Ngày 20/11, tại hội thảo “Tiếp sức hàng Việt trên sàn thương mại điện tử”, ông Trần Quốc Bảo, Phó Tổng giám đốc tập đoàn KIDO có chia sẻ rằng, các doanh nghiệp cần phải kiên trì với chiến lược lên online của mình.
Lấy ví dụ như KIDO, phải mất 6 tháng mới có doanh thu và doanh thu hiện tại một tháng từ kênh thương mại điện tử khoảng 20 đến 30 tỉ đồng, chưa bằng doanh thu tập đoàn một ngày. Nhưng công ty vẫn làm vì đây là một kênh mới để KIDO phân phối hàng hoá không chỉ của công ty mà còn doanh nghiệp khác đến khách hàng.
Thứ đến, với các doanh nghiệp sản xuất như KIDO, đã có các nhà phân phối truyền thống thì cần phải có chiến lược phát triển phù hợp khi lên online, tránh xung đột với các nhà phân phối truyền thống.
“Có một thực tế là các chương trình tiếp sức hàng Việt hiện nay tốt hơn trước kia, đến từ các sàn và cơ quan quản lý. Doanh nghiệp cần phải xem mình đã làm nghiêm túc chưa, và làm nghiêm túc tới đâu. Nói tóm lại là cần quyết tâm, đầu tư lâu dài.”, ông Bảo nói.
Còn theo ông Bùi Đức Thiện, Người sáng lập thương hiệu giày Erosska, từ kinh nghiệm của mình ông cho rằng doanh nghiệp cần phải tránh 3 điểm. Thứ nhất là không nên kinh doanh trên thương mại điện tử bằng mọi giá mà chưa có sự chuẩn bị.
Nhiều doanh nghiệp với cảm giác sợ bị bỏ lại trong xu hướng thương mại điện tử đã đưa tất cả sản phẩm hiện có lên sàn nhưng điều này không đúng, vì thương mại điện tử chỉ phù hợp với một số mặt hàng.
Thứ đến là cần phải nhanh trong quyết định và nhạy trong việc nắm bắt các xu hướng mới. Thương mại điện tử trong nước đang bị dẫn dắt bởi các sàn lớn nên họ có thể thay đổi chính sách rất nhanh, tác động trực tiếp đến doanh thu.
“Cuối cùng là chú trọng phát triển bền vững. Thương mại điện tử đang mở ra cơ hội cho nhiều doanh nghiệp và thương hiệu trẻ gia nhập thị trường nhưng nhóm này thường tồn tại không quá ba năm do bị áp lực bởi tăng trưởng nóng.”, ông Thiện nói.
Hiến kế về cách để doanh nghiệp Việt có vị thế trên thị trường nội địa, ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Điều hành thương hiệu cà-phê Meet More cho rằng cần các có các chương trình quảng cáo nông sản Việt Nam ở các biển báo ngoài trời để tiếp cận người dân tốt hơn.
“Hàng OCOP Việt Nam rất nhiều mặt hàng tốt, cần được quảng cáo rộng rãi tới người dân.”, khách hàng nói.
Còn theo ông Bảo của KIDO nên các doanh nghiệp nên suy nghĩ đến khái niệm hợp tác xã online, theo đó hợp tác xã sẽ đứng ra làm việc với các sàn và chi phí sẽ chia sẻ cho các xã viên.
“Chi phí làm thương mại điện tử, thương mại xã hội thường rất lớn.”, ông Bảo nói.