14.700 doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 7

Hình ảnh tại một công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi. Ảnh: NCĐT

 
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Tổng cục Thống kê vừa có báo cáo tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2024. Theo đó, trong 7 tháng đầu năm 2024, kinh tế – xã hội tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức trước diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của tình hình thế giới. Các bộ, ngành và địa phương đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện hiệu quả các Nghị quyết của Chính phủ nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng của Việt Nam duy trì xu hướng tích cực, các ngành, lĩnh vực đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo đà tăng trưởng cho các tháng, quý tiếp theo. 

Trong tháng 7, cả nước có 14.700 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 6,3% so với tháng 6/2024 và tăng 7,3% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 6.800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,2% so với tháng trước và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2023.

 

Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, cả nước có 139.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 19.900 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi ở chiều ngược lại, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 125.500 doanh nghiệp, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước; bình quân một tháng có hơn 17.900 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. 

Đối với hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) dự báo tăng trưởng EPS bình quân các doanh nghiệp niêm yết trên sàn HOSE xuống 14% sau khi số liệu quý I công bố không lạc quan như kỳ vọng.  

“Việc giảm dự phóng này cũng phản ánh quan điểm thận trọng hơn của chúng tôi về 2 ngành vốn hoá lớn như ngân hàng, bất động sản trước xu hướng tăng trở lại của mặt bằng lãi suất, và sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản. Dù vậy, mức tăng 14% này vẫn được đánh giá là mức tăng cao, hỗ trợ xu hướng của thị trường chứng khoán nói chung”, KBSV nhận định.

 

Trong tháng 6, ngành sản xuất của Việt Nam mở rộng với chỉ số PMI tăng vọt lên 54,7, đánh dấu sự cải thiện mạnh mẽ nhất của ngành sản xuất kể từ tháng 5 năm 2022. Số lượng đơn đặt hàng mới cũng như đơn hàng xuất khẩu mới đều tăng mạnh trong tháng này, đặc biệt số lượng đơn đặt hàng mới có tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 3 năm 2011 nhờ giá cả cạnh tranh. Theo đó, sản lượng sản xuất trong tháng 6 đã ghi nhận mức tăng đáng kể nhất trong hơn 5,5 năm qua. Tuy nhiên, kèm theo sự tăng trưởng mạnh mẽ là gánh nặng chi phí tăng, đặc biệt là chi phí vận chuyển đã đẩy giá đầu vào lên mức cao nhất trong hai năm qua.  

“Với điều kiện sản xuất và kinh doanh thuận lợi, sự tin tưởng vào triển vọng sản lượng của ngành sản xuất trong năm tới vẫn duy trì mạnh mẽ”, Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định. 

Có thể bạn quan tâm 

Xăng dầu thoát khó

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact