Thanh khoản thị trường mất hút do đâu?

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam. Ảnh: TL.

 
Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa khép lại tháng 7 với mức tăng nhẹ hơn 6 điểm của VN-Index.

Tháng 7 thị trường chứng khoán diễn biến trong biên độ khá lớn, có những thời điểm VN-Index tưởng chừng đã vượt mốc 1.300 điểm. Tuy nhiên, với áp lực bán tăng cao khi gần kháng cự, chỉ số tiếp tục chứng kiến sự điều chỉnh. Mức điểm cao nhất mà VN-Index đạt được trong tháng 7 là hơn 1.297 điểm, trước khi kết thúc tháng 7 ở mốc 1.251 điểm, tăng nhẹ 6 điểm so với hồi đầu tháng.  

Điểm đáng chú ý là thanh khoản trên thị trường xuống thấp, chỉ còn khoảng 15.600 tỉ đồng giao dịch ở sàn HOSE (bình quân trong tháng 7), giảm mạnh so với những phiên giao dịch tỉ USD trước đó.  

Chia sẻ với NCĐT về đà bán ròng của khối ngoại, ông Lê Văn Hà, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng có 3 lý do chính khiến thanh khoản thị trường suy giảm trong những phiên gần đây.  

 

Đầu tiên là đà bán ròng của khối ngoại. Lũy kế từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng khoảng 56.500 tỉ đồng trên sàn HOSE. Theo ông Hà, việc bán ròng của khối ngoại trong thời gian qua đến từ việc các quỹ rút vốn và việc giải thể quỹ ETF Frontier của Blackrock iShares. Cùng với đó, việc thị trường chứng khoán Việt Nam chưa được nâng hạng, đi kèm với áp lực tỉ giá cũng là những lý do khiến khối ngoại duy trì đà bán ròng. Chưa kể, dòng tiền của nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng tìm đến những thị trường chứng khoán khác có sức hấp dẫn hơn.  

“Sau khi khối ngoại bán ròng thì dòng tiền trong nước đã ‘cân’ lại khá nhiều, và hầu như dòng tiền này đang nắm giữ cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn chiếm chủ đạo trong danh mục bán ròng của khối ngoại”, ông Hà chia sẻ.  

Thứ hai là mùa kết quả kinh doanh cũng ảnh hưởng đến thanh khoản của thị trường. Ông Hà cho rằng hầu hết các nhà đầu tư đều ở trong trạng thái chờ đợi để đánh giá lại doanh nghiệp cũng như định giá của cổ phiếu để có chiến lược phù hợp. Vì thế, dòng tiền mới chưa có sự gia nhập mạnh mẽ.  

 

Thứ ba là sự chờ đợi tín hiệu từ FED. Theo ông Hà, nhà đầu tư vẫn đang chờ đợi động thái cắt giảm lãi suất từ FED, nên dòng tiền chủ đạo của nhà đầu tư vẫn là chờ giảm để mua.  

Trên thực tế, số liệu thống kê của FiinGroup chỉ ra rằng tiền gửi của nhà đầu tư tại các công ty chứng khoán lần đầu tiên giảm sau 4 quý tăng tăng mạnh.  

Hơn 94.100 tỉ đồng đang được nhà đầu tư gửi ở các công ty chứng khoán tại thời điểm cuối quý II/2024, giảm lần đầu tiên sau 4 quý gia tăng mạnh mẽ trước đó (từ quý II/2023 đến quý I/2024), cho dù số lượng tài khoản nhà đầu tư cá nhân mở mới duy trì tăng. 

Trong quý II/2024, nhà đầu tư cá nhân mua ròng 39,6 nghìn tỉ đồng trên HOSE, vượt xa phần dư nợ margin tăng thêm trong cùng quý (22,6 nghìn tỉ đồng). Danh mục mua ròng của nhà đầu tư cá nhân chủ yếu là các cổ phiếu đầu ngành và/hoặc vốn hóa lớn mà chịu áp lực bán ròng của khối ngoại, tập trung ở nhóm Vingroup (bao gồm VHM, VRE, VIC), ngân hàng (STB, MSB, VCB, CTG, HDB, BID), chứng khoán (VND, VCI, SSI), FPT, VNM, GAS, DGC. 

Có thể bạn quan tâm 

Trà sữa Index

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact