Ảnh: TL
Từng bị từ chối tuyển dụng tại Colliers International Vietnam, ông David Jackson đã trở thành Giám đốc Điều hành và đồng sở hữu Công ty sau 7 năm làm việc.
Năm 2008, khi cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra, David Jackson quyết định từ bỏ mọi thứ để trở lại Việt Nam. Ông chia tay bạn gái, bán công ty, bán nhà, rời xa gia đình ở London (Anh) để đến một đất nước mà trước đó ông đã đến chỉ một lần.
“Con có ổn không vậy? Con đang bị suy sụp, đúng không?”. Đã 16 năm trôi qua nhưng David không thể nào quên ánh mắt lo lắng và sự quan tâm của người cha lúc đó. Một mình đứng giữa sân bay Tân Sơn Nhất, ông mới giật mình và ý thức rằng mình không có ai bên cạnh, ở một nơi hoàn toàn xa lạ. “Trời đất ơi, tôi đang làm cái quái gì đây!”, ông thốt lên thành tiếng.
David chỉ mang theo một chiếc ba lô, không người quen, cũng không biết tiếng Việt. Ngay giữa cuộc khủng hoảng kinh tế, không công ty nào muốn tuyển dụng, huống chi tuyển người nước ngoài. Thị trường bất động sản lúc đó cực kỳ khó khăn. Có lúc chính David tự cho rằng bản thân đã làm một việc điên rồ khi nhất quyết sang Việt Nam.
Những ngày đầu ở đất nước xa lạ, ông đã vật vã thử mọi cách để tìm việc, nhưng kết quả vẫn là con số 0. Quyết tâm tìm việc trong lĩnh vực bất động sản, David thuê nhà trọ ở đường Phạm Ngũ Lão, quận 1 để tiện đi xin việc. Rất nhiều công ty bất động sản lớn phớt lờ thư xin việc của ông. Một số công ty gọi ông đến phỏng vấn nhưng không có kết quả tốt đẹp. Trước khi đến Việt Nam, David quyết không quay lại Anh, nên ông đành phải kỳ vọng vào một tia sáng cuối đường hầm ở Colliers International Vietnam.
Kết quả của buổi phỏng vấn với Trưởng Bộ phận quản lý tài sản của Colliers, ông Jeffrey E. Hynes cũng tương tự như những lần phỏng vấn với các công ty trước đó. Bởi lẽ nhu cầu tuyển dụng khi ấy rất thấp do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Khi David được tiễn ra cửa, ông ấy hỏi: “Này Jeff, nếu tôi vào văn phòng sáng thứ Hai tới thì bảo vệ có ngăn tôi lại không?”.
Jeff không trả lời. Rồi Jeff kinh ngạc khi thấy ứng viên mà mình đã từ chối tuyển dụng hôm trước vẫn đến văn phòng vào sáng thứ Hai và chuẩn bị làm việc như mọi người. “Tôi giải thích do không thấy anh ấy trả lời, nên tôi tự hiểu là được vào đây ngồi”, David kể lại cách mình có được công việc đầu tiên ở Việt Nam. Trong những ngày đầu làm việc, Trưởng Bộ phận quản lý tài sản của Colliers không bận tâm đến sự hiện diện của nhân viên không mời mà tới này cũng như các câu hỏi từ đồng nghiệp. Hai bên ngầm thực hiện một thỏa thuận không ràng buộc, David sẽ làm việc không lương để đổi lấy cơ hội làm việc tại Colliers.
Cơ hội việc làm trị giá 500.000 USD
Trong vòng 4 tuần đầu tiên, David đem về cho Công ty 2 hợp đồng liên tiếp với tổng giá trị 500.000 USD. Sau đó, David đi tìm Jeff và đề nghị được cấp email để tiếp tục làm việc.
David đã giúp Colliers thắng thầu tư vấn và quản lý tài sản cho Công ty Cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE), bao gồm 2 dự án tại TP.HCM là e.town (quận Tân Bình) và REE Tower (quận 4). Trong suốt 4 năm từ năm 2008-2012, thừa hành của Colliers International Vietnam, David chịu trách nhiệm quản lý vận hành và cho thuê tại dự án e.town.
Lúc đó, e.town được đánh giá là cụm văn phòng rộng nhất Việt Nam với hơn 80.000 m2 sàn cho thuê, tiếp nhận khoảng 13.000 lượt khách mỗi ngày. Còn tại REE Tower, Colliers triển khai hệ thống quản lý, các bộ tài liệu hướng dẫn, quảng bá thương hiệu và chiến lược cho thuê.
“REE là gia đình đầu tiên của tôi ở Việt Nam. Thực sự, tôi rất biết ơn REE! Mọi người rất tử tế, nồng hậu, đón nhận tôi như người trong nhà. Đó là nơi tôi được học, được trải nghiệm vô vàn điều về cung cách làm việc, về văn hóa và tinh thần Việt Nam”, David nhớ lại.
Ông bật cười khi kể lại kỷ niệm lần đầu tiên nếm thử hột vịt lộn với các đồng nghiệp tại REE. “Ở REE, tôi có cơ hội làm việc với bà Nguyễn Thị Mai Thanh, một người đáng kính và đáng ngưỡng mộ. Bà là một trong những nữ doanh nhân thông minh và tài năng nhất mà tôi từng biết”, ông nói.
