Ngành F&B dễ hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu, do bị phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Ảnh: T.L
The Coffee House, hiện tượng chuỗi cà phê nổi lên cách đây 5 năm vì tốc độ mở chuỗi, mới đây bắt đầu thu hẹp quy mô, từ hơn 200 cửa hàng toàn quốc trở về mức 115 cửa hàng tính đến hết tháng 8/2024.
Lực đẩy của dòng vốn mới
Chưa có một lý do cụ thể cho việc thu hẹp này nhưng nhiều ý kiến cho rằng do kinh tế khó khăn nên việc thu hẹp là điều khó tránh khỏi. Điển hình như báo cáo 6 tháng đầu năm 2024 ngành F&B của iPOS.vn cho thấy có ít nhất 30.000 cửa hàng đóng cửa và tần suất đi cà phê đang giảm dần vì khách hàng có xu hướng tiết kiệm.
Nhưng nếu dùng lập luận này sẽ không giải thích được vì sao vẫn có các chuỗi cà phê được rót vốn trong thời gian qua. Chẳng hạn như Phúc Sinh, đơn vị vận hành 50 chuỗi cửa hàng K Coffee, vừa huy động được 25 triệu USD đầu tư từ Hà Lan hay Every Half cũng công bố hoàn thành vòng hạt giống từ Openspace Ventures và DSG Consumer Partners. Trước đó, chuỗi cà phê ứng dụng công nghệ Révi Coffee & Tea cũng gọi vốn thành công vòng hạt giống từ Quỹ TNB Aura (Singapore), Touchstone Partners và AiViet Venture. Lưu ý, dù xu hướng cà phê ứng dụng công nghệ mới được nhắc đến nhiều ở Việt Nam nhưng ở khu vực các startup theo hướng này là tâm điểm. Có thể kể đến những cái tên như Flash Coffee (Singapore) huy động 50 triệu USD năm 2023 và Kopi Kenangan (Indonesia) huy động hơn 90 triệu USD vào năm 2022.
Vì thế, giả thiết dòng vốn đã chuyển hướng sẽ phù hợp hơn trong bối cảnh hiện nay. Theo đó, khi nguồn vốn giá rẻ dẫn dắt thị trường, các chuỗi cà phê có thể huy động bằng cách gọi vốn hoặc bán nhượng quyền thông qua việc liên tục mở rộng. Nay điều đó không còn nữa, họ buộc phải đổi hướng tiếp cận hoặc huy động từ dòng vốn xanh hoặc đầu tư công nghệ, tối ưu mô hình kinh doanh để huy động vốn/bán nhượng quyền nhằm tiếp sức cho cuộc đua trong thời gian tới.
Giả thiết này có cơ sở vì dù có hàng chục ngàn cửa hàng đã đóng cửa trong 6 tháng đầu năm, nhưng tổng giá trị doanh thu ngành F&B là 403.900 tỉ đồng, đạt 68,46% doanh thu của năm 2023. Sau thời gian khủng hoảng vì dịch bệnh COVID-19, các cửa hàng F&B trong thời gian vừa qua đã tích cực đưa ra nhiều chương trình khuyến mãi để kích cầu, từ đó khách hàng ra quyết định mua hàng nhiều hơn.
Theo báo cáo của Vietdata, thị trường F&B Việt Nam nói chung và thị trường quán cà phê nói riêng đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2023. Đến cuối năm 2023, thị trường ăn uống tại chỗ ước đạt 21,6 tỉ USD, tăng 11% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu thị trường quán cà phê ước đạt 1,46 tỉ USD, tăng 13%.
Những con số này cho thấy các cửa hàng đóng cửa là do sức ép từ hoạt động hiệu quả hoặc yêu cầu trường vốn hơn. Việc cạnh tranh theo chiều ngang (đua mở rộng số lượng và quy mô cửa hàng) sẽ đi cùng cạnh tranh chiều dọc (cạnh tranh bằng ý tưởng, công nghệ…).
Thay đổi diện mạo của chuỗi
Trao đổi với NCĐT, ông Đỗ Duy Thanh, sáng lập và Giám đốc Công ty Tư vấn FnB Director, cho biết với dòng vốn xanh bền vững, doanh nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện vào năm 2020, chậm hơn trung bình 5 năm so với các nước trong khu vực nên xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra trong nhiều lĩnh vực không chỉ riêng ngành chuỗi cà phê.
Ngành F&B dễ hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu, do bị phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. Điều này đang thúc đẩy cộng đồng F&B hướng hoạt động sản xuất và kinh doanh theo chiến lược bền vững… Đặc biệt là Cẩm nang ẩm thực Michelin gần đây giới thiệu 6 cách thưởng thức cà phê đặc trưng của Việt Nam vừa truyền thống vừa hiện đại, được xem sẽ là động lực cho nhiều chuỗi cà phê trong nước tiếp cận nguồn vốn ESG để phục vụ tập khách hàng nước ngoài.
“Theo quan điểm của chúng tôi, xu hướng tiếp cận dòng vốn này ở Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng đến năm 2030, ổn định vào năm 2040”, ông Thanh nhận định. Với chuỗi cà phê ứng dụng công nghệ sẽ khó dự đoán hơn dù rằng một trong những doanh nghiệp có tiếng trong lĩnh vực này ở Trung Quốc là Cotti đã tham gia thị trường Việt Nam.
Các chuỗi cà phê ứng dụng công nghệ (tự động hóa quy trình pha chế, dùng phần mềm quản lý, kết nối khách hàng qua ứng dụng) định hình bởi Cotti, Luckin và Starbucks là mô hình bán mang đi, rất khác với hành vi sử dụng cà phê của khách hàng Việt Nam.
Thứ đến là khẩu vị, do tự động hóa quy trình nên khẩu vị sẽ theo chuẩn toàn cầu của các hãng trong khi người Việt Nam đã quen với khẩu vị pha phin hoặc pha máy kiểu Việt. Không nhiều doanh nghiệp sẵn sàng điều chỉnh khẩu vị chỉ vì một thị trường.
Ngành F&B dễ hứng chịu các tác động của biến đổi khí hậu, do bị phá vỡ chuỗi cung ứng, giảm nguồn cung nguyên liệu. |
Một điều nữa khiến xu hướng này khó dự đoán là các chuỗi cà phê ứng dụng công nghệ chịu sự cạnh tranh đến từ những ứng dụng gọi thức ăn như Grab, ShopeeFood hay Be vì tự vận hành sẽ tốn chi phí hơn rất nhiều và khách hàng thường tìm đến các ứng dụng cho họ đa dạng sự lựa chọn. “Trên thực tế, nhiều chuỗi cà phê có quy mô từ 50 cửa hàng trở lên ở Việt Nam đã ứng dụng công nghệ để vận hành khá sâu nhưng đến nay công nghệ vẫn chưa phải là yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư”, ông Thanh nói.
Nhìn chung, chuỗi cà phê ở Việt Nam đang có 3 phân khúc. Một là chất lượng cao đi kèm trải nghiệm không gian và dịch vụ phân khúc này giá trung bình 50.000 đồng/ly. Hai là cà phê văn phòng máy lạnh với giá trung bình từ 30.000-45.000 đồng/ly. Cuối cùng là phân khúc tiện lợi chủ yếu giao hàng và mang đi có giá trung bình 17.000-30.000 đồng/ly.
Nhóm chuỗi cà phê gọi vốn xanh sẽ phân bố đều như Every Half đi vào phân khúc số 1. K Coffee của Phúc Sinh sẽ tiếp tục phục vụ nhóm phân khúc số 3. Ngược lại, nhóm ứng dụng công nghệ để huy động vốn thông qua đầu tư/bán nhượng quyền sẽ tạo ra một cuộc cạnh tranh mạnh ở phân khúc số 3. Theo đó, các chuỗi cà phê công nghệ sẽ định giá cao nhưng việc định giá này nhằm mục đích triển khai các chương trình ưu đãi, miễn phí giao hàng để thay đổi thói quen sử dụng của khách hàng.
Dự đoán trong thời gian tới, những đơn vị có từ 50 chi nhánh trở lên, nhất là nhóm đa quốc gia hoặc là một thành viên của các công ty trên sàn sẽ gặp nhiều thách thức hơn khi vừa phát triển công nghệ tự thân vừa cân đối việc hợp tác với các nền tảng giao thức ăn, đồng thời tiếp cận dòng vốn ESG để tiếp tục củng cố lợi thế về quy mô. Trong khi đó, đối với những chuỗi cà phê có dưới 50 chi nhánh nên tập trung vào việc kết nối với các nền tảng giao thức ăn, đầu tư trang thiết bị tự động quy trình sản xuất.
“Khi thị trường quá rủi ro, hãy nghĩ tới khả năng tiếp cận khách hàng đầu tiên vì trong ngành F&B tần suất mới là quan trọng”, ông Thanh nhận định.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>