Grab đẩy mạnh hợp tác trong ngành giao nhận đồ ăn

Chỉ có 5% trong số 600 triệu dân của khu vực là khách hàng giao dịch hàng tháng của Grab. Ảnh: TL.

Grab Việt Nam mở rộng dịch vụ giao đồ ăn, tăng cường hợp tác với nhà hàng và tối ưu chiến dịch tiếp thị.

Theo báo cáo của Momentum Works, tổng giá trị giao dịch (GMV) của ngành giao nhận đồ ăn trên các nền tảng trong năm 2023 đạt 17,1 tỉ USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, Việt Nam là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực, với tỉ lệ 30% lên 1,4 tỉ USD. Điều này cho thấy cơ hội cho thị trường giao nhận đồ ăn ở Việt Nam còn rất nhiều.

“Với sự gia tăng tiêu thụ các sản phẩm F&B, tỉ lệ thâm nhập dịch vụ giao đồ ăn thấp và xu hướng sáp nhập đang diễn ra, các nền tảng giao đồ ăn trong khu vực có rất nhiều dư địa để phát triển”, ông Jianggan Li, CEO Momentum Works, cho biết.

Xét trên quy mô toàn Đông Nam Á, Grab ước tính chiếm 55% GMV, tương đương 9,4 tỉ USD, tăng 6,8% so với năm trước. Ở Việt Nam, thị phần của dịch vụ giao đồ ăn của Grab đang chiếm khoảng 47%. Tại buổi trao đổi với báo chí, ông Mã Tuấn Trọng, Giám đốc Thương mại Grab Việt Nam, cho biết tiềm năng của thị trường đòi hỏi nền tảng cần khai phá, kích cầu nhiều hơn.

Theo đó, Grab đã triển khai mô hình hợp tác với tên gọi Lead Generation và tính năng Quản lý Tiếp thị (QLTT) qua ứng dụng GrabMerchant. Với Lead Generation, các nhà hàng có đội ngũ giao hàng riêng có thể tận dụng nền tảng người dùng của Grab để khai thác thêm tập khách hàng mới. Những hàng lớn như chuỗi pizza, với đội ngũ shipper riêng, có thể tiếp cận đến các nhóm khách hàng tiềm năng chưa được khai phá hết.

Với tính năng QLTT qua ứng dụng GrabMerchant, các nhà hàng dễ dàng khởi tạo và theo dõi hiệu suất các chiến dịch quảng cáo, chỉ trả chi phí cho những đơn hàng thành công. Đây là một giải pháp thiết thực và phù hợp cho các quán ăn nhỏ, nơi mà doanh số và đơn hàng mới là ưu tiên hàng đầu.

“Hơn 70% đối tác đã trải nghiệm tính năng này trong tháng đầu tiên và tiếp tục sử dụng nó trong tháng tiếp theo”, ông Trọng nói. Các đối tác nhà hàng có thể theo dõi hiệu suất của chiến dịch nhờ các số liệu liên quan như sự hưởng ứng của người dùng và tình hình ngân sách còn lại được cập nhật theo thời gian thực. Điều này giúp họ chủ động ra quyết định tiếp tục hoặc tạm dừng chiến dịch bất cứ lúc nào. 

Cũng tại buổi trao đổi, ông Trọng cho biết thông qua các báo cáo định kỳ và hội thảo, đối tác có thể hiểu rõ hơn về nhu cầu và xu hướng tiêu dùng, từ đó điều chỉnh hoặc bổ sung vào dịch vụ và sản phẩm của mình. Ví dụ, báo cáo xu hướng đặt món ăn và đi chợ online phát hành hàng năm cung cấp thông tin hữu ích giúp các đối tác nhà hàng quyết định từ khóa phù hợp để tăng cơ hội người dùng tìm đến quán ăn, nhà hàng.

Với chiến lược này, Grab tận dụng lợi thế về mạng lưới đối tác tài xế rộng khắp để giúp các nhà hàng mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và tiết kiệm chi phí. Như vậy, thay vì đầu tư lớn vào chi phí mặt bằng và nhân sự, các nhà hàng có thể tận dụng dịch vụ giao hàng của Grab để tiết kiệm chi phí và tập trung vào chất lượng sản phẩm.

Báo cáo của Momentum Works cũng cho biết chỉ có 5% trong số 600 triệu dân của khu vực là khách hàng giao dịch hàng tháng của Grab. Do đó, việc mở rộng sang các thành phố nhỏ hơn và phục vụ khách du lịch mang đến cơ hội tăng trưởng cho nền tảng giao đồ ăn.

Tuy nhiên, việc phát triển tại các thành phố nhỏ hơn cũng đặt ra nhiều thách thức. Mức sống và khả năng chi tiêu của người dân ở các thành phố nhỏ có sự chênh lệch so với các thành phố lớn, do đó, chính sách giá phải chăng vẫn là mấu chốt. “Grab cần phải làm nhiều hơn để các sản phẩm, tính năng và những ưu đãi mà công ty đưa ra phải thực sự phù hợp và hấp dẫn đối với người dân địa phương”, ông Trọng nói.

Có thể bạn quan tâm:

Người tiêu dùng Mỹ vẫn đang chật vật với lạm phát

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact