Vấn đề thiếu hụt nhân lực đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng A.I tạo sinh. Ảnh: TL.
Với sự phát triển dự kiến sẽ tạo ra những thay đổi lớn trong xã hội của trí tuệ nhân tạo (A.I), ngành công nghiệp anime của Nhật Bản đang mở rộng khả năng ứng dụng A.I để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng, mặc dù vẫn còn nhiều lo ngại về việc bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo.
K&K Design, có trụ sở tại Nagoya, đã áp dụng công nghệ A.I vào quy trình làm việc từ năm ngoái, nhằm hỗ trợ trong việc vẽ và tô màu bối cảnh. Theo đại diện công ty, công việc này trước đây mất đến một tuần để hoàn thành, nhưng giờ đây chỉ cần mất năm phút.
“Chúng tôi quyết định ứng dụng A.I để cải thiện môi trường làm việc trong khi vẫn duy trì chất lượng sản xuất”, ông Hiroshi Kawakami, Giám đốc K&K Design, cho biết.
Sự phát triển của dịch vụ phát trực tuyến anime trên internet yêu cầu tiêu chuẩn cao về cả tốc độ sản xuất lẫn chất lượng. Trong khi đó, vấn đề thiếu hụt nhân lực trong ngành cũng đang tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng A.I tạo sinh.
Theo Hiệp hội ngành công nghiệp anime Nhật Bản, thị trường anime của nước này, bao gồm cả nhu cầu từ nước ngoài, đã đạt 2,9 nghìn tỉ yên (19,7 tỉ USD) vào năm 2022, tăng 7% so với năm trước.
Tuy nhiên, thị trường này đang phải đối mặt với vấn đề lương thấp và giờ làm việc kéo dài. Theo một khảo sát của Hiệp hội Văn hóa Anime & Phim Nhật Bản, 38% người làm việc trong ngành này cho biết thu nhập hàng tháng của họ từ công việc liên quan đến anime dưới 200.000 yên. Thời gian làm việc trung bình hàng tháng là 219 giờ, gấp 1,3 lần so với lực lượng lao động chung của Nhật Bản.
Việc chuyển giao một phần công việc cho A.I có thể giúp con người tập trung vào việc lập kế hoạch và thiết kế nhân vật. Năng suất cao hơn có thể cải thiện điều kiện làm việc và đẩy mạnh xuất khẩu các tác phẩm anime ra nước ngoài.
Ngoài ra, A.I cũng có thể đảm nhận việc dịch thuật, một trụ cột quan trọng trong kinh doanh quốc tế. Startup Orange đã phát triển công nghệ giúp tăng tốc độ dịch manga lên gấp 10 lần so với hiện tại và đã nhận được vốn đầu tư mạo hiểm từ một quỹ liên kết với Tập đoàn Đầu tư Nhật Bản. Giới chuyên gia nhận định, một dự án như vậy sẽ giúp tăng cao khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp Nhật Bản.
Trong số khoảng 700.000 tác phẩm manga ước tính có ở Nhật Bản, chỉ có 14.000 tác phẩm đã được dịch sang tiếng Anh. Orange hiện đang xem xét mở rộng thị trường sang các quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha và Ấn Độ, nơi có lượng độc giả tiềm năng lớn.
Công ty sản xuất webtoon En-dolphin cũng đang phát triển một dịch vụ A.I có khả năng tái tạo các minh họa bằng cách học từ các tác phẩm manga trước đây của các nghệ sĩ. Chỉ cần cung cấp kịch bản hoặc phác thảo sơ bộ, hệ thống này có thể tạo ra tác phẩm với phong cách và bố cục tương tự như của nghệ sĩ gốc.
Chính phủ Nhật Bản cũng đang khuyến khích sử dụng A.I trong ngành công nghiệp nội dung. Tháng 7 vừa qua, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp đã công bố hướng dẫn cho các công ty anime và game, trong đó có ví dụ về việc triển khai A.I. Hướng dẫn này cho rằng A.I có thể góp phần vào sự sáng tạo trong nhiều khía cạnh của sản xuất nội dung. Trong tương lai, chính phủ cũng sẽ xem xét việc cung cấp trợ cấp và hỗ trợ khác cho các công ty sử dụng A.I, với hy vọng rằng công nghệ này có thể giúp giải quyết vấn đề thiếu nhân lực trong ngành.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của A.I cũng đi kèm với những rủi ro. Một trong số đó là lo ngại rằng các tác phẩm của Nhật Bản có thể bị tích hợp vào các mô hình A.I ở nước ngoài mà không có sự cho phép, dẫn đến việc sao chép rộng rãi. Một cuộc kêu gọi ban hành luật bảo vệ quyền lợi của các nhà sáng tạo, được tổ chức bởi một nhóm họa sĩ minh họa Nhật Bản vào năm ngoái, đã thu thập được hơn 10.000 chữ ký.
Có thể bạn quan tâm:
Du lịch châu Á bùng nổ sau đại dịch
Nguồn Nikkei Asia
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>