Lãi suất có sự phân hóa giữa các ngành nghề và doanh nghiệp. Ảnh; TL.
Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tính đến hết tháng 8, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đạt hơn 6,92 triệu tỉ đồng, tăng 6% so với cuối năm 2023. So với cuối tháng 7, lượng tiền gửi của dân cư đến cuối tháng 8 tăng thêm 86.475 tỉ đồng. Trong khi đó, lượng tiền gửi từ các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế tại các ngân hàng đạt hơn 6,8 triệu tỉ đồng, giảm nhẹ so với cuối năm trước.Tổng lượng tiền gửi tiết kiệm của cả dân cư và doanh nghiệp, tổ chức kinh tế đến cuối tháng 8 đạt hơn 13,76 triệu tỉ đồng, là mức cao nhất từ trước đến nay.
Nguồn: NHNN. |
Thống kê sơ bộ của NCĐT cho thấy, mặt bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm 12 tháng đã có sự nhích nhẹ trong thời gian gần đây. Bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng dao động từ 5,1-5,9%/năm đối với những ngân hàng thương mại cổ phần. Trong khi đó, tại các ngân hàng thương mại Nhà nước thì dao động quanh mức 4,6-4,7%/năm.
Trên bình diện thế giới, áp lực lạm phát hạ nhiệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các Ngân hàng Trung ương hạ lãi suất, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, mức độ cắt giảm lãi suất và giá trị của các gói kích thích kinh tế sẽ có sự khác biệt, tùy thuộc vào sức mạnh nội tại và triển vọng của từng quốc gia.
Tại Việt Nam, lãi suất huy động nhích tăng trở lại từ tháng 4, nhằm đảm bảo sức hấp dẫn VND và đảm bảo hài hòa các cân đối vĩ mô. Lãi suất huy động trong tháng 10 chững lại đà tăng, và chỉ tăng nhẹ 1-3 điểm chủ yếu tại kỳ hạn ngắn.
Báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng linh hoạt công cụ thị trường mở, phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và mua kỳ hạn nhằm giảm áp lực tỉ giá và vẫn đảm bảo thanh khoản hệ thống.
Tính đến 11/10/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 8,76% so với cuối năm trước, cho thấy nhu cầu hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần hồi phục tích cực. Chất lượng tín dụng và lãi suất cho vay vẫn được Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát sao. Theo đó, VCBS kỳ vọng mặt bằng lãi suất cho vay được duy trì ở mức thấp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp theo định hướng của Chính phủ. Tuy vậy, vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và doanh nghiệp, cũng như khẩu vị rủi ro giữa các ngân hàng thương mại hiện nay.
“Trong bối cảnh lạm phát trong khả năng kiểm soát, xu hướng tăng của tỷ giá chững lại, chúng tôi cho rằng áp lực tăng lên mặt bằng lãi suất giảm bớt. Hiện nay, chúng tôi nghiêng về kịch bản lãi suất có thể ổn định, và đi ngang trong thời gian tới”, VCBS nhận định.
Ở góc độ quản lý, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, quan điểm của Ngân hàng Nhà nước cũng bám sát vào mục tiêu theo luật định, đó là góp phần kiểm soát lạm phát sẽ góp phần ổn định đồng Việt Nam. Việc điều hành tỉ giá và ngoại hối cũng theo hướng phù hợp với diễn biến linh hoạt của thị trường hiện nay, cho phép được dao động biên độ cộng trừ 5%.
Thống đốc nêu rõ, trong trường hợp tỉ giá có biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu nhập khẩu cho người dân. Đối với việc giảm lãi suất, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước phải cân bằng, thực hiện mục tiêu giảm lãi suất để hỗ trợ cho doanh nghiệp của người dân, nhưng nếu giảm lãi suất quá nhiều sẽ tác động làm tăng tỉ giá, có thể tạo tâm lý không yên tâm của nhà đầu tư nước ngoài nếu tỉ giá không ổn định.
Có thể bạn quan tâm
NHNN: Nếu tỉ giá biến động quá lớn, Ngân hàng Nhà nước sẽ kịp thời can thiệp
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>