Singapore âm thầm vươn lên trong cuộc đua “deep tech” toàn cầu

Tổng giá trị đầu tư vào deep tech tại Singapore vẫn tăng 31% trong năm 2023. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Các khoản đầu tư khủng thúc đẩy Singapore trở thành trung tâm công nghệ sâu và sản xuất tiên tiến tại châu Á.

Ngày 1/10, thành phố Thiên Tân (Trung Quốc) khai trương dịch vụ xe buýt công cộng tự lái đầu tiên, hoạt động trên tuyến dài 20 km, kết nối 10 điểm dừng tại các khu dân cư, trường học, cơ quan chính phủ và địa điểm du lịch. Đáng chú ý, phương tiện này không do công ty nội địa sản xuất mà được phát triển bởi Moovita, một startup đến từ Singapore. Được sáng lập từ cơ quan A*STAR nổi tiếng, Moovita trở thành nhà cung cấp xe tự hành nước ngoài đầu tiên được cấp phép hoạt động tại Trung Quốc.

Ông Derrick Loh, CEO của Moovita, cho biết Trung Quốc là thị trường quan trọng và lớn nhất châu Á đối với các nhà cung cấp xe tự hành, đồng thời thừa nhận rằng đây là sân chơi “khốc liệt” với các đối thủ như Baidu, Pony AI và WeRide.

Moovita là một trong những startup công nghệ sâu tại Singapore và trong hai năm qua đã trở thành một phần không thể thiếu trong hệ sinh thái đầu tư khởi nghiệp của đảo quốc sư tử. Những startup này, thường được gọi là “deep tech”, phát triển dựa trên nghiên cứu khoa học với tiềm năng lớn, đặc biệt trong các lĩnh vực như xe tự hành, chất bán dẫn, robot và dược phẩm. 

Bất chấp giai đoạn “mùa đông” đầu tư kéo dài, tổng giá trị đầu tư vào deep tech tại Singapore vẫn tăng 31% trong năm 2023, chiếm 25% tổng giá trị giao dịch, cao hơn mức trung bình toàn cầu là 20%, theo DealStreetAsia và Enterprise Singapore. Phần lớn các nhà đầu tư đến từ địa phương hoặc Mỹ, nhưng cũng có các nhà đầu tư từ Đài Loan, Nhật Bản, Pháp và Malaysia. Điều này giúp Singapore vươn lên thứ 7 trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu của Startup Genome, trở thành quốc gia có thứ hạng cao nhất ở châu Á.

Các nhà đầu tư nhận định, công nghệ sâu sẽ ngày càng quan trọng khi căng thẳng thương mại Mỹ – Trung leo thang và chuỗi cung ứng toàn cầu thay đổi. Sự thành công của vắc xin mRNA trong đại dịch COVID-19 đã chứng minh tiềm năng của công nghệ này. “Singapore nhận thức được nhu cầu tự chủ trong các lĩnh vực như sản xuất chip. Với vị thế trung lập, những nỗ lực này đang dần đem lại kết quả”, ông Takeshi Ebihara, nhà sáng lập Rebright Partners tại Singapore, cho biết.

Trong thập kỷ qua, Singapore đã trở thành trung tâm khởi nghiệp lớn tại châu Á với 4.500 startup và hơn 400 quỹ đầu tư mạo hiểm. Theo Startup Genome, Singapore có gần 40.000 nhà nghiên cứu, khoa học và kỹ sư, với các yếu tố như nguồn nhân lực chất lượng, vị trí địa lý chiến lược, chính sách thuế ưu đãi và sự hỗ trợ của chính phủ đã giúp thu hút đầu tư.

Đông Nam Á vốn nổi tiếng với công nghệ phục vụ tiêu dùng như thương mại điện tử, gọi xe và thanh toán, nhưng tất cả đều bị ảnh hưởng bởi tình trạng giảm nguồn vốn đầu tư, với tổng vốn đầu tư cổ phần trong khu vực chỉ đạt 2,29 tỉ USD trong nửa đầu năm 2023, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước, mức thấp nhất trong hơn năm năm.

Dù khó khăn, vốn đầu tư vào các startup deep tech vẫn gia tăng. Ông Phạm Quang Cường, CEO của Eureka Robotics, cho biết trong giai đoạn đầu, công ty phải tìm đến quỹ nước ngoài do khó khăn trong việc kêu gọi vốn trong nước. Hiện Eureka Robotics đã có khách hàng lớn như Toyota tại Nhật Bản.

Theo ông Kiran Mysore, Giám đốc quỹ UTEC, các quỹ VC truyền thống đang dần chuyển hướng sang công nghệ sâu vì lĩnh vực này tập trung vào các vấn đề bền vững dài hạn. Ông cho biết: “Biến động lãi suất hay suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến các thách thức xã hội mà các công ty này đang giải quyết.”.

Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), qua tổ chức NTUitive, cánh tay đổi mới và khởi nghiệp của trường, đã phát triển hơn 70 startup, với tổng giá trị 1,27 tỉ SGD vào tháng 3, tăng gần 94 lần so với năm 2013. Ông David Toh, CEO của NTUitive, cho biết các startup công nghệ sâu tạo ra ngành công nghiệp hoàn toàn mới dựa trên khoa học cơ bản, thay vì chỉ giải quyết các vấn đề hiệu quả như những startup Internet.

Dù nổi tiếng là trung tâm tài chính, Singapore cũng có truyền thống sản xuất, chiếm 20% GDP. Quốc gia này đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, hiện chiếm khoảng 10% sản lượng chip toàn cầu.

Năm ngoái, thương vụ đầu tư lớn nhất vào deep tech tại Singapore là 139 triệu USD cho công ty nội địa về bán dẫn Silicon Box, trong vòng huy động vốn trị giá 200 triệu USD. Công ty tập trung vào công nghệ đóng gói chip tiên tiến, với kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất chip trị giá 3,2 tỉ euro (3,45 tỉ USD) tại Ý, sau khi hoàn thành nhà máy trị giá 2 tỉ USD tại Singapore năm trước.

Các quỹ đầu tư lớn cũng đang hướng đến việc hỗ trợ các startup công nghệ sâu từ giai đoạn đầu. Vào tháng 9 năm ngoái, Temasek Holdings, quỹ đầu tư quốc gia của Singapore, đã hợp tác với Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) và Đại học Quốc gia Singapore để đầu tư 75 triệu SGD, nhằm thương mại hóa các dự án nghiên cứu.

Ngày 21/10, Phó Thủ tướng Singapore Heng Swee Keat, Chủ tịch Quỹ Nghiên cứu Quốc gia, thông báo rằng A*STAR sẽ tham gia cùng Temasek và các trường đại học để đẩy nhanh quá trình thương mại hóa công nghệ sâu. Thỏa thuận này là một phần của ngân sách nghiên cứu và phát triển lớn nhất lịch sử Singapore, với cam kết đầu tư 1% GDP mỗi năm cho đến năm 2025, tương đương khoảng 25 tỉ SGD.

“Công nghệ sâu có tiềm năng thay đổi ngành công nghiệp và giải quyết các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và y tế công cộng. Việc hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, đổi mới và doanh nghiệp là yếu tố cần thiết để phát triển lĩnh vực này”, ông Heng cho biết.

Có thể bạn quan tâm:

IMF nâng dự báo tăng trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương

Nguồn Nikkei Asia

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact