Tính đến ngày 30/9/2024 có tới 11 ngân hàng đang có tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3%. Ảnh:Quý Hoà
Sacombank đã bán đấu giá dự án Xi Grand Court tại quận 10, TP.HCM. Agribank chi nhánh Đống Đa cũng rao bán tài sản thế chấp của Công ty Cổ phần Khách sạn Bến Du Thuyền là hàng ngàn m2 đất thuộc dự án khu đô thị và bến du thuyền ở Nha Trang.
Có thể thấy, tại thời điểm này, giống như Sacombank, Agribank, nhiều ngân hàng đang cấp tập rao bán tài sản thế chấp để xử lý, thu hồi nợ. Hoạt động này diễn ra trong bối cảnh nợ xấu ngân hàng đang phình ra so với cuối năm 2023. Kết thúc 9 tháng đầu năm nay, số dư nợ xấu các ngân hàng đã tăng thêm 27,9% so với cuối năm 2023, đạt 259.186 tỉ đồng. So với thời điểm kết thúc quý II/2024, nợ xấu của 29 ngân hàng đã tăng thêm 21,2%.
Báo cáo tài chính quý III/2024 của 29 ngân hàng cũng cho thấy, tính đến ngày 30/9/2024 có tới 11 ngân hàng đang có tỉ lệ nợ xấu/dư nợ cho vay ở mức trên 3% gồm SHB, PGBank, ABBank, VietBank, PVcomBank, VIB, OCB, BAOVIET Bank, BVBank, VPBank, NCB. Đáng chú ý, một số ngân hàng ghi nhận số nợ xấu có khả năng mất vốn tăng hơn gấp đôi, như VIB tăng 173,4%; LPBank tăng 132,4%; Techcombank tăng 127,6%…
Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính, Tiền tệ Quốc gia, nhận định việc cơ cấu lại, xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém còn chậm so với yêu cầu do quy trình, thủ tục phức tạp, khó khăn trong định giá tài sản và tìm kiếm nhà đầu tư phù hợp. Sự chậm trễ này làm tăng nợ xấu, nợ tồn đọng trong nền kinh tế khiến việc phân bổ nguồn lực khó đạt hiệu quả cao và chi phí tốn kém.
Lãnh đạo một số ngân hàng cũng đã nhiều lần phản ánh gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi, xử lý nợ xấu, đặc biệt là khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu không còn hiệu lực.
Có thể thấy, trong giai đoạn đầu của sự phục hồi kinh tế, nhiều ngân hàng còn gặp khó khăn trong việc giải quyết nợ xấu cũng như tìm cách kiểm soát các khoản nợ tiềm ẩn rủi ro tín dụng. Đặc biệt, do thị trường bất động sản vẫn trầm lắng, nhiều ngân hàng đã đẩy mạnh thanh lý tài sản để thu hồi nợ, nhưng vì thanh khoản yếu nên nhiều bất động sản có giá trị lớn phải giảm giá mạnh mà vẫn khó tìm được khách mua.
Mặc dù vậy, theo SSI Research, quý IV thường là quý các ngân hàng mở rộng tăng trưởng tín dụng, trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu. Do đó, dự báo tỉ lệ nợ xấu tại các ngân hàng sẽ giảm còn 1,89% trong quý IV/2024. Tỉ lệ nợ xấu ổn định phản ánh hiệu quả của các chính sách khơi thông tín dụng, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Tuy nhiên, mức nợ xấu vẫn cao hơn đáng kể so với trung bình 1,6% của giai đoạn 2017-2022. Nợ xấu được nhìn nhận “chỉ đang tạm thời được trì hoãn”, sau khi Thông tư 06 sẽ hết hiệu lực vào cuối năm nay. Nếu tình hình kinh tế vẫn khó khăn thì nợ xấu vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong thời gian qua, tình hình nợ xấu đang có xu hướng gia tăng. Điều này diễn ra trong bối cảnh sức khỏe tài chính của nhiều doanh nghiệp chưa được cải thiện đáng kể và thị trường bất động sản ảm đạm cũng là một nguyên nhân đáng kể dẫn đến sự gia tăng nợ xấu.
“Rủi ro khó tránh nếu nợ xấu tăng mà tỉ lệ bao phủ dự phòng giảm. Điều này không chỉ làm giảm lợi nhuận mà còn làm suy yếu khả năng chống đỡ của các ngân hàng trước những cú sốc tài chính trong tương lai. Các biện pháp xử lý nợ xấu cần được thực hiện kịp thời và hiệu quả để tránh tình trạng nợ xấu kéo dài, gây hệ lụy xấu đến nền kinh tế”, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP.HCM, nhấn mạnh.
Nếu không có cơ chế hỗ trợ, khả năng nhiều ngân hàng sẽ phải đối mặt với việc phải trích lập dự phòng nợ xấu tăng vọt. Thực tế, dữ liệu từ VietstockFinance cũng cho thấy, tổng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của 28 ngân hàng trong 9 tháng đầu năm 2024 là 100.045 tỉ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Có đến 23/28 ngân hàng gia tăng trích lập dự phòng, thậm chí tăng bằng lần, làm sụt giảm lợi nhuận.
Chẳng hạn, Ngân hàng Quốc tế (VIB) tiếp tục duy trì chính sách thận trọng với mức trích lập dự phòng trong 9 tháng khoảng 3.230 tỉ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Còn tại Techcombank, 9 tháng đầu năm chi phí dự phòng ghi nhận 3.964 tỉ đồng, tăng 73,4% so cùng kỳ.
Dù vậy, không phải ngân hàng nào cũng có quỹ dự phòng rủi ro đủ sức bao phủ trên 100% nợ xấu. Khi “bộ đệm rủi ro” cho các ngân hàng mỏng dần, hệ thống ngân hàng dễ bị tổn thương hơn so với vị thế trước đây. Do đó, khi tỉ lệ bao phủ nợ xấu là vấn đề đáng quan ngại thì trong năm 2025 thay vì chỉ nhìn vào thu nhập, giới tài chính đang tư vấn nhà đầu tư nên nhìn vào ngân hàng nào có chất lượng tài sản tốt hơn. Trong thời gian tới, cùng với đà cải thiện của nền kinh tế, thị trường bất động sản ấm lên, tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém được đẩy nhanh hơn, nợ xấu mới được kỳ vọng sẽ giảm một cách thực chất.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>