ngành quản lý tài sản và của cải theo báo cáo “Asset and Wealth Management Revolution 2022” của PwC.  

Tại Việt Nam, các quỹ đầu tư cũng ngày càng quan tâm đến các doanh nghiệp thỏa tiêu chí ESG, tuy nhiên có sự phân hóa giữa các quỹ đầu tư. Khi được hỏi về các tiêu chuẩn bền vững trong quá trình chọn doanh nghiệp để đầu tư, một số quỹ đầu tư tại Việt Nam cho biết với quy mô hiện tại, họ chưa quá quan tâm đến vấn đề này, và vẫn đặt hiệu quả làm tiêu chí ưu tiên. Trong khi đó, các quỹ đầu tư lớn lại ngày một chú trọng hơn đến những tiêu chuẩn ESG trong quá trình lựa chọn doanh nghiệp để đầu tư.  

 

Chia sẻ với NCĐT, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cho hay ESG là một chiến lược phát triển bền vững thể hiện qua cách thức quản trị doanh nghiệp, trách nhiệm đối với cổ đông, đồng thời kiểm soát các ảnh hưởng của hoạt động sản xuất, kinh doanh tới môi trường và xã hội. Thực hành ESG cũng hỗ trợ doanh nghiệp và các nhà đầu tư quản trị rủi ro khi đối mặt với những tác động tới hoạt động kinh doanh từ môi trường và xã hội. Vì vậy, việc lồng ghép ESG một cách có hệ thống và khoa học thể hiện rằng doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn và chú trọng vào giá trị bền vững, đây cũng là yếu tố quan trọng để đánh giá doanh nghiệp trong các quyết định đầu tư, mua bán và sát nhập. 

Ngoài ra, Đại diện của VinaCapital cho hay họ cũng tích cực phối hợp cùng các tổ chức lớn trên thế giới về đầu tư có trách nhiệm để mang đến những thực hành tốt về triển khai ESG cho Việt Nam.  

“VinaCapital là thành viên của Nguyên tắc Đầu tư có Trách nhiệm (PRI) của Liên hiệp quốc và Hội đồng chuẩn mực kế toán bền vững (SASB). 

Chúng tôi có một hệ thống thang điểm đánh giá về ESG của các doanh nghiệp mà chúng tôi đầu tư hoặc dự định đầu tư. Nếu một doanh nghiệp không đạt được những tiêu chí về ESG mà chúng tôi đặt ra, chúng tôi sẽ không đầu tư vào doanh nghiệp đó”, bà Thu nói thêm.  

Trên thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà các nhà đầu tư trên thế giới cũng cho rằng sẽ có sự đánh đổi lợi nhuận khi lựa chọn những yếu tố có tính bền vững.  

 

Tuy nhiên, một nghiên cứu được thực hiện bởi Morgan Stanley, đánh giá hiệu quả hoạt động của gần 11.000 quỹ tương hỗ trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến năm 2018, chỉ ra rằng các quỹ bền vững không thua kém về mặt lợi nhuận tài chính so với các quỹ truyền thống. Hơn nữa, các quỹ bền vững còn cho thấy mức độ rủi ro giảm giá (rủi ro giảm giá trị đầu tư) thấp hơn so với các quỹ truyền thống. Nói cách khác, việc đầu tư vào các quỹ bền vững không chỉ mang lại lợi nhuận tương đương mà còn ít rủi ro hơn so với đầu tư vào các quỹ truyền thống. 

Tại thị trường Việt Nam, bà Nguyễn Hoài Thu, CFA, Tổng Giám đốc Khối đầu tư Chứng khoán, VinaCapital cũng cho rằng ESG đang trở thành một tiêu chuẩn quan trọng trong việc thiết lập các quan hệ đối tác hay khách hàng. Các doanh nghiệp Việt Nam khi áp dụng những tiêu chuẩn cao về ESG sẽ có nhiều cơ hội thiết lập các quan hệ đối tác, mở rộng kinh doanh hay dễ thu hút vốn từ các nhà đầu tư hơn.  

Nhìn từ các quốc gia phát triển, chẳng hạn như các nước ở châu Âu, doanh nghiệp tập trung nhiều vào ESG bởi vì họ đã nghĩ về các vấn đề này từ rất sớm. Kết quả là họ luôn đi đầu trong việc triển khai các thực hành tốt về ESG ở đất nước của họ và ở những quốc gia mà họ đầu tư. Do đó, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư từ các quốc gia có tiêu chuẩn ESG cao thường ưu tiên thiết lập mối quan hệ đối tác với các công ty ở các nước sở tại có cùng tầm nhìn về các giá trị bền vững lâu dài.  

“Ví dụ điển hình là Tập đoàn Lego (từ Đan Mạch) đang triển khai dự án đầu tư 1 tỉ USD vào Việt Nam. Tại Hội nghị Nhà đầu tư do VinaCapital tổ chức vào năm 2022, đại diện của Lego cho biết một trong những lý do thuyết phục họ chọn Việt Nam là những cam kết của Việt Nam tại COP 26, và bất kỳ các công ty Việt Nam nào muốn hợp tác với Lego tại Việt Nam sẽ phải chứng minh họ rất coi trọng các yếu tố ESG. Điều này cho thấy lợi ích rõ ràng của ESG đối với doanh nghiệp. Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp trong quá trình đầu tư, chúng tôi nhận thấy nhìn chung doanh nghiệp Việt Nam đang ngày càng nhận thức rõ tầm quan trọng của ESG để đảm bảo được sự phát triển bền vững trong dài hạn”, bà Thu chia sẻ thêm.  

Có thể bạn quan tâm 

Triển vọng phát triển năng lượng điện hải lưu trong tương lai

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact