3 kịch bản cho Lotus Chat

Có 3 kịch bản dành cho Lotus Chat, từ đối đầu trực tiếp với các đối thủ cho đến tìm cách sáp nhập với một doanh nghiệp mạnh hơn. Ảnh: TL.

 
Trong 3 kịch bản giả định, chỉ có một kịch bản là phù hợp nhất với Lotus Chat.

Giữa tháng 10/2024 VCCorp đã ra mắt ứng dụng nhắn tin Lotus Chat. Công ty nhấn mạnh vào yếu tố bảo mật để phục vụ người dùng và hướng đến cột mốc 1 triệu người sử dụng nhưng không công bố thời gian cụ thể.

VCCorp cũng cho biết khả năng cao sẽ hướng Lotus Chat tới mô hình kinh doanh thu phí người dùng ở Việt Nam, dù rằng tất cả các ứng dụng nhắn tin hiện tại đều miễn phí. Cũng phải nói thêm, VCCorp là đơn vị phát triển mạng xã hội Lotus và sau 5 năm sản phẩm này chưa có điểm nhấn gì trên thị trường.

Giới đầu tư, kinh doanh đang quan tâm nhiều đến khả năng phát triển của Lotus Chat. Sẽ là định kiến khi cho rằng ứng dụng này sẽ khó phát triển nếu dựa trên lịch sử phát triển các sản phẩm mạng xã hội của VCCorp. Tuy nhiên, lại quá lạc quan nếu chỉ dựa vào các yếu tố kỹ thuật mà Công ty tự công bố để tin rằng Lotus Chat sẽ có một tương lai rực rỡ. 

 

2012-2013 là giai đoạn sôi động nhất của các ứng dụng nhắn tin ở Việt Nam với các cái tên như LINE, KakaoTalk, Viber, Zalo, Facebook Messenger tích cực gia tăng sức ảnh hưởng ở thị trường Việt Nam. Tính đến hiện tại, gần như chỉ có Zalo và Facebook độc chiếm thị trường. Báo cáo “Vietnam Consumer Research – A Look at Business Messaging” tháng 9/2024 của Decision Lab cho biết ứng dụng chat được sử dụng gần đây nhất là Facebook Messenger và Zalo với 81% người tham gia khảo sát lựa chọn.

Có 3 kịch bản dành cho Lotus Chat, từ đối đầu trực tiếp với các đối thủ cho đến tìm cách sáp nhập với một doanh nghiệp mạnh hơn.

Kịch bản đầu tiên là tự tạo ra doanh thu. Để xác định khả năng này, cần nhìn vào mô hình kinh doanh của 2 đối thủ lớn nhất của Lotus Chat hiện nay là Facebook Messenger và Zalo. Với Facebook, doanh thu lớn nhất của đơn vị này là từ quảng cáo và Messenger sau hơn 10 năm chỉ đem về 1 tỉ USD doanh thu (theo Financial Times) nên chỉ đóng vai trò là công cụ dùng để giữ chân người dùng, chăm sóc khách hàng. 

 

Zalo cũng đang có tính năng tương tự, thậm chí triển khai trước cả Messenger với dịch vụ Zalo Notification Service – ZNS (dịch vụ thông báo từ Zalo). Dù lãnh đạo VNG cho biết Zalo đã có doanh thu, nhưng đóng góp của đơn vị này cho đến nay vẫn chưa được liệt kê trong báo cáo tài chính hằng năm của VNG. Chính vì thế, dù cả 2 đều đang sở hữu hàng trăm triệu người dùng nhưng chưa bao giờ được coi là công cụ đem lại doanh thu chính cho công ty mẹ. 

Một trường hợp kiếm tiền từ người dùng không qua quảng cáo là Telegram, nhưng theo Financial Times, năm 2023 đơn vị này tạo ra doanh thu 342 triệu USD, với 850 triệu người dùng, tức là mỗi người sử dụng đang đóng góp 40 cent cho Telegram. Ông Pavel Durov, nhà sáng lập Telegram, chia sẻ chi phí trung bình Công ty chi ra cho mỗi người sử dụng là 70 cent, tức Công ty đang bù lỗ 30 cent/người sử dụng.

Lotus Chat với 1 triệu người dùng dự kiến, muốn tạo ra doanh thu từ thu phí chắc chắn sẽ cần thời gian và nguồn lực lớn để “giáo dục” lại thị trường.

Kịch bản thứ 2 là gọi vốn. Các quỹ đầu tư luôn có ý định đầu tư vào những sản phẩm công nghệ mới, có ích cho cộng đồng và thực tế đã có hàng trăm triệu USD đổ vào các công ty thương mại điện tử và fintech (công nghệ tài chính) ở Việt Nam. Tuy nhiên, thời điểm những công ty này nhận được vốn là lúc các thị trường mà họ đang tham gia chưa hình thành các đơn vị thống trị thị trường. Còn với thị trường ứng dụng nhắn tin hiện tại lại khác khi đã xác định thị phần. Nói cách khác, gọi vốn đối với Lotus Chat là việc rất không dễ dàng ở thời điểm này. 

Nếu 2 kịch bản trên đều khó cho Lotus Chat thì vẫn còn kịch bản thứ 3 là bán lại cho một doanh nghiệp lớn hơn. Một thương vụ như vậy không xa lạ với các công ty trong ngành này, như Meta chi 14 tỉ USD mua WhatsApp hay Rakuten (Nhật) chi 900 triệu USD mua lại Viber.

Ở kịch bản này, Lotus Chat thậm chí còn có lợi thế rất lớn nhờ vào yếu tố “thuần Việt”. Yếu tố này được thể hiện qua 3 cấp độ. Cấp độ thứ nhất là đội ngũ phát triển ở Việt Nam, hiểu thị trường để phát triển các tính năng tạo điểm nhấn cho sản phẩm. Cấp độ 2 là vì phát triển ở Việt Nam nên dữ liệu đều được đặt ở Việt Nam phù hợp với Nghị định 53. Cấp độ 3 là chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia nên sẽ hạn chế các rắc rối phục vụ việc mua bán – sáp nhập.

Cấp độ thuần Việt càng cao, Lotus Chat càng phù hợp với các hoạt động mà dữ liệu người sử dụng được quan tâm hoặc đòi hỏi tính bảo mật. Không chỉ doanh nghiệp mà cơ quan nhà nước cũng cần đến Lotus Chat.

Cả 3 kịch bản trên chỉ là giả định vì thông tin VCCorp công bố ra thị trường về Lotus Chat rất hạn chế nhưng nhìn chung, việc Lotus Chat ra mắt trong bối cảnh hiện nay chỉ có 2 lý do: sự “ngây thơ” của những người đam mê công nghệ hoặc những người tạo ra nó đã biết quá rõ nơi ứng dụng này sẽ thuộc về.

Có thể bạn quan tâm 

Các công ty công nghệ dần được AI “đền đáp”

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact