Áp lực lạm phát trong thời gian tới, nếu có, chỉ xuất hiện vào cuối năm do nhu cầu mua sắm chuẩn bị nghỉ lễ. Ảnh: PV.
Sự trở lại mạnh mẽ của khu vực sản xuất, cùng đà tăng trưởng của khu vực dịch vụ, đã đưa GDP quý III/2024 của Việt Nam tăng trưởng 7,40% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số tăng trưởng ấn tượng, trong bối cảnh các tỉnh thành phố miền bắc chịu thiệt hại bởi bão Yagi trong tháng 9.
“Chúng tôi cho rằng bão Yagi có khả năng tác động tiêu cực đến các ngành nông nghiệp, thủy sản, và cơ sở hạ tầng tại các khu vực bị ảnh hưởng. Các hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực này sẽ bị gián đoạn, dẫn đến sự giảm sút sản lượng và chi phí sửa chữa, khôi phục tăng cao. Tuy nhiên, ảnh hưởng này có thể được bù đắp bởi sự phục hồi mạnh mẽ hơn kỳ vọng trong khu vực sản xuất và dịch vụ”, Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định.
Nguồn: VCBS. |
Đặc biệt khi gần đây, Việt Nam đã chứng kiến sự gia tăng trong các đơn đặt hàng quốc tế và xuất khẩu. Giải ngân đầu tư công tập trung vào các dự án hiệu quả, cùng các biện pháp của Chính phủ nhằm thúc đẩy tiêu dùng, và các gói hỗ trợ cho doanh nghiệp, sẽ tiếp tục là động lực thúc đẩy kinh tế trong quý cuối của năm. Do đó, trong báo cáo vĩ mô tháng 10, VCBS cho biết họ giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% – 6,9% cho năm 2024.
Về tình hình lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2024 tăng 0,29% so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,88% so với cùng kỳ năm trước. Giá lương thực, thực phẩm tăng cao tại các tỉnh/thành phố bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão và hoàn lưu bão; một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình là những nguyên nhân chính làm tăng CPI tháng 9/2024. Giá lương thực, thực phẩm; đồng thời, giá điện được điều chỉnh tăng có thể kéo theo áp lực lên lạm phát trong tháng tới.
“Chúng tôi duy trì quan điểm đỉnh lạm phát năm nay nhiều khả năng đã xuất hiện vào quý II. Áp lực lạm phát trong thời gian tới, nếu có, chỉ xuất hiện vào cuối năm do nhu cầu mua sắm chuẩn bị nghỉ lễ. Lạm phát hoàn toàn nằm trong mục tiêu Chính phủ đề ra, và là cơ sở, dư địa để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng hài hòa các công cụ trong thời gian tới”, VCBS nhận định.
Ở góc độ quản lý, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương trên cơ sở chức năng, quyền hạn tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực. Đồng thời, rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các chỉ tiêu của năm 2024, từ đó tập trung với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, phấn đấu đạt và vượt toàn bộ 15 chỉ tiêu chủ yếu. Giữ đà, giữ nhịp phát triển, thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm các cân đối lớn; phấn đấu tốc độ tăng GDP cả năm đạt trên 7%, kiểm soát lạm phát dưới 4,5%; tăng trưởng tín dụng khoảng 15%; thu ngân sách Nhà nước tăng ít nhất trên 10%; tỉ lệ giải ngân đầu tư công tối thiểu 95% kế hoạch.
Có thể bạn quan tâm
Số dư tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán tiếp tục giảm
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>