Độ rộng sàn HOSE nghiêng về chiều tích cực. Ảnh: Fiintrade.
Với mức tăng hơn 27 điểm, VN-Index có phiên tăng mạnh nhất kể từ giữa tháng 8/2024. Nếu như ở phiên sáng, nhiều nhà đầu tư bày tỏ sự “tủi thân” trên các diễn đàn khi giá Bitcoin vượt mốc 100.000 USD thì phiên chiều lại “xoa dịu” nhà đầu tư bằng một phiên bùng nổ. Chỉ số VN-Index kết phiên tăng hơn 27 điểm, toàn sàn HOSE có tới 347 mã tăng (trong đó có 16 mã tăng trần), gấp nhiều lần so với 55 mã giảm. Giá trị giao dịch trên thị trường có sự bùng nổ mạnh với hơn 21.000 tỉ đồng được giao dịch, cao hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất.
Nhóm cổ phiếu VN30 cũng ghi nhận mức tăng gần 40 điểm với 29 mã tăng. Giá trị giao dịch của rổ cổ phiếu này chiếm khoảng 44% tổng giá trị giao dịch ở sàn HOSE. Phiên giao dịch 5/12 chứng kiến sự bùng nổ đồng loạt của nhiều nhóm ngành, trong đó ngân hàng, bất động sản, dịch vụ tài chính là 3 nhóm có mức tăng mạnh và đóng góp tích cực nhất đến chỉ số chung.
Top 10 cổ phiếu tác động đến chiều tăng/giảm của VN-Index. Ảnh: VNDirect. |
Xét về từng cổ phiếu riêng lẻ, dữ liệu của VNDirect cho thấy, HPG, FPT, CTG và VHM,… là những cổ phiếu tác động tích cực nhất đến thị trường chung.
Chia sẻ với NCĐT, ông Huỳnh Thái Trinh, Giám đốc Chi nhánh, Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho hay, phiên tăng 5/12 thị trường bứt phá mạnh với sự khởi đầu của nhóm ngành chứng khoán. Dòng tiền hưng phấn kéo một loạt mã trong nhóm chứng khoán, bất động sản, ngân hàng và thép bứt phá, kéo VN-Index đóng cửa trên mốc 1.267,53 điểm, với thanh khoản tăng đột biến.
Theo ông Trinh, phiên 5/12, chỉ số tăng mạnh cùng sự gia tăng của thanh khoản cho thấy tâm lý lạc quan của nhà đầu tư đã quay trở lại. Điều này một phần đến từ dự báo FED có thể cắt giảm lãi suất thêm 1 lần nữa trong năm 2024 vào cuộc họp ngày 17-18/12 sắp tới.
Nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán đồng loạt tăng trần. Ảnh: BanggiaSSI. |
Nhìn lại thị trường chứng khoán năm 2024, cụm từ “phân hóa” có lẽ là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trên thị trường. Dòng tiền có sự chọn lọc kỹ càng hơn ở các nhóm ngành và từng doanh nghiệp cụ thể. Vì thế, việc tìm kiếm các cơ hội đầu tư cũng trở nên khó khăn hơn.
Cho năm 2025, ông Trinh chỉ ra những nhóm ngành mà nhà đầu tư có thể xem xét để thêm vào danh mục, đó là những nhóm ngành đang được định giá thấp, cùng lợi nhuận tích cực.
Đầu tiên nhóm ngành ngân hàng đang có hệ số P/E tương đối thấp, chỉ khoảng 9,3 lần, trong khi đây là ngành được hưởng lợi khi tín dụng tăng trưởng trở lại, và cũng là nhóm ngành trụ cột của nền kinh tế.
Thứ hai là nhóm ngành bất động sản. Mặt bằng lãi suất ở mức thấp sẽ tác động tích cực đến nhu cầu mua bất động sản. Cùng với đó, luật đất đai sửa đổi đã góp phần giải quyết vướng mắc pháp lý, giúp doanh nghiệp đẩy mạnh triển khai nhiều dự án.
Thứ ba là nhóm ngành logistics. Ông Trinh đánh giá đây là nhóm ngành đang có sự tăng trưởng ấn tượng bởi sự phục hồi của xuất khẩu và giá cước vận tải tăng cao.
Và thứ tư là nhóm ngành bán lẻ, dựa trên cơ sở ổn định và phục hồi của nền kinh tế. Đặc biệt, tiêu dùng trong nước dự báo sẽ phục hồi trở lại nhờ nhiều chính sách hỗ trợ của Chính phủ như tăng lương, giảm thuế VAT,… và không khí nhộn nhịp mua sắm trong giai đoạn cao điểm cuối năm.
Năm 2025, với sự hỗ trợ của các yếu tố vĩ mô, cùng triển vọng nâng hạng đang đến gần, thị trường chứng khoán Việt Nam kỳ vọng tiếp tục là “sân chơi hấp dẫn” cho những nhà đầu tư dài hạn.
Có thể bạn quan tâm
Động thái mới của Trump giúp giảm rủi ro cho nhà đầu tư tại Việt Nam
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>