Vitamin cho startup Việt

Thế giới đã thay đổi nhanh chóng, nhưng các startup công nghệ tại Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu hướng của thế giới. Ảnh: freepik.com.

 
Một số “vitamin” quan trọng trong thành phần dinh dưỡng cho startup Việt hay bị bỏ qua, dẫn đến thất bại đáng tiếc.

Trở thành tiến sĩ khi tuổi đời chưa đến 30, Đinh Mộng Kha đã tham gia giảng dạy ngành marketing tại nhiều trường đại học và cơ sở giáo dục. Hiện Kha là CEO và thành viên Hội đồng Quản trị VietGuys, thành viên Hội đồng Quản trị PangoCDP.
Đinh Mộng Kha bắt đầu tiếp xúc và làm việc với các startup khi tham gia cố vấn về quản trị cho các doanh nghiệp đa lĩnh vực, đồng thời dành rất nhiều năm phát triển các ý tưởng mới trong mảng MarTech (công nghệ tiếp thị). “The Master Channel” là ý tưởng nổi bật nhất và đã được thương mại hóa thành công cho hơn 120 doanh nghiệp chỉ trong 20 tháng kể từ khi khởi xướng vào tháng 6/2022. Qua quá trình làm việc, Kha nhận thấy: “Startup Việt thường khó phát triển vì thiếu một số vitamin quan trọng”.

Một nhận xét thật thú vị. Tại sao chị lại đưa ra nhận xét như vậy?

Trước hết, phải nhìn nhận các xu hướng lớn về công nghệ trên thế giới liên tục được ra mắt. Đây là nền tảng cũng như cơ hội cho rất nhiều startup có thể bắt đầu hành trình của mình.

Thời kỳ dot-com đánh dấu sự bùng nổ của các công ty internet như Amazon, sau đó là các nền tảng mạng xã hội Facebook, LinkedIn, gần đây là TikTok đã thay đổi cách con người tương tác trực tuyến. Về kinh tế chia sẻ, các nền tảng như Uber, Grab, AirBnb ra đời. Trong khi đó, sự phát triển của smartphone, đi đầu là Apple đã mở ra một kỷ nguyên cho các ứng dụng di động có hàng tỉ người dùng như WhatsApp, phổ biến ở Việt Nam là Zalo. Hay blockchain và tiền mã hóa đã tạo xu hướng tại Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh nhưng nhanh chóng bị lu mờ bởi trí tuệ nhân tạo (A.I) và ChatGPT.

Thế giới đã thay đổi nhanh chóng như thế, nhưng các startup công nghệ tại Việt Nam đã rất nhanh nhạy trong việc bắt kịp xu hướng của thế giới. Một số startup đã có thể tận dụng các làn sóng công nghệ nói trên để đạt đến quy mô nhất định nhưng phần lớn đều vì một số lý do nào đó vẫn cứ tồn tại qua ngày ở mức độ SME (doanh nghiệp nhỏ và vừa) hoặc âm thầm biến mất.

Mọi người hay nói về rủi ro, khả năng thành công thấp của startup đến từ yếu tố thị trường, con người, tài chính nhưng theo Kha, yếu tố chính lại khá dễ để xác định và khó sai sót. Còn các yếu tố phụ, hay có thể gọi là “vitamin” trong thành phần dinh dưỡng cho startup, lại hay bị bỏ qua và dẫn đến thất bại mà các nhà sáng lập, nhà đầu tư không hiểu mình sai ở đâu.

Theo chị, các startup thường bị thiếu các loại vitamin nào và làm sao để bổ sung?

Từ góc nhìn của founder (nhà sáng lập), không dễ để nhận ra vấn đề. Nền tảng của nhà sáng lập hoặc quá thiên về công nghệ – kỹ thuật hoặc quá thiên về kinh doanh.

Với đội ngũ sáng lập thiên về công nghệ, năng lượng của startup thường tập trung vào công nghệ, tính năng sản phẩm, cách marketing hay sa đà vào việc mô tả tính năng. Founder thiên về kinh doanh thì thường thiếu vitamin về vận hành, nghĩa là thường bỏ qua việc xây dựng quy trình vận hành chuẩn, quản lý nhân sự, tối ưu chi phí, dẫn đến khó khăn trong quá trình mở rộng quy mô. Nhiều founder thiếu kiến thức về tài chính, quản lý dòng tiền, lập kế hoạch tài chính, dễ gặp khó khăn trong việc huy động vốn, phân bổ nguồn lực.

Founder với nền tảng trong lĩnh vực kinh doanh hay công nghệ thì đều thiếu vốn, nếu không phải là “rich kid” (chỉ những người trẻ được sinh ra trong gia đình giàu có). Việc này nhấn mạnh một điều rằng dù có ý tưởng hay, sản phẩm tốt, startup vẫn cần vốn để vận hành, marketing, phát triển sản phẩm, thuê nhân sự… Nếu không may mắn có nguồn vốn hỗ trợ từ gia đình thì founder phải tìm kiếm nguồn vốn bên ngoài (nhà đầu tư, vay ngân hàng…).

Để bổ sung vitamin thực ra không khó. Kiến thức sẵn có trên internet, chuyên gia tư vấn cũng không thiếu nhưng vấn đề đến từ thái độ đón nhận và mức độ ưu tiên của founder. Ví dụ về vận hành, các founder hay ưu tiên sau việc tồn tại. Tất nhiên, việc tồn tại sẽ là yếu tố chính nhưng khi vitamin về vận hành bị thiếu hụt, sức khỏe của startup bị ảnh hưởng, dẫn đến “còi cọc”.

Yếu tố thành công khi gọi vốn cũng sẽ diễn ra tương tự, việc đánh giá mô hình hay thị trường dễ dàng bởi các nhà đầu tư cũng rất thông minh, vì họ đã nhìn thấy rất nhiều mô hình. Nếu họ quan tâm tức là startup đã có các thành phần dinh dưỡng chính, nhưng khi đánh giá tiếp tới vận hành và tài chính, 80% các startup lại thiếu vinamin cần thiết này để gọi vốn thành công. Yếu tố Kha đề cập cuối cùng cũng là vitamin khó bổ sung nhất vì nó phụ thuộc nhiều vào “cơ địa” của startup và cái tôi của nhà sáng lập.

Market Fit, hay còn gọi là hành trình tìm được “long mạch” của một startup, rất gian nan, rất dễ lạc lối, mất tiền, mất tinh thần và dẫn đến thất bại cực nhanh. Yếu tố chính của Market Fit thường sẽ là nhu cầu thị trường – sản phẩm – kênh phân phối – độ nhạy của founder. 

Vitamin để bổ sung cho hoạt động Market Fit của doanh nghiệp, theo Kha, đó chính là xây dựng một câu chuyện mạch lạc. Việc sắp xếp các yếu tố nhu cầu khách hàng, tính năng sản phẩm một cách hợp lý chính là vitamin giúp startup đi nhanh hơn và có nhiều cơ hội để điều chỉnh cho đến khi đạt được cột mốc mới.

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact