Lãi suất cho vay dự báo vẫn tiếp tục ở mức thấp

Trong kịch bản cơ sở, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại cho đến hết năm 2024. Ảnh: NCĐT.

 
Mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung được kỳ vọng đi ngang, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và nhóm doanh nghiệp.

Lãi suất huy động đã giảm đầu năm và mới phục hồi lại từ tháng 4 với mức thay đổi bình quân2 là 0,45-0,70 điểm % so với cuối quý I. Trong tháng 7, lãi suất huy động nhích tăng 5-15 điểm tại các kỳ hạn dưới 6 tháng.  

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lãi suất huy động sẽ tiếp diễn xu hướng tăng trong thời gian tới, nhằm đảm bảo sức hấp dẫn nắm giữ VND; tuy nhiên, mức tăng không quá 70-100 điểm trong cả năm 2024 khi niềm tin tiêu dùng đang dần hồi phục, và chưa tạo ra cuộc đua lãi suất giữa các ngân hàng thương mại. Mặt bằng lãi suất cho vay nhìn chung được kỳ vọng đi ngang, tuy nhiên vẫn có sự phân hóa giữa các ngành nghề và nhóm doanh nghiệp.  

 

“Chúng tôi hiện nay chưa quan sát thấy áp lực lớn từ lạm phát, đặt trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng không tăng đột biến và một số mặt hàng vẫn được định hướng điều tiết và điều chỉnh hợp lý. Nhìn chung lạm phát vẫn nằm trong mục tiêu Chính phủ đề ra, và là cơ sở để Ngân hàng Nhà nước tiếp tục sử dụng hài hòa công cụ tỉ giá, lãi suất trong thời gian tới”, VCBS nhận định.  

Lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường liên ngân hàng trong 1 tháng trở lại đây cũng duy trì ổn định ở mức cao khoảng 4,6%/năm. Đồng thời, lãi suất tín phiếu Ngân hàng Nhà nước và cho vay cầm cố trên thị trường mở đều là 4,5%/năm, tương đương với lãi suất tái cấp vốn từ cuối tháng 6 đến nay.  

 

Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), việc hút tiền qua thị trường mở và bán ngoại tệ trong nửa đầu năm một mặt giúp lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức cao, mặt khác, hoạt động này có thể khiến cho thanh khoản tiền đồng trở nên khó khăn trong thời gian tới, nhất là trong bối cảnh cung tiền M2 tăng chậm nhưng tín dụng đang tăng tốc nhanh trở lại. 

Trong kịch bản cơ sở, Ngân hàng Nhà nước có thể duy trì mặt bằng lãi suất điều hành hiện tại cho đến hết năm 2024. Một trường hợp khó khăn hơn là nếu áp lực đối với tỉ giá tăng cường trong cuối quý III – đầu quý IV và điều kiện thanh khoản hệ thống trở nên eo hẹp, VDSC cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng lãi suất điều hành thêm 25-50 điểm cơ bản. 

 

Hiện tại, lãi suất huy động kỳ hạn 9-12 tháng bình quân đã trở lại mức cuối năm ngoái, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn hơn chỉ còn thấp hơn 0,15-0,3 điểm % so với cuối năm 2023. Lập luận về vấn đề thanh khoản dẫn đến kỳ vọng lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ và kết thúc năm 2024 cao hơn mức đầu năm bình quân khoảng 0,5-1,0 điểm %. 

Đối với lãi suất cho vay, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy lãi suất cho vay bình quân giảm khoảng 0,96 điểm % trong 6 tháng đầu năm 2024, nhanh hơn tốc độ giảm của lãi suất huy động.  

“Sự thay đổi từ lãi suất huy động sang lãi suất cho vay luôn có độ trễ, do đó, chúng tôi cho rằng việc lãi suất huy động tăng trở lại có thể sẽ chưa ảnh hưởng quá nhiều đến đà giảm của lãi suất cho vay, ít nhất là cho đến cuối năm 2024”, VDSC nhận định.  

Có thể bạn quan tâm 

32.094 tỉ đồng trái phiếu được doanh nghiệp mua lại trước hạn

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact