Những phiên livestream bán hàng với doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội tại Việt Nam. Ảnh: Neilpatel.
Hoạt động livestream bán hàng có phát sinh thu nhập, doanh thu nên phải chịu sự điều chỉnh của các quy định, chịu sự quản lý giám sát của cơ quan Thuế.
Gần đây, những phiên livestream bán hàng với doanh thu lên đến hàng trăm tỉ đồng đã trở thành một hiện tượng trên mạng xã hội tại Việt Nam. Xu hướng này không chỉ thu hút sự chú ý của người tiêu dùng mà còn của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Các phiên livestream này thường được tổ chức bởi những người nổi tiếng hoặc các influencer có lượng người theo dõi lớn, tạo ra một không gian tương tác trực tiếp với khán giả và khách hàng tiềm năng.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, hoạt động livestream bán hàng có phát sinh thu nhập, doanh thu nên phải chịu sự điều chỉnh của các quy định về thuế, chịu sự quản lý giám sát của cơ quan Thuế.
Thông tin từ Bộ Tài chính, hiện nay nhiều hoạt động livestream bán hàng trên các trang thương mại điện tử, mạng xã hội “khoe” doanh thu lên tới hàng chục tỉ đồng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, hoạt động thương mại điện tử nói chung hay hoạt động livestream bán hàng đều thực hiện quản lý, giám sát theo 2 sắc thuế.
Thứ nhất là nếu cá nhân có phát sinh doanh thu và thu nhập thì chịu thuế theo quy định tại Luật Thuế thu nhập cá nhân. Thứ 2 là đối với các hộ kinh doanh gia đình hoạt động bán hàng có phát sinh doanh thu thì quản lý theo các quy định liên quan đến quản lý với hộ kinh doanh, nếu kê khai theo thuế khoán thì nộp theo mức khoán, nếu theo kê khai về thực hiện theo kê khai về thuế.
Thứ trưởng cho hay, hoạt động bán hàng trên livestream không phải mới nhưng gần đây có sự phát triển mạnh nên cơ quan Thuế đã thực hiện nhiều hoạt động truyền thông đến tất cả đối tượng tham gia, giúp hiểu rõ các quy định về thuế để tự giác, tự tiến hành kê khai thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, cơ quan Thuế cũng tiến hành giám sát và kiểm tra với hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử của cá nhân và hộ kinh doanh.
Thông tin về các số liệu liên quan đến quản lý thuế từ hoạt động thương mại điện tử, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết, năm 2022, doanh thu quản lý thuế là 3,1 triệu tỉ đồng, số thuế đã nộp trên 83.000 tỉ đồng. Năm 2023, doanh thu quản lý thuế là 3,5 triệu tỉ đồng, số thuế đã nộp là 97.000 tỉ đồng.
Về kết quả thanh tra xử lý vi phạm của cơ quan Thuế, 3 năm 2021, 2022, 2023 đã đưa vào rà soát 31.570 đối tượng gồm cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh và cá nhân, xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3.000 tỉ đồng.
Cùng với hoạt động thanh kiểm tra, đại diện lãnh đạo Bộ Tài chính bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông cùng tăng cường phối hợp với cơ quan Thuế để các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại điện tử chủ động thực hiện các quy định về thuế, để không còn trường hợp nào vi phạm để phải kiểm tra và xử lý.
Có thể bạn quan tâm:
SJC tham gia bình ổn thị trường vàng
Nguồn Theo Bộ Tài chính
Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.
Theo dõi
Nhịp Cầu Đầu Tư
<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>