Vàng hạ nhiệt, rồi sao nữa?

Có thể thấy, các ngân hàng này thực tế được giao nhiệm vụ giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay. Ảnh: TL.

 
Tăng cung vàng thông qua Big4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục gửi thông điệp mạnh về mục tiêu thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới…

Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức 9 phiên đấu thầu, cung ứng ra thị trường 48.500 lượng vàng SJC, tương đương hơn 1,8 tấn vàng. Tuy nhiên, chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới vẫn ở mức cao, khoảng trên 20%. Điều này cho thấy bên cạnh các yếu tố mang tính thị trường như quan hệ cung – cầu, không loại trừ khả năng có các hành vi thao túng, làm giá, gây mất ổn định thị trường vàng.

Cuối cùng Ngân hàng Nhà nước đã phải dừng đấu thầu vì không hiệu quả trong nỗ lực giảm được chênh lệch với giá thế giới. Nhưng để kiềm chế cơn sốt vàng chưa có điểm dừng, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra liều thuốc mạnh hơn là bán vàng trực tiếp cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước Agribank, Vietcombank, BIDV, VietinBank để các ngân hàng này bán vàng trực tiếp tới người dân. Theo đó, giá vàng của nhóm Big4 bán ra thị trường sẽ nằm trong biên độ được Ngân hàng Nhà nước cho phép. Đồng thời, lượng vàng miếng SJC bán cho các cá nhân với số lượng không giới hạn nhưng không bán vàng cho các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh vàng.

Có thể thấy, các ngân hàng này thực tế được giao nhiệm vụ giảm giá chênh lệch trong nước và quốc tế so với hiện nay. Vì vậy, cũng dễ hiểu khi ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV, cho biết: “Không đặt ra mục tiêu lợi nhuận mà sẽ cung ứng với mức giá phù hợp trên cơ sở giá mua từ Ngân hàng Nhà nước”. Ông Phạm Toàn Vượng, Tổng Giám đốc Agribank, cũng cho biết với lợi thế mạng lưới giao dịch rộng khắp, Ngân hàng đã triển khai đầy đủ các điều kiện cần thiết để sẵn sàng cung ứng vàng cho người dân.

Hai ngày sau thông tin này được công bố, giá vàng SJC trên thị trường lao dốc, bốc hơi tới 7 triệu đồng/lượng. Có thể thấy, cơn sốt giá vàng có nguyên nhân không nhỏ khi Ngân hàng Nhà nước cung cấp độc quyền vàng SJC trên thị trường trong nhiều năm qua. Do đó, khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bán vàng SJC với mức giá có thể đảm bảo kéo chênh lệch giá vàng thế giới thì giới đầu cơ nhận thấy nguy cơ thua lỗ nên xả mạnh vàng.

Trước đó, để bình ổn thị trường vàng, Ngân hàng Nhà nước tổ chức tới 9 phiên đấu thầu vàng miếng nhằm mục đích tăng cung ra thị trường. Tuy nhiên, giá vàng tiếp tục tiến gần tới mốc 100 triệu đồng/lượng SJC và tiếp tục đi ngược với thị trường vàng thế giới.

Căn cơ của vấn đề là do cầu tăng, trong khi cung không có nên chênh lệch giá vàng ngày càng bất hợp lý. Tăng cung thông qua đấu thầu vàng sau 11 năm nhưng lại áp giá thầu khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đấu giá nên không thể kéo giá vàng trong nước sát giá thế giới được. Tương tự, mức giá bình ổn vàng mà 4 ngân hàng thương mại nhà nước bán ra nếu vẫn ở mức cao cũng sẽ khó đạt hiệu quả. Còn nếu bán vàng thấp hơn giá niêm yết của các cửa hàng vàng, khả năng cao người dân sẽ ồ ạt đi mua vàng SJC. Khi đó, nếu cung không đủ cầu sẽ đẩy giá vàng tăng trở lại. Cảnh người dân xếp hàng dài mà không mua được vàng cho thấy rủi ro này. Ước tính cần bán ra ít nhất khoảng 3-4 tấn trong vòng 1 tháng mới có thể giảm về giá mong muốn.

Phương án bán vàng cho các ngân hàng có ưu điểm hơn cách đấu thầu là Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định giá theo mong muốn để thu hẹp chênh lệch giá trong nước và thế giới. Tuy nhiên, cũng còn hàng loạt vấn đề cần giải quyết như: Tại sao chỉ có nhóm Big4 được phép tham gia? Giá ấn định của Ngân hàng Nhà nước là bao nhiêu? Duy trì đà giảm giá được bao lâu khi giá vàng thế giới tăng?

Những câu hỏi này được đặt ra khi cuối năm 2012, Ngân hàng Nhà nước cũng từng mạnh tay với kinh doanh vàng bằng việc cấp phép cho 38 tổ chức tham gia kinh doanh vàng miếng thay thế cho những cửa hàng vàng không đủ điều kiện kinh doanh. Tuy nhiên, không ít ngân hàng đã thua lỗ lớn khi giá vàng quốc tế giảm mạnh xuống mức 450 USD/ounce chỉ trong năm 2013.

Theo Tiến sĩ Trương Văn Phước, nguyên quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, không nên giảm sốc giá vàng và để giá vàng trong nước sát với giá quốc tế, cần nghiên cứu kỹ lưỡng và có lộ trình. Sự thận trọng này nhằm ổn định tỉ giá, bảo vệ đồng VND, lạm phát và an toàn của các tổ chức tín dụng.

Vì vậy, thận trọng cho 4 ngân hàng đủ điều kiện bán vàng chỉ là giải pháp tình thế và có tính thăm dò phản ứng của thị trường. Ngân hàng Nhà nước vẫn cần có những giải pháp dài hơi hơn để quản lý thị trường vàng ổn định hơn. 

“Câu chuyện giá vàng sắp tới phụ thuộc lớn vào giải pháp căn cơ là tăng nguồn cung”, ông Huỳnh Trung Khánh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam, nhận định. Theo ông Khánh, về lâu dài, phải kết hợp vừa sửa Nghị định 24 về độc quyền vàng miếng, vừa cho phép doanh nghiệp đủ điều kiện nhập khẩu vàng nguyên liệu.

Có thể bạn quan tâm:

Ẩn số X khi giá vàng leo đỉnh

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post

INTAGE VIETNAM LIMITED LIABILITY COMPANY

Business registration certificate No. 0312603388 Issued by the Department of Planning and Investment  of Ho Chi Minh City on December 2, 2013
45 Vo Thi Sau,Ward Da Kao,District 1,Ho Chi Minh City
Tel  : (+8428) 3820 5558
Email :contact@intage.com.vn
Contact