Game khó của VNG

Tại Việt Nam, VNG đang bị cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác như Garena của Sea (Singapore). Ảnh: TL.

 
VNG liệu còn lực để theo đuổi mục tiêu vươn ra thị trường Đông Nam Á sau loạt sự cố trong thời gian qua?

Khuya ngày 6/9, VNG phát đi thông báo ông Kelly Wong sẽ tạm thời giữ chức Tổng Giám đốc VNG kiêm Giám đốc Điều hành VNGGames.

Chờ thời cơ

Trước khi việc thay đổi nhân sự cấp cao diễn ra, trong cuộc họp Đại hội cổ đông hồi tháng 6, các lãnh đạo VNG cho biết vẫn chưa từ bỏ mục tiêu IPO ở nước ngoài và đang chuẩn bị để hiện thực hóa mục tiêu này. Mọi việc bắt đầu vào tháng 8/2023, VNG đã thu hút sự chú ý của cộng đồng kinh doanh trong nước khi nộp hồ sơ đăng ký theo mẫu F-1 lên Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ (SEC). Tuy nhiên, chỉ chưa tới 6 tháng sau, VNG cho biết tạm ngừng kế hoạch này. Cho đến nay, lý do cụ thể vẫn chưa được Công ty công bố. Các nguồn tin chưa kiểm chứng cho rằng việc tạm dừng niêm yết đến từ định giá của VNG không tốt như ban lãnh đạo mong đợi. 

Cơ sở của thông tin này đến từ việc quá nhiều sản phẩm tiềm năng do VNG sở hữu không có đóng góp vào kết quả kinh doanh rõ rệt. Mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến VNGGames vẫn là bệ đỡ chính nhưng cũng đang chịu sự cạnh tranh nhất định.

 

Cụ thể, dù Zalo có lượng người sử dụng lớn nhất Việt Nam, ZaloPay đứng thứ 2 về người sử dụng thanh toán trực tuyến và mảng điện toán đám mây được kỳ vọng trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới nền kinh tế số nhưng cho đến nay chưa có đóng góp vào doanh thu nào từ 3 mảng này được ghi nhận trong báo cáo tài chính. Doanh thu mảng kinh doanh trò chơi trực tuyến đến từ việc phát hành và trò chơi tự phát triển. Trong đó, ông Wong cho biết doanh thu phát hành là nguồn thu lớn nhất chiếm 85% tổng doanh thu và 59% đến từ thị trường trong nước. 

Tại Việt Nam, VNG đang bị cạnh tranh từ các doanh nghiệp khác như Garena của Sea (Singapore). Thứ đến là xu hướng chơi game của người tiêu dùng cũng đã thay đổi. Trước đây, các thể loại game nhập vai trực tuyến, dòng sản phẩm đẻ ra tiền chính của các công ty game Việt Nam, thống trị bảng xếp hạng người chơi thì từ năm 2018, sự xuất hiện của các dòng game eSports (game thể thao điện tử) đã thay đổi thói quen này.

Quan trọng hơn, nếu như tỉ lệ người chơi trả tiền trên tổng số người chơi game nhập vai là khoảng 6-8%/tháng với giá trị mỗi lần nạp tiền dao động từ 30-50 USD (760.000 đồng đến hơn 1,2 triệu đồng/tháng), thì con số này ở eSports chỉ có 2-3%/tháng và tối đa 10 USD/lần nạp (hơn 250.000 đồng/tháng). Đồng nghĩa các nhà phát hành sẽ tốn thời gian thu hồi vốn hơn, 1,5 năm đến 2 năm, gấp 3 lần so với game nhập vai.

Chính vì thế, nếu vẫn kiên định với mục tiêu niêm yết ở Mỹ với thực lực hiện tại, VNG chỉ là công ty phân phối và phát triển game với phần lớn nguồn thu vẫn đang phụ thuộc vào thị trường nội địa 100 triệu dân nhưng nhiều lực cản, chưa đủ chất liệu để vẽ lên một câu chuyện thu hút các nhà đầu tư của Mỹ.

 

Kết nối các mảnh ghép

Đến đây, có thể hiểu được VNG phải vượt qua những hạn chế nào để tiếp tục mục tiêu IPO ở nước ngoài. Nhìn chung, trong 3 năm tới VNGGames vẫn sẽ đóng góp lớn nhất vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty và mở rộng phạm vi hoạt động là điều đang được tập trung.

Trong bối cảnh đó, thị trường Đông Nam Á là đích đến khó có thể bỏ qua, với dân số hơn 693 triệu người, độ tuổi trung bình là 30 (số liệu Liên Hiệp Quốc năm 2024). Còn theo báo cáo từ Newzoo, quy mô thị trường game di động trực tuyến ở khu vực Đông Nam Á và Đài Loan đạt 9,9 tỉ USD vào năm 2025. Do đó, trong kế hoạch trở thành công ty game toàn cầu của VNG, được định nghĩa rõ qua việc doanh thu từ thị trường nước ngoài (trước mắt là Đông Nam Á) phải chiếm hơn 50% cơ cấu doanh thu từ mảng game hiện tại. 

Ông Wong cho biết Công ty đã có văn phòng ở các quốc gia Đông Nam Á để tìm hiểu kỹ hơn thói quen người chơi của từng thị trường, từ đó tăng tỉ lệ phát hành game thành công. “Mặc dù việc mở văn phòng làm tăng chi phí vận hành nhưng chúng tôi đã thấy lợi ích rõ rệt từ các khoản đầu tư này”, ông Wong nói.

Song song với việc củng cố mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chính, VNG cũng tiến hành tối ưu chi phí mảng đang bù lỗ là ZaloPay. Ảnh: TL.
Song song với việc củng cố mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chính, VNG cũng tiến hành tối ưu chi phí mảng đang bù lỗ là ZaloPay. Ảnh: TL.

Tuy nhiên, kinh doanh game không chỉ dựa vào văn phòng vật lý, nó là ngành phân phối trực tuyến, dựa trên hệ thống máy chủ. Đây là khoản đầu tư đắt đỏ và cần kinh nghiệm để vận hành đa quốc gia. Chính vì thế, VNG công bố liên doanh với ST Telemedia Global Data Centres (STT GDC) của Singapore, một doanh nghiệp cung cấp hạ tầng máy chủ có sẵn hạ tầng ở các quốc gia mà VNG đang đặt mục tiêu mở rộng. 

Để bổ sung thêm danh mục sản phẩm phát hành ở Đông Nam Á, gần đây nhất Công ty cũng thành lập liên doanh với NCSoft (Hàn Quốc), đơn vị có nhiều kinh nghiệm và nhiều tựa game nhập vai trực tuyến thành công. Phần lớn doanh thu của liên doanh này sẽ thuộc về NCSoft nhưng việc củng cố vị thế nhà phát hành game của VNGGames ở Đông Nam Á quan trọng hơn. “Chúng tôi hiểu rằng trở thành 1 trong 4 nhà phát hành game di động ở Đông Nam Á là mục tiêu đầy tham vọng. Với vị thế vững chắc ở Việt Nam, VNGGames đặt mục tiêu chiếm thị phần đáng kể ở thị trường Đông Nam Á”, ông Wong nói.

Trong khi đó, ở thị trường Việt Nam, để tiếp tục giữ vị thế dẫn đầu, sau hợp tác với Riot Games phân phối tựa game eSports “Liên minh Huyền thoại”, Công ty mới đây hợp tác với Roblox phân phối tựa game cùng tên ở Việt Nam. Roblox là dòng game sandbox (cho phép người chơi xây dựng thế giới trò chơi riêng và kêu gọi người chơi khác tham gia), năm 2023 doanh thu tựa game này đạt gần 2 tỉ USD (hơn 50.000 tỉ đồng). 

 

Có thể hiểu Roblox là nơi cung cấp công cụ cho các nhà phát triển game, đồng thời là nền tảng phân phối các game của họ. Nguồn thu của Công ty đến từ việc người dùng mua các game hoặc vật phẩm trong game trên nền tảng Roblox bằng đơn vị tiền tệ do Công ty phát hành có tên Robux. Thông qua hợp tác trên, VNG sẽ phân phối game Roblox đến người dùng Việt Nam và thu hộ doanh thu phát sinh từ việc mua sắm của người chơi. Tỉ lệ chia sẻ giữa VNG và Roblox vẫn chưa được công bố.

Song song với việc củng cố mảng đem lại doanh thu và lợi nhuận chính, VNG cũng tiến hành tối ưu chi phí mảng đang bù lỗ là ZaloPay. Năm 2023, Công ty công bố mức lỗ hoạt động kinh doanh ZaloPay giảm 42% trong khi doanh thu tăng trưởng 40%. Trong một cuộc trao đổi gần đây với NCĐT, bà Lê Lan Chi, Tổng Giám đốc ZaloPay, cho biết đơn vị không phụ thuộc vào các chương trình khuyến mãi để tăng trưởng người sử dụng.

VNGGames cũng áp dụng và đầu tư trí tuệ nhân tạo (A.I) nội bộ thiết kế riêng cho lĩnh vực phát hành và phát triển game trong 18 tháng. Dù đã có những thay đổi tích cực như năng suất làm việc cải thiện, giảm thời gian ra quyết định nhờ cơ chế tự động hóa, ông Wong cho biết còn quá sớm để ghi nhận cụ thể việc giảm chi phí khi ứng dụng A.I. 

Nhìn chung, các hoạt động đầu tư của VNG trong thời gian qua dù diễn ra rời rạc nhưng đóng vai trò cần thiết trong chiến lược phát triển của Công ty trong dài hạn. Theo báo cáo tài chính vừa công bố của VNG, nửa đầu năm 2024, doanh thu thuần của Công ty đạt 4.314 tỉ đồng; lợi nhuận gộp từ bán hàng và dịch vụ đạt 1.511 tỉ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh sau điều chỉnh là 400 triệu đồng.

Trước mắt, trong ngắn hạn doanh nghiệp này đặt mục tiêu đạt doanh thu hơn 11.000 tỉ đồng trong năm 2024 và bắt đầu có lãi trở lại với lãi sau thuế 195 tỉ đồng. Và theo thông tin từ ban lãnh đạo VNG, 3 năm là khoảng thời gian để họ biết rằng các chiến lược thực hiện trong năm nay đi đến đâu. 

Có thể bạn quan tâm 

Góc nhìn lãi suất những tháng cuối năm

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact