Thời buổi khó khăn khiến mảng kem, dù đóng góp 13% tổng doanh số cho Unilever năm 2023 với những cái tên đình đám như Wall’s, Cornetto… vẫn phải “ra đi” để cắt giảm chi phí.
Hãng tin Reuters cho hay một trong những tập đoàn hàng tiêu dùng lớn nhất thế giới là Unilever mới đây đã quyết định tinh giảm 7.500 vị trí việc làm, đồng thời tách mảng sản xuất kem (Ice Cream) thành đơn vị kinh doanh độc lập, bao gồm cả những thương hiệu nổi tiếng như Wall’s, nhằm cắt giảm chi phí và tinh gọn danh mục sản phẩm.
“Động thái trên nhằm xây dựng một Unilever tinh gọn, tập trung và hiệu suất cao hơn”, Chủ Tịch Ian Meakins của Unilever cho biết.
Chiến lược mới của Unilever diễn ra sau khi CEO Alan Jope phải từ chức vì bị chỉ trích là đa dạng hóa quá nhiều thương hiệu, lên tới con số 400, khiến tập đoàn tốn nhiều chi phí vận hành quản lý, dẫn đến một kết quả kinh doanh không như mong muốn.
Quyết định ngạc nhiên
Năm 2023, mảng kinh doanh kem đem về cho Unilever 7,9 tỷ Euro, tương đương 8,6 tỷ USD doanh số và chiếm 13% tổng doanh số toàn tập đoàn.
Tại một số thị trường, mảng kem thậm chí đóng góp đến 1/3 hay lên mức 40% cho tổng doanh số trong khu vực, qua đó chứng tỏ tầm quan trọng của mình. Mảng kinh doanh này của Unilever có những cái tên vô cùng nổi tiếng như Ben & Jerry, Wall’s, Cornetto, Magnum và Talenti. Bởi vậy việc tập đoàn từ bỏ “công thần” này đã tạo nên nhiều tranh cãi.
Trước đây, Unilever nổi tiếng với chiến lược đa dạng hóa thương hiệu nhằm tối đa lợi nhuận. Việc mua bán và sáp nhập (M&A) của hãng không chỉ xóa bỏ đối thủ cạnh tranh tiềm tàng mà còn khiến cho dù khách hàng lựa chọn bất kỳ sản phẩm nào trên thị trường thì cũng đem về lợi ích cho Unilever.
Thay vì chỉ bán một thương hiệu ở mỗi dòng sản phẩm thì Unilever cố tình tạo ra vô số cái tên, từng địa phương lại có những thương hiệu khác nhau khiến khách hàng có thêm “sự lựa chọn”.
Thêm nữa, việc tạo ra vô số nhãn hàng nhắm vào nhiều phân khúc giá cả, khách hàng khác nhau khiến Unilever có thể kinh doanh ở mọi tầng lớp thị trường khác nhau và tối đa hóa doanh số.
Ngoài ra theo tâm lý tiêu dùng, khách hàng thường sẽ mua thêm các dòng sản phẩm cùng hãng khi đã lựa chọn một mặt hàng của công ty, qua đó tối đa hóa lợi nhuận cho Unilever.
Tuy nhiên, trước cơn bão cắt giảm chi phí để chống lạm phát và đòi hỏi lợi nhuận từ cổ đông trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt hầu bào, Unilever đã buộc phải thay đổi chiến lược kinh doanh của mình.
Chỉ tập trung vào 30 thương hiệu
Tờ New York Times (NYT) cho biết việc cắt bỏ mảng bán kem của Unilever sẽ được thực hiện ngay lập tức và hoàn thành vào cuối năm 2025. Theo đó, bộ phận kinh doanh kem sẽ tách ra thành một công ty độc lập với Unilever.
Trên thực tế, động thái này của Unilever đã được dự đoán từ trước khi CEO mới – ông Hein Schumacher – lên nắm quyền vào tháng 7/2023 đã báo hiệu một cuộc cải tổ tinh gọn bộ máy, qua đó chỉ tập trung vào 30 trong số hàng trăm thương hiệu mà hãng quản lý.
Theo CEO Schumacher, việc sa thải lao động và cắt bỏ mảng bán kem là một phần của chiến lược tinh gọn nhằm tiết kiệm gần 870 triệu USD chi phí trong 3 năm tới. Con số 7.500 lao động chủ yếu là nhân viên văn phòng và chiếm khoảng 6% tổng nhân sự toàn công ty.
Sau cuộc cải tổ bộ máy, tờ NYT dự đoán Unilever sẽ chỉ giữ lại những mảng kinh doanh chủ chốt và các thương hiệu lớn như Dove (xà phòng), Surf (bột giặt)… vốn chiếm khoảng 70% doanh số của hãng.
Động thái của Unilever diễn ra trong bối cảnh tập đoàn sản xuất hàng tiêu dùng lớn nhất nhì thế giới đang gặp nhiều khó khăn vài năm trở lại đây. Tăng trưởng của hãng giảm tốc vì lạm phát, trong khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hậu đại dịch khiến doanh số tính theo đơn vị sản phẩm cũng giảm.
Đặc biệt, việc người tiêu dùng chuyển sang các mặt hàng giá rẻ trong hàng trăm thương hiệu của Unilever cũng tác động mạnh đến doanh số. Trớ trêu thay, mảng bán kem và nhiều dòng sản phẩm không thiết yếu của Unilever là bộ phận chịu ảnh hưởng nhiều nhất trước tình trạng này.
Năm 2023, dù chiếm đến 13% tổng doanh số tập đoàn nhưng mảng bán kem của Unilever lại gia tăng chi phí đầu vào nhiều nhất công ty. Hãng đã phải tăng giá sản phẩm khiến sụt giảm doanh số, đẩy người tiêu dùng qua các dòng kem rẻ hơn gây ảnh hưởng đến thị phần và doanh số.
“Mảng kinh doanh kem có một năm tồi tệ với sự sụt giảm thị phần lẫn lợi nhuận”, báo cáo kết quả kinh doanh tháng 2/2024 của Unilever nêu rõ.
Trong khi đó, báo cáo phân tích của Bernstein thì nhận định Unilever đã cố gắng cắt giảm chi phí nhằm tăng trưởng lợi nhuận suốt 10 năm qua nhưng đang ngày càng gặp khó khăn. Ngay sau thông tin từ bỏ mảng kem, cổ phiếu của Unilever đã tăng 3% sau khi giá của chúng đã đi ngang suốt 1 năm qua.
Không riêng gì Unilever, một đối thủ của tập đoàn là Nestlé cũng đã phải cắt bỏ nhiều thương hiệu kem của mình ở thị trường Châu Âu sang cho các doanh nghiệp khác vào năm 2016, đồng thời bán đứt thương hiệu kem nổi tiếng Haagen Dazs tại Mỹ vào năm 2019.
Băng Băng
Nguồn CafeBiz