heo báo cáo tài chính năm 2023, PNJ lãi ròng hơn 1.971 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: QH
Biến động dữ dội của giá vàng trước mắt giúp doanh nghiệp kinh doanh vàng hưởng lợi, nhưng…
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức thành công 7 phiên đấu thầu vàng miếng SJC nhưng giá vàng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi lập đỉnh mới ở giá bán ra 92,4 triệu đồng/lượng.
Đỉnh sóng giá vàng
Ông Đinh Tùng Lâm, Viện Thực hành Đầu tư tài chính Da Vinci, cho rằng giá vàng trong nước đang thả nổi chứ không theo một quy định nào và không có một đơn vị nào quyết định giá vàng. “Chính vì vậy, có thời điểm chỉ trong buổi sáng giá vàng được các đơn vị kinh doanh vàng điều chỉnh đến 19 lần. Cùng là vàng SJC nhưng giá của các cửa hàng kinh doanh vàng lại có giá mua – bán khác nhau”, ông Lâm nói.
Theo đánh giá của Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, trong năm nay, khả năng giá vàng miếng SJC sẽ lên đến 100 triệu đồng, đặc biệt nếu Chính phủ không có biện pháp để giải quyết cơn sốt vàng. Mặt khác, nếu giá vàng tăng quá cao và đến thời điểm người ta không thể mua được nữa, thị trường vàng sẽ sụt giảm nhanh chóng và bong bóng giá vàng sẽ vỡ.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Hùng Linh, sáng lập Think Future Consultancy, phân tích, giá vàng miếng SJC tăng điên cuồng bởi tâm lý đầu cơ của người dân. “Gần đỉnh sóng giá sẽ lên càng nhanh bởi tâm lý của nhà đầu tư. Vàng dễ làm giá hơn cổ phiếu vì chỉ có vài doanh nghiệp kinh doanh vàng lớn. Trong cơn sóng này, doanh nghiệp vàng không bao giờ để mình chịu thiệt nên để khoảng cách mua vào – bán ra lớn”, ông Linh nhận định.
Theo quan sát từ dữ liệu lịch sử, thị trường vàng lên cơn sốt đã mang lại lợi nhuận lớn cho doanh nghiệp kinh doanh vàng. Giá vàng của các thương hiệu ngoài SJC, tức vàng nguyên liệu, về cơ bản chênh lệch giá trong nước và thế giới khoảng 2 triệu đồng/lượng. Nhưng riêng giá vàng SJC chênh lệch ở mức rất lớn, có lúc khoảng 16-17 triệu đồng/lượng. Mức chênh quá lớn giữa giá trong nước và thế giới giúp SJC lãi đậm nhờ đóng vai trò là đơn vị nhập khẩu, sản xuất độc quyền vàng miếng và thống lĩnh thị phần bán ra (chiếm tới 90% thị phần).
Độc quyền cũng gặp khó
Năm 2023 SJC ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng lần lượt 12% và 24,5% so với cùng kỳ. Một số doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc khác cũng hưởng lợi không ít nhờ giá vàng tăng vọt. Một trong số đó là Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ). Theo báo cáo tài chính năm 2023, PNJ lãi ròng hơn 1.971 tỉ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm 2022 và vượt 2% so với kế hoạch đề ra. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất trong 35 năm hoạt động của công ty này.
Nếu so sánh về quy mô lợi nhuận, có thể dễ dàng nhận ra PNJ có mức lợi nhuận vượt trội so với anh cả của ngành mặc dù có quy mô tương đương về doanh thu. Điểm khác biệt nằm ở việc PNJ chủ yếu kinh doanh vàng trang sức. Mảng kinh doanh này đem lại biên lợi nhuận gộp khoảng 27%, cao hơn rất nhiều so với mảng kinh doanh vàng miếng (2-3%).
Tuy nhiên, khi giá vàng tăng mất kiểm soát, không chỉ kéo theo các hệ lụy kinh tế, mà ngay cả doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do đặc thù ngành kinh doanh, PNJ cần nhập vàng nguyên liệu đầu vào để chế tạo trang sức, do đó khi giá vàng trên thị trường tăng quá cao cũng sẽ đẩy chi phí sản xuất của PNJ lên cao.
Trong khi đó, doanh nghiệp chưa thể tăng giá sản phẩm theo kịp đà tăng của giá vàng, dẫn đến biên lợi nhuận gộp có thể bị ảnh hưởng. Bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết mặc dù thị trường vàng rất sôi động, nhưng Công ty lại gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu vàng để kinh doanh.
“Dự trữ vàng để sản xuất trong năm thì không bao giờ có vì lượng vàng sản xuất hằng năm của chúng tôi lên đến 12 tấn, biến động giá từng giờ. Có những ngày chúng tôi đành chấp nhận giảm nhịp độ sản xuất vì giá vàng quá cao”, bà Dung nói.
Bà Lê Thúy Hằng, Tổng Giám đốc SJC, cũng đưa ra đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng, bởi doanh nghiệp không được hưởng lợi gì từ chính sách này, còn bị mang tiếng trục lợi. Đại diện của SJC cho biết dù giá chênh lệch 15-20 triệu đồng hay hơn nữa, Công ty cũng không được lợi. Bà Hằng dẫn chứng thêm trước năm 2012, thời điểm Nghị định 24 chưa ra đời, vốn sở hữu của doanh nghiệp là 400 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận ròng 300-400 tỉ đồng một năm. Từ sau năm 2012, mức lãi sụt giảm mạnh, còn vài chục tỉ đồng. Do không được làm vàng miếng, doanh nghiệp chuyển hướng làm vàng nữ trang và lãi chủ yếu từ phân khúc này.
Vì vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng đề xuất Nhà nước xóa bỏ độc quyền vàng miếng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp được nhập khẩu vàng để có nguồn nguyên liệu; doanh nghiệp được dập vàng miếng, giúp đa dạng nguồn cung.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>