Trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu. Ảnh: Quý Hòa
Cả ngân hàng và doanh nghiệp đều mong muốn hoãn thời gian xử lý nợ xấu trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu.
Phó Tổng Giám đốc phụ trách tài chính một ngân hàng cho biết, do yếu tố thời vụ đầu năm nên nợ xấu của ngân hàng này có xu hướng tăng từ 2,2% cuối năm 2023 lên 2,4% tính đến cuối tháng 3/2024. Với thị trường bất động sản đang ấm lên và có thêm giải pháp thu hồi nợ, ngân hàng kỳ vọng có thu nhập bất thường 1.000-1.500 tỉ đồng từ thu hồi các khoản nợ đã xử lý rủi ro.
Nợ xấu vẫn xấu
Cũng nhằm tạo cho các ngân hàng có thêm thời gian và giải pháp xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước vừa đề xuất gia hạn Thông tư 02 về cơ cấu nợ thêm 6 tháng. Đề xuất này đưa ra trong bối cảnh, theo thống kê từ báo cáo tài chính của 28 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính quý I, số dư nợ xấu của 26/28 ngân hàng đã tăng so với cuối năm 2023. Theo dữ liệu ngành của WiChart, trong quý đầu năm nay, số dư nợ xấu của ngành ngân hàng đã tăng thêm 14% so với cuối năm 2023, lên 224.000 tỉ đồng. Đây là mức nợ xấu cao kỷ lục của ngành ngân hàng, vượt qua mức đỉnh ghi nhận hồi quý III/2023.
Trong khi nợ xấu liên tục tăng, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng có xu hướng giảm khi tốc độ tăng dự phòng không đuổi kịp mức tăng của nợ xấu. Tổng hợp từ 28 ngân hàng, số dư dự phòng rủi ro đạt 194.939 tỉ đồng, tăng 5,7% so với cuối năm ngoái nhưng vẫn thấp hơn mức đỉnh ghi nhận vào cuối quý III/2023 (gần 196.000 tỉ đồng). Tính đến cuối quý I, chỉ còn 5 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Cuối năm 2023, từng có tới 10 ngân hàng trên mốc này, trong đó 4 ngân hàng có tỉ lệ bao phủ vượt 200%.
Theo Công ty Chứng khoán BSC, xu hướng nợ xấu tăng trở lại trong quý đầu năm cho thấy sự cải thiện về chất lượng tài sản cuối năm ngoái chỉ mang tính thời vụ. Nợ xấu tăng trở lại trong nửa đầu năm 2024 khi tăng trưởng tín dụng chậm lại và các yếu tố vĩ mô chưa có dấu hiệu cải thiện rõ rệt. Dữ liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho thấy, tăng trưởng tín dụng quý I đang thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. Trong khi đó, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.
Việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng khó khăn ở thời điểm hiện tại vì thị trường bất động sản chưa phục hồi, trong khi đa số tài sản đảm bảo chủ yếu là bất động sản. Nếu phát mại tài sản, có thể gây ra khủng hoảng đối với thị trường bất động sản do nguồn cung quá lớn. Mặt khác, ngân hàng cũng gặp rào cản xử lý nợ khi quyền thu giữ tài sản bảo đảm đối với khách hàng vay chây ỳ. Điều này sẽ buộc các ngân hàng phải cân nhắc rất kỹ trước khi cho vay, tránh rủi ro về thu hồi nợ trong tương lai.
Cần xử lý hiệu quả hơn là kéo giãn
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam bày tỏ lo ngại thực trạng nợ xấu của các tổ chức tín dụng trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, kinh tế toàn cầu có biểu hiện suy thoái. Về phía các ngân hàng cũng đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình hoạt động.
Nợ xấu tăng một mặt buộc các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, từ đó giảm nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp; mặt khác khiến khả năng cung tín dụng của ngân hàng bị hạn chế, có thể tạo áp lực lên lãi suất. Tuy nhiên, Thông tư 02 thực chất chỉ hoãn thời gian xử lý nợ xấu. Việc này có thể sẽ gây sức ép lớn về nợ xấu cho hệ thống vì nợ xấu (nợ nhóm 3 đến nhóm 5) không được thể hiện một cách chính xác.
Trong khi đó, áp lực nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn nên nợ xấu trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng. Các khoản nợ có vấn đề (bao gồm các khoản nợ nhóm 2, các khoản vay tái cơ cấu, trái phiếu doanh nghiệp quá hạn, các khoản vay cũ) vẫn cần được giám sát chặt chẽ. Đặc biệt là rủi ro đảo nợ khi doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng để trả nợ đáo hạn của trái phiếu doanh nghiệp và khi đó, khối nợ khổng lồ trái phiếu doanh nghiệp trở thành nợ xấu ngân hàng.
Nếu tình hình kinh tế thế giới vẫn như hiện nay và khởi sắc trở lại, không có yếu tố tiêu cực nào xảy ra và khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất vào cuối năm, nhiều dự báo cho thấy nợ xấu của các ngân hàng sẽ đạt đỉnh vào cuối quý II hoặc đầu quý III.
Việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Tuy nhiên, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, đưa ra cảnh báo về rủi ro nợ xấu khi thông tư này hết hiệu lực. Khi đó, tình hình sẽ phụ thuộc vào môi trường kinh doanh bên ngoài cũng như sự vận động, linh hoạt, thích ứng của mỗi doanh nghiệp. Nếu các doanh nghiệp không phục hồi, không trả được nợ thì nợ xấu sẽ tăng, ảnh hưởng đến cả doanh nghiệp và ngân hàng.
Trong đó, xử lý nợ xấu cần hiệu quả chứ không phải kéo dài thời gian. Về vấn đề này, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng ngành ngân hàng nên tập trung xử lý nợ xấu một cách đúng nghĩa, chứ không phải là che đi con số thực tế. Để giải quyết nợ xấu, có 2 vấn đề cần quan tâm là dòng tiền trả nợ của doanh nghiệp và thanh lý tài sản đảm bảo. Nhất là giải pháp hỗ trợ thị trường bất động sản hồi phục bởi nợ xấu của hệ thống ngân hàng đang ứ đọng trong tài sản thế chấp bất động sản.
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>