Cú sẩy chân của Lộc Trời

Lộc Trời đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An.

 
Tham vọng và đòn bẩy tài chính trong ngành lúa gạo đẩy Lộc Trời vào tình cảnh tài chính khó khăn nhất trong 30 năm qua.

Tại buổi gặp mặt “Đã hơn một lần làm doanh nhân” do Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) đồng bằng sông Cửu Long tổ chức mới đây, ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Tập đoàn Lộc Trời, lại mở đầu bằng phát biểu: “Ban tổ chức quá liều khi mời tôi phát biểu. Bởi Lộc Trời đang đứng trước nguy cơ sụp đổ…”. Tuy nhiên, ông vẫn nhận lời chia sẻ, bởi đây là những bài học vô giá cho chính ông và đội ngũ doanh nhân.

 

Ông Thòn đề cập tới tình huống công ty của mình đang ở biến cố khó khăn nhất trong 30 năm qua. Bên ngoài, dư luận được biết tới vụ việc Lộc Trời thời gian gần đây đang thua lỗ và lần đầu tiên phải nợ tiền lúa của nông dân. Đồng thời, Công ty cũng có biến động lớn trong dàn lãnh đạo khi miễn nhiệm ông Nguyễn Duy Thuận khỏi vị trí Tổng Giám đốc. Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa bên trong, theo ông Thòn giải thích, là do “đã sai lầm trong việc chọn người dẫn dắt và điều hành”. “Điều gì có thể khiến doanh nghiệp đầu ngành lúa gạo chao đảo đến vậy?” là câu hỏi lớn của các nhà đầu tư lúc này.

Tiền thân là Công ty Dịch vụ Bảo vệ thực vật An Giang, sau 31 năm hoạt động, Lộc Trời liên tục mở rộng sang các ngành nghề nông nghiệp khác như nghiên cứu, sản xuất hạt giống, tham gia vào chuỗi giá trị lương thực như lúa gạo, cà phê và đã trở thành một trong những doanh nghiệp dẫn đầu ngành nông nghiệp của Việt Nam. Mô hình kinh doanh của Lộc Trời gồm trồng lúa, thu mua lúa, bán gạo, bán phụ phẩm và hỗ trợ nông dân… nên hoạt động dựa rất nhiều vào nguồn vốn. Là doanh nghiệp đầu ngành, Lộc Trời có kết quả lợi nhuận khả quan trong nhiều năm qua. Hằng năm, Công ty có lãi vài trăm tỉ đồng, doanh thu 3 năm qua đều trên 10.000 tỉ đồng. 

Ông Nguyễn Duy Thuận được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc Lộc Trời từ tháng 5/2020 cùng với tham vọng lớn trong mảng lúa gạo. Chiến lược của Lộc Trời là chuyển từ kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật sang chuỗi sản xuất lúa gạo chất lượng cao bền vững. Công ty đặt mục tiêu doanh thu 1 tỉ USD vào năm 2024. Đến năm 2025, Lộc Trời kỳ vọng phát triển vùng nguyên liệu liên kết sản xuất lúa đạt 1 triệu ha và các loại cây ăn trái, rau, bắp sinh khối từ 50.000- 200.000 ha mỗi loại. 

Năm 2023, hoạt động kinh doanh lúa gạo tăng vọt khi doanh thu từ mức 6.431 tỉ đồng trong năm 2022 vọt lên 11.323 tỉ đồng. Tuy nhiên, kể từ thời điểm này, Lộc Trời bắt đầu rơi vào trạng thái nợ vay cao, doanh thu tăng trưởng nhờ xuất khẩu tốt nhưng lợi nhuận thậm chí đi xuống vào năm 2023. Để thu mua gạo và chế biến, xuất khẩu, Công ty phải ứng trước tiền sản xuất, giống cho nông dân với mức lãi suất bằng 0. Trong khi đó, Công ty phải vay vốn ngân hàng trong giai đoạn thị trường vốn khó khăn, lãi suất ngân hàng cao nên lợi nhuận bị ăn mòn. Riêng năm 2023 các chi phí tài chính lên tới 960 tỉ đồng, trong đó chi phí lãi vay là hơn 580 tỉ đồng, tăng hơn gấp đôi cùng kỳ.

 

Bên cạnh đó, trụ cột lợi nhuận là mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật của Công ty cũng đi xuống khiến tình hình trở nên khó khăn hơn. Những năm trước 2022, mảng thuốc bảo vệ thực vật là nguồn thu chính của Lộc Trời, chiếm 60% doanh số, theo sau là mảng giống với 10%. Tuy nhiên, một trong những đối tác lớn của Lộc Trời là Syngenta đã ngừng hợp tác, ảnh hưởng đến hiệu suất kinh doanh của Công ty. Theo đó, doanh số mảng thuốc bảo vệ thực vật của Lộc Trời năm 2021 ghi nhận 5.120 tỉ đồng, nhưng sang đến năm 2022 chỉ đạt 4.403 tỉ đồng và đạt 4.218 tỉ đồng vào năm 2023.

Tình trạng này khiến sang quý I/2024, Lộc Trời báo lỗ hơn 96 tỉ đồng. Công ty lý giải nguyên nhân thua lỗ do một số chi phí tăng cao như nguyên vật liệu đầu vào, lãi vay, lỗ do tỉ giá hối đoái… Tại Đại hội cổ đông năm 2024, Lộc Trời đã đề xuất huy động thêm vốn nhưng bị đánh giá là rủi ro lớn và nhiều tờ trình không được thông qua. Đến nay, đã kết thúc quý tài chính thứ 3 trong năm, Lộc Trời vẫn chưa công bố báo cáo tài chính tự lập quý II cũng như báo cáo soát xét bán niên 2024. Trước đó, trong định hướng hoạt động năm 2024-2025, Lộc Trời từng đặt mục tiêu 1 tỉ USD doanh thu. Về đầu tư và phát triển, Lộc Trời đang lên kế hoạch huy động nguồn vốn dài hạn để xây dựng nhà máy gạo công suất 10.000 tấn/ngày tại Long An. 

Tình tình sa sút của Lộc Trời lại diễn ra trong bối cảnh ngành kinh doanh gạo ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, nhất là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu với giá trị cao. Hiện tại, Công ty dã bổ nhiệm Kế toán trưởng là ông Nguyễn Tấn Hoàng vào vị trí Tổng Giám đốc, khởi động quá trình tái cấu trúc để tìm cách đưa Công ty ra khỏi khó khăn.

Trước cuộc khủng hoảng của Lộc Trời, ông Thòn khẳng định: “Tôi sẽ đi tiếp”. Với quyết tâm lật lại thế cờ, ông Thòn và Ban lãnh đạo Công ty chắc chắn phải đưa Lộc Trời trở lại quỹ đạo của hoạt động kinh doanh cốt lõi từng mang lại thành công trong suốt 30 năm qua. Trước mắt, Công ty cần ổn định dòng vốn sản xuất kinh doanh và tập trung giải quyết các vấn đề tài chính.
 

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact