Hình ảnh tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM. Ảnh: PV.
Trước sức ép tỉ giá, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục bán ròng tại thị trường chứng khoán Việt Nam. Lũy kế từ đầu năm đến nay, khối này đã bán ròng khoảng 93.000 tỉ đồng, tương đương 3,7 tỉ USD. Khối ngoại liên tục “xả hàng” trong khi nhà đầu tư trong nước lại không mấy “mặn mà” đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam có nhiều diễn biến tiêu cực.
Điều này một phần dễ hiểu khi trong năm 2024, vàng, USD và cả Bitcoin đều có những diễn biến rất tích cực khiến chứng khoán phần nào trở nên kém hấp dẫn. Thêm vào đó, lãi suất huy động đang có xu hướng tăng trở lại cũng thu hút nhiều nhà đầu tư, vốn yêu thích những kênh truyền thống như tiền gửi. Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 6,92 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023.
Trở lại với thị trường chứng khoán, chỉ tính từ tháng 9 đến nay, VN-Index đã có khoảng 9 lần thất bại trước ngưỡng 1.300 điểm, và rồi những phiên điều chỉnh từ giữa tháng 10 đã kéo lùi VN-Index, có thời điểm đánh mất hỗ trợ 1.200 điểm (20/11).
Dường như luôn có dòng tiền “chực chờ” để sẵn sàng cho những cú sụt giảm mạnh của thị trường, nên ngay trong phiên 20/11 khi VN-Index giảm về dưới 1.200 điểm, đã kích hoạt lực cầu kéo VN-Index hồi phục trở lại. Theo đó, VN-Index đã có 2 phiên tăng điểm liên tiếp với mức tăng mỗi phiên hơn 11 điểm, nhờ sự dẫn dắt của nhóm vốn hóa lớn, đặc biệt là ngân hàng và bất động sản.
Chia sẻ với NCĐT, ông Trần Quốc Toàn, Giám đốc Chi nhánh, Công ty Chứng khoán Mirae Asset cho rằng, 2 phiên giao dịch gần đây (20-21/11), thị trường đã đón nhận các thông tin tích cực từ việc tháo gỡ các vướng mắc pháp lý cho dự án Aqua City của Novaland, vốn đã gặp khó khăn trong hơn 2 năm qua, dự án Izumi City của Nam Long cũng được tháo gỡ vướng mắc pháp lý.
Đây là kết quả từ sự chỉ đạo tháo gỡ của Chính phủ cùng các bộ, ban, ngành, mang đến cú huých pháp lý, tạo niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp về chủ trương của Chính phủ, trong việc quyết liệt tháo gỡ vướng mắc pháp lý cho các dự án. Đồng thời, cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp phục hồi và tăng trưởng trở lại sau một giai đoạn đầy thử thách.
“Xét về định giá của thị trường theo P/E, giai đoạn hiện tại vẫn là vùng giá hấp dẫn để đầu tư và tích lũy dài hạn. Nhà đầu tư có thể phân bổ dòng tiền vào những doanh nghiệp đầu ngành, có mức chiết khấu cao, đi kèm với câu chuyện tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận trong quý IV và năm 2025”, ông Toàn chia sẻ.
Chi tiết hơn, vị chuyên gia này cũng chỉ ra một số nhóm ngành cụ thể mà nhà đầu tư có thể tham khảo để đưa vào danh mục. Đơn cử như những nhóm ngành tiêu dùng – bán lẻ hưởng lợi từ xu hướng phục hồi của tiêu dùng trong nước, mới đây Bộ Tài chính đang đề xuất tiếp tục giảm thuế VAT để kích thích tiêu dùng và sản xuất. Hay nhóm vật liệu xây dựng cũng có thể xem xét, khi Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mục tiêu 6,5-7% trong năm 2025. Ngoài ra, ngân hàng, nhóm ngành “trụ cột” cũng có những cơ hội đầu tư tốt, ở những cổ phiếu đầu ngành, có tăng trưởng bền vững và chất lượng tài sản tốt. Nhóm bất động sản khu công nghiệp cũng là một sự lựa chọn trong bối cảnh dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là khi Tổng thống Donald Trump đắc cử.
“Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng phục hồi của VN-Index chưa thực sự rõ ràng, nhà đầu tư cần ưu tiên quản trị rủi ro, tránh FOMO ở những phiên tăng mạnh. Đồng thời, việc sử dụng đòn bẩy cũng nên được duy trì ở mức độ vừa phải, tránh rủi ro khi thị trường có biến động mạnh”, ông Toàn nói thêm.
Có thể bạn quan tâm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>