Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố giúp thúc đẩy sự tăng trưởng của trái phiếu xanh. Ảnh: Freepik.com.
Theo Báo cáo thị trường hằng quý của Climate Bonds Initiative, quý đầu tiên của năm 2024 ghi nhận mức tài chính bền vững cao nhất trong lịch sử: Tổng giá trị trái phiếu xanh, xã hội, bền vững, liên kết bền vững và chuyển đổi (GSS+) đạt 272,7 tỉ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 41% so với quý IV/2023.
Trái phiếu xanh đóng góp lớn nhất và đạt kỷ lục mới theo quý, với 195,9 tỉ USD được phát hành trong những tháng đầu năm. Tổng giá trị trái phiếu xanh kể từ khi thị trường này ra đời vào năm 2006 đã vượt mốc 3.000 tỉ USD, chiếm phần lớn trong tổng khối lượng 4.700 tỉ USD của trái phiếu GSS+.
Bà Caroline Harrison, Giám đốc Phát triển Kỹ thuật tại Climate Bonds Initiative, nhận định: “Tài chính bền vững đã có một khởi đầu mạnh mẽ trong năm 2024 và chúng ta có thể chứng kiến một năm kỷ lục với gần 1.000 tỉ USD trái phiếu xanh được phát hành”.
Sự tăng trưởng liên tục của thị trường này phản ánh sự cam kết mạnh mẽ của các nhà phát hành trong việc nhanh chóng giảm lượng khí thải carbon và nắm bắt các cơ hội tăng trưởng bền vững. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Chia sẻ với NCĐT, ông Nguyễn Tùng Anh, Giám đốc Phụ trách Tài chính Bền vững, FiinRatings, cho hay: “Có thể khẳng định thị trường trái phiếu xanh tại Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn trong những năm tới. Mặc dù hiện tại thị trường này còn khá sơ khai, với chỉ hơn 3.650 tỉ đồng trái phiếu xanh được phát hành trong nước từ EVNFinance và Ngân hàng BIDV, nhưng xu hướng tham gia thị trường tài chính xanh ngày càng được nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp quan tâm”.
Đại diện của FiinRatings cho rằng Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố giúp thúc đẩy sự tăng trưởng này. Thứ nhất, xu hướng toàn cầu về tài chính xanh và trái phiếu xanh đang diễn ra mạnh mẽ, với kỷ lục phát hành trái phiếu xanh trị giá 575 tỉ USD trên thế giới trong năm 2023 và còn tiếp tục tăng trong năm nay. Do đó, chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến thị trường Việt Nam, vốn là quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu nhưng cũng là nước cam kết mạnh mẽ hàng đầu trong khu vực.
Thứ 2, Việt Nam đang có nhu cầu rất lớn về vốn đầu tư cho các dự án thân thiện với môi trường, đặc biệt trong bối cảnh cam kết đạt Net Zero vào năm 2050. Theo ước tính, Việt Nam cần đầu tư thêm khoảng 6,8% GDP mỗi năm, tổng cộng 368 tỉ USD cho đến năm 2040 để đạt được mục tiêu này. Trái phiếu xanh sẽ là công cụ huy động vốn hiệu quả cho các dự án này.
Thứ 3, Chính phủ Việt Nam đang có những chính sách để thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu xanh như xây dựng khung pháp lý, danh mục phân loại xanh và các chính sách ưu đãi về thuế phí. Điều này sẽ tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của thị trường.
Thứ 4, các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư tổ chức và quốc tế, đang ngày càng quan tâm đến các công cụ đầu tư xanh và bền vững, từ đó sẽ tạo nguồn cầu lớn cho trái phiếu xanh tại Việt Nam.
Thực tế, ngân hàng và bất động sản vẫn là 2 nhóm có giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường Việt Nam hiện nay. Trong khi đối với trái phiếu xanh, cánh cửa lại đang mở rộng hơn với nhiều nhóm ngành. Những ngành tiềm năng nhất trong việc phát hành trái phiếu xanh gồm năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời. Tiếp theo là các ngành xử lý chất thải, nước thải, giao thông vận tải xanh, nông nghiệp và xây dựng xanh…
Nhìn ở góc độ doanh nghiệp, đại diện của FiinRatings cho rằng trái phiếu xanh giúp doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư quan tâm đến phát triển bền vững. Đây là một lợi thế lớn trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt về nguồn vốn. Tuy nhiên, việc phát hành trái phiếu xanh cũng đi kèm một số rủi ro. Trước hết, chi phí phát hành có thể cao hơn do các yêu cầu về xây dựng khung trái phiếu xanh, chứng nhận, báo cáo.
Doanh nghiệp cũng phải đối mặt với rủi ro uy tín nếu không đáp ứng được các cam kết về sử dụng vốn xanh. Điều này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của doanh nghiệp. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp còn thiếu kinh nghiệm và chuyên môn trong việc phát hành và quản lý trái phiếu xanh, có thể dẫn đến sai sót trong quá trình thực hiện. “Khung pháp lý về trái phiếu xanh tại Việt Nam vẫn đang trong quá trình hoàn thiện, có thể tạo ra một số rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp”, ông Tùng Anh nói thêm.
Đây là lý do, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, vấn đề tài chính về bảo vệ môi trường tại Việt Nam còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tín dụng xanh. Ở Việt Nam, mới có 3 doanh nghiệp phát hành trái phiếu xanh với số lượng phát hành rất khiêm tốn, trên thị trường chứng khoán cũng chưa xuất hiện trái phiếu xanh. Vì vậy, để huy động vốn cho các giải pháp biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh và bền vững, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về các công cụ nợ, trong đó chú trọng thúc đẩy trái phiếu xanh. Đồng thời, các chính sách thuế cần xây dựng theo hướng tăng cường các nỗ lực khí hậu, thúc đẩy đầu tư xanh.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>