Trong khi nhu cầu về các dịch vụ ngôn ngữ truyền thống đang giảm dần thì những cơ hội mới đang xuất hiện. Ảnh: stock.adobe.com.
Giờ giải lao giữa một khóa học tại Singapore, Trương Quang Minh vui vẻ trò chuyện với người đồng nghiệp mới quen đến từ Uganda. Cuộc đối thoại bằng tiếng Anh giữa họ có lẽ bình thường như bất kỳ cuộc hội thoại làm quen khác, ngoại trừ việc người bạn Uganda nói tiếng của mình vào điện thoại và từ điện thoại phát ra câu đối đáp với Minh.
Trước đó vài tháng, Minh thực hiện một nhiệm vụ dịch thuật hơn 20 trang A4. Google Translate, ChatGPT và Gemini đã giúp anh hoàn thành 70% công việc. Sự tiến bộ của trí tuệ nhân tạo (A.I), đặc biệt sau làn sóng A.I tạo sinh trong ngành biên phiên dịch dẫn đến câu hỏi “nghề phiên dịch có cần nữa không?”
Theo báo cáo do hãng tin tức và nghiên cứu ngành ngôn ngữ Slator của Thụy Sĩ thực hiện, một nửa trong số các nhà ngôn ngữ học tự do đã cân nhắc từ bỏ nghề do những tiến bộ nhanh chóng trong các công cụ dịch thuật A.I. Cuộc khảo sát, thăm dò ý kiến của 260 nhà ngôn ngữ học cho thấy hơn một nửa biên phiên dịch tự do đã nhận được ít yêu cầu dịch vụ dịch thuật trong năm qua.
Trong khi nhu cầu về các dịch vụ ngôn ngữ truyền thống đang giảm dần thì những cơ hội mới đang xuất hiện. Hãng nghiên cứu cho biết các nhiệm vụ liên quan đến A.I như quản lý thuật ngữ, chú thích dữ liệu cho các mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) đang ngày càng được săn đón. Biên tập bản dịch máy là kỹ năng được săn đón thứ 2 và là mảng có tiềm năng tăng trưởng lớn nhất.
Để thích nghi với thời đại bùng nổ A.I, các nhà ngôn ngữ học đang nâng cao kỹ năng; 1/3 đã có được các kỹ năng A.I mới trong năm qua và gần một nửa đã mở rộng chuyên môn về chủ đề của họ. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi không diễn ra liền mạch. Hơn 50% biên dịch viên và phiên dịch viên tự do đã cân nhắc đến việc chuyển đổi nghề nghiệp, trong hoặc ngoài ngành ngôn ngữ.
“Chúng tôi đã thảo luận về A.I từ nhiều năm trước. A.I sẽ không lấy mất công việc của người dịch thuật, nhưng sẽ thay đổi bản chất công việc của họ”, bà Dương Thị Hoài Chân, Giám đốc Công ty Tư vấn Dịch thuật Chân Thiện Mỹ, nói. Nữ giám đốc có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành biên phiên dịch cho biết trong 10 năm tới, A.I vẫn chưa thể thay thế hoàn toàn con người trong các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp và cao cấp, nhưng sẽ ngày càng phát triển và ứng dụng rộng rãi.
Theo bà Chân, A.I có thể giải quyết các vấn đề dịch thuật đơn giản một cách nhanh chóng và hiệu quả, như giao tiếp trong các tình huống hằng ngày như đi chợ, đi taxi. Tuy nhiên, đối với các dịch vụ dịch thuật chuyên nghiệp và cao cấp, A.I vẫn chưa thể thay thế được con người. “Bởi vì việc dịch thuật không chỉ là vấn đề về từ ngữ, mà còn liên quan đến bối cảnh, thông tin, ý đồ của người nói và tác động mong muốn đến người nghe”, bà phân tích.
Bà Chân cũng lưu ý đến vấn đề chi phí sử dụng A.I trong dịch thuật. “Sử dụng A.I trong dịch thuật cũng sẽ có chi phí vì liên quan đến việc xử lý dữ liệu, không phải là miễn phí”, bà nói. Trong một số trường hợp, chi phí sử dụng A.I có thể cao hơn so với thuê một thông dịch viên con người.
Trong khi đó, một báo cáo từ Đại học Universitat Oberta de Catalunya (UOC) cho biết thay vì thay thế thông dịch viên, A.I là một công cụ để nâng cao hiệu quả và năng suất cho họ. Nghiên cứu này khám phá mối quan hệ đang phát triển giữa người dịch và A.I, cho thấy cách dịch máy, từng được coi là mối đe dọa, hiện đang được xem là một tài sản vô giá. A.I đang chứng tỏ đặc biệt hữu ích trong việc hợp lý hóa các nhiệm vụ lặp đi lặp lại, cho phép người dịch tập trung vào những khía cạnh sắc thái hơn trong công việc của họ.
Trường đại học cũng không đứng ngoài cuộc. Các chương trình thạc sĩ dịch thuật đang nỗ lực cập nhật xu hướng A.I cho học viên. “Trong 5 năm qua, khoa biên dịch, phiên dịch và nghiên cứu liên văn hóa của chúng tôi đã nỗ lực tích hợp các công nghệ phiên dịch tiên tiến vào chương trình đào tạo phiên dịch”, bà Nan Zhao, Phó Giáo sư và Giám đốc Chương trình Thạc sĩ biên dịch và giao tiếp song ngữ tại Đại học Baptist Hong Kong, nói trong một bài viết trên Times Higher Education.
Bà Nan Zhao cho biết việc tích hợp A.I và các công nghệ tiên tiến từ InterpretBank, một công cụ phiên dịch, sẽ cách mạng hóa cách sinh viên làm việc sau khi họ được tuyển dụng chuyên nghiệp. Cụ thể, những tính năng do A.I điều khiển cho phép phiên dịch viên chuẩn bị các bài tập chuyên biệt, quản lý cơ sở dữ liệu thuật ngữ giọng nói và truy cập các tài nguyên này từ xa trong buồng phiên dịch. Tính năng nhận diện bài thuyết trình tự động (ASR) cũng cung cấp bản dịch trực tiếp các từ khóa và số trong khi phát biểu, giúp nâng cao quá trình phiên dịch.
Bà Chân nhận định những người dịch thuật giỏi, biết kết hợp A.I với kinh nghiệm, kỹ năng và trí tuệ cảm xúc của bản thân sẽ có nhiều cơ hội hơn so với những người không sử dụng công nghệ. “A.I sẽ đe dọa và ảnh hưởng nhiều đến những người dịch thuật ở mức độ trung bình, nhưng sẽ là cơ hội cho những người trẻ tuổi biết cách ứng dụng công nghệ”, bà Chân nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>