Thị trường tiền mã hóa đang trải qua cơn sốt chưa từng có. Ảnh: shutterstock.com
Thị trường tiền mã hóa đang trải qua cơn sốt chưa từng có, đặc biệt là Bitcoin đã vượt qua mức giá 80.000 USD và đang tiến gần đến ngưỡng 90.000 USD. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay của đồng tiền này, một mốc mới đáng chú ý vào thời điểm có kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ với thắng lợi thuộc về ông Donald Trump. Trong quá trình vận động tranh cử, ông Trump đã hứa hẹn đưa Mỹ trở thành “thủ đô tiền điện tử của thế giới” nên tạo ra kỳ vọng rất lớn cho những người nắm giữ Bitcoin.
Kể từ cuộc bầu cử, các quỹ ETF tiền mã hóa giao ngay đã chứng kiến dòng tiền đổ vào lớn nhất từ trước đến nay. Trong 2 ngày sau bầu cử, dòng tiền ròng chảy vào các ETF Bitcoin và Ethereum lần lượt là 2,01 tỉ USD và 132 triệu USD.
Đáng lưu ý, việc thị trường tiền điện tử tăng vọt trong những ngày qua cũng có thể đã tác động lên tỉ giá VND/USD và thị trường vàng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng tăng khoảng 1.100 đồng, tương đương mức tăng 4,4%. Riêng trong tháng 10 và tháng 11, VND đã mất hơn 3% giá trị so với USD. Các chính sách của ông Trump về hạn chế nhập cư bất hợp pháp, ban hành thuế quan mới có thể thúc đẩy tăng trưởng và cả lạm phát, làm giảm khả năng cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và gia tăng sức mạnh cho USD.
Cùng thời điểm, giá vàng trong nước cùng chiều đi xuống với giá vàng thế giới. So với mức giá kỷ lục thiết lập vào cuối tháng 10, đến giữa tháng 11, mỗi lượng vàng nhẫn trơn thấp hơn khoảng 7-8,5 triệu đồng/lượng, tương đương mức giảm khoảng 8%.
Ông Nguyễn Thế Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhận định chính sách của ông Donald Trump sẽ làm lạm phát tăng, buộc FED phải tăng lãi suất hoặc làm chậm việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Do vậy, thị trường đang có xu hướng đầu cơ USD, làm cho đồng USD tăng mạnh, gây áp lực lên giá vàng. Mặt khác, Bitcoin đang tiếp tục lập đỉnh mới, có khả năng tiến tới 100.000 USD khiến nhiều nhà đầu tư có xu hướng bán vàng để mua Bitcoin.
Mối tương quan ở mức cao và kéo dài giữa các loại tài sản này đang củng cố cho quan điểm của một số nhà đầu tư tin rằng Bitcoin và vàng đang trở thành nơi trú ẩn trong bối cảnh nhiều bất ổn về kinh tế, chính trị đang diễn ra trên toàn cầu. Tuy nhiên, không ít quan điểm cũng cho rằng đà tăng giá giữa vàng và Bitcoin hoàn toàn khác nhau. Bitcoin tăng là nhờ động lực thúc đẩy từ các quỹ ETF, còn giá vàng tăng là nhờ lực mua lớn của các ngân hàng trung ương Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi.
Trong khi đó, thị trường cũng có nghiên cứu ghi nhận mối quan hệ giữa Bitcoin và hầu hết các thị trường ngoại hối ASEAN-6 (ngoại trừ Philippines) trong trung hạn và dài hạn từ năm 2018-2023. Mối quan hệ này phụ thuộc vào bản chất của những cú sốc tác động vào Bitcoin cũng như các chính sách của chính phủ có liên quan đến thị trường Bitcoin. Qua đó, thị trường ngoại hối ASEAN-6 biến động có thể dự báo bằng thay đổi của thị trường Bitcoin.
Là thị trường có lượng nhà đầu tư tham gia vào tiền ảo, tiền mã hóa khá lớn, nên mỗi khi thị trường này nổi sóng, các nhà đầu tư tại Việt Nam dễ rơi vào trạng thái FOMO (sợ bị bỏ lỡ) và càng tích cực đầu tư. Việc đầu tư hiện nay chủ yếu là ở sàn giao dịch nước ngoài, do đó nhà đầu tư trong nước thường phải chuyển sang USD để giao dịch, vì vậy cũng làm tăng cầu ngoại tệ trong nước.
Con số này không hề nhỏ. Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam Phan Đức Trung dẫn chứng báo cáo của Chainalysis cho thấy năm 2022 dòng tài sản số hay là tài sản mã hóa vào thị trường Việt Nam khoảng 100 tỉ USD, đến năm 2023 tăng lên tới 120 tỉ USD. Đây là lý do Việt Nam nằm trong Top 3 toàn cầu về người dân sở hữu tài sản số, chỉ sau UAE và Mỹ, trong năm 2021-2022.
Thực tế, dù chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, các sàn giao dịch như Binance, MEXC Global, OKX… vẫn hoạt động trong nhiều năm qua. Theo kết quả khảo sát của Chainalysis, các nhà đầu tư tiền ảo tại Việt Nam “bỏ túi” 1,18 tỉ USD trong năm 2023. Việt Nam là 1 trong 5 thị trường châu Á có mặt trong Top 10 nơi có lợi nhuận từ tiền ảo lớn nhất thế giới trong năm qua, bên cạnh Trung Quốc, Indonesia, Ấn Độ và Hàn Quốc.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình đầu tư này, các hoạt động mua bán, giao dịch tài sản số trong nước tiềm ẩn rủi ro về rửa tiền và thất thoát cho nền kinh tế. Sự đi lên của đồng Bitcoin không thể làm lu mờ những rủi ro tiềm ẩn của loại tài sản số này.
Càng nhiều rủi ro càng cho thấy việc cần thiết phải có hành lang pháp lý để quản lý thị trường tài sản số. Cho đến nay, tài sản số được định nghĩa là những tài sản tồn tại dưới dạng kỹ thuật số và được xác nhận quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối (blockchain), bao gồm tiền mã hóa (cryptocurrency), token chứng khoán (security token), token tiện ích (utility token), NFT (token không thể thay thế) và nhiều loại tài sản số khác…
Trong đó, theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam, token hóa tài sản thực (RWA) có thể lên tới 10% GDP toàn cầu vào năm 2030, tương đương 16.000 tỉ USD. Tiến sĩ Phạm Anh Khôi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Fintech, Hiệp hội Blockchain Việt Nam, cho rằng thị trường RWA là cơ hội giúp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam có thể tham gia vào thị trường vốn toàn cầu với ưu điểm là kênh dẫn vốn hiệu quả, chi phí thấp cho các dự án có tài sản thực tại Việt Nam.
Rất nhiều quốc gia trong khu vực ban hành luật lệ, chính sách để thúc đẩy tạo ra hành lang pháp lý cho những dòng tài sản này đóng góp vào nền kinh tế. Tín hiệu tích cực là Việt Nam cũng đang trong lộ trình phát triển một khung pháp lý rõ ràng và toàn diện hơn, với những bước đi đầu tiên từ Quyết định 194/QĐ-TTg và dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số, trong đó đã có các quy định về trí tuệ nhân tạo (A.I) và tài sản số.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>