Năm 2015, chỉ sau 7 năm làm việc, David trở thành Tổng Giám đốc và đồng sở hữu Công ty cùng với Peter Dinning, người sáng lập Công ty D&P và đem thương hiệu Colliers vào Việt Nam. Ông cùng Peter tiếp tục phát triển, mở rộng các dịch vụ bất động sản từ thẩm định giá, quản lý tài sản, nghiên cứu thị trường, cho đến môi giới văn phòng, bất động sản công nghiệp, bán lẻ, quản lý dự án.
Trên cương vị mới, David tập trung đào tạo và huấn luyện nội bộ, phát triển lực lượng nhân sự và tích cực chuyển đổi văn hóa công ty theo hướng cởi mở, thân thiện và mang phong cách phương Tây hơn.
David đã cùng đội ngũ nhân viên tư vấn cho không ít doanh nghiệp thực hiện các thương vụ bất động sản lớn. Cùng với đà phục hồi, tăng trưởng mạnh mẽ của kinh tế Việt Nam, đội ngũ nhân viên của Công ty đã tăng lên 120 người từ con số 15, thời điểm David vào xin việc.
Mới đây, cả 2 đã thực hiện thành công việc chuyển đổi thương hiệu sang Avison Young, với mong muốn mở rộng thương hiệu này ở châu Á.
Tình cảm đặc biệt với Việt Nam
David đến Việt Nam lần đầu năm 1999, khi mới 25 tuổi. Lúc đó, ông không biết gì về Việt Nam và không nghĩ có ngày mình đủ can đảm để đến châu Á. Nhờ những tấm bưu thiếp và email của người bạn đang du lịch ở đây, ông nghĩ sao không thử đến một lần. Ông đến Việt Nam sau khi ghé thăm Thái Lan.
“Dù đến lần đầu, tôi thấy có tình cảm đặc biệt với đất nước này. Người dân rất thân thiện. Trong tâm trí tôi luôn nghĩ đó là một nơi tuyệt vời với những con người tuyệt vời”, ông nhớ lại.
Quay trở lại Anh, David tiếp tục làm việc trong lĩnh vực ngân hàng. Không lâu sau đó, ông bị bệnh dạ dày và phải bỏ ra gần 2 năm để phẫu thuật và điều trị. Ông buộc phải nghỉ việc ở ngành ngân hàng và bắt đầu làm việc cho Abbott Laboratories. Tại đây, David có thể tự chẩn đoán và có phương hướng điều trị thích hợp.
Sau đó, ông làm việc tại các quán bar và thành lập công ty khách sạn. Công việc này giúp ông phát hiện ra sở trường của mình và “tiền thực sự nằm ở bất động sản”. David quyết định làm một điều gì đó để thay đổi sự nghiệp của mình. Ông trở lại Việt Nam để thử vận mệnh. Trước khi đi, ông học lấy bằng cử nhân thứ 2 về bất động sản. David cảm thấy tò mò và muốn tìm hiểu sâu về một ngành vốn là nền tảng cho tất cả lĩnh vực của đời sống, từ nhà ở đến văn phòng, công xưởng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi – giải trí…
Ngã rẽ với bất động sản
Từ nhỏ, ông vốn thích tìm tòi để hiểu cách mọi thứ vận hành, hiểu về cơ thể mình, về thiên nhiên và vạn vật xung quanh. Đó là lý do ông chọn học ngành sinh học. Kiến thức sinh học khi học đại học đã giúp David tìm hiểu về phương pháp khoa học và phân tích phản ánh, rất phù hợp cho việc định giá và nghiên cứu bất động sản.
Ông cũng từng làm việc tại Citibank với nhiều vị trí khác nhau. Tại đây, ông có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về tài chính, thương mại, kế toán. Tại Abbott Laboratories, ông được đào tạo về bán hàng, tiếp thị.
“Tôi thấy mình không hợp, thậm chí cảm thấy chưa đủ, nên tôi muốn làm điều gì đó khác biệt, phải phiêu lưu”, David lý giải cho nguyên nhân bỏ rất nhiều cơ hội việc làm tốt ở các ngành nghề khác để đến với bất động sản.
Bước vào ngành bất động sản cũng vì ông mê mẩn và muốn tìm hiểu cách thức hoạt động của ngành này, làm thế nào để kiến tạo không gian sống và nơi làm việc lý tưởng. Lúc trở lại trường đại học để lấy bằng về bất động sản, ông tìm hiểu, học và thi càng nhiều chứng chỉ và bằng cấp. Ông cố gắng trang bị cho mình kiến thức về công trình xanh, về tài chính, bất động sản và mọi thứ.
“Bây giờ nhìn lại, quả thực những ngã rẽ trong cuộc đời và sự nghiệp của tôi giống như những dấu gạch nối vô tình liền lạc và hợp lẽ với nhau”, ông nói.
Trước câu hỏi rằng ông sẽ gắn bó với Việt Nam hay sẽ đi khám phá vùng đất mới để có những trải nghiệm phong phú hơn, David cho biết hành trình lập nghiệp ở Việt Nam không chỉ là làm việc vài năm rồi quay về nước rồi đánh dấu vào ô “từng làm việc ở Việt Nam”.
“Tôi thật lòng muốn ở đây và phát triển. Chừng nào Việt Nam còn đón nhận thì tôi sẽ còn ở đây dài lâu”, CEO của Avison Young Việt Nam tâm sự.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>