Big Tech trên sàn đấu shoppertainment

Đối với doanh nghiệp, việc ngày nhiều nền tảng hướng đến shoppertainment là một lợi thế. Ảnh:shutterstock.com.

 
Động thái gần đây của Meta, Google (Mỹ) cho thấy shoppertainment sẽ sớm không còn là xu hướng độc quyền của TikTok (Trung Quốc) ở thị trường Việt Nam.

Cuối cùng, Meta (công ty mẹ của Facebook) cũng ra mắt tính năng mới  phục vụ cho việc livestream của Facebook Live. Đồng hành cùng việc ra mắt tính năng này của Meta là 4 nhà cung cấp giải pháp thương mại điện tử ở Việt Nam bao gồm Pancake, Haravan, Sapo và Nhanh.vn.  

Facebook Live cơ bản chỉ là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp livestream, quảng cáo trên nền tảng Facebook. Vì thế, các tính năng như trình bày sản phẩm trong phiên live sao cho tiện lợi nhất cho người mua hay các công tác quản lý đằng sau kết nối thanh toán, đơn vị vận chuyển, xuất hóa đơn hay quản lý hàng tồn kho sẽ không có. “Đó là công việc của các bên thứ 3 như chúng tôi”, ông Nguyễn Mạnh Tấn, Giám đốc Tiếp thị Haravan, nói với NCĐT.

Trước đó không lâu, hãng tin Reuters cho biết YouTube và Shopee cũng đã hợp tác để phát triển dịch vụ YouTube Shopping ở Indonesia. Theo đó, khách hàng có thể mua hàng trên YouTube bằng cách nhấp vào đường link ở các video để dẫn về trang Shopee. Dịch vụ này sẽ triển khai sang thị trường Thái Lan và Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Võ Quốc Hưng, Giám đốc Tăng trưởng của Tonkin Media, cho biết trong thương vụ này Shoppe sẽ tận dụng được lượng truy cập từ ngoại sàn dồi dào để tăng doanh số. Ngược lại YouTube cũng có thêm một tính năng để giữ chân khách hàng của riêng mình. “Ở thời điểm hiện tại, mô hình kinh doanh của cả 2 không đối lập với nhau nên trước mắt việc hợp tác này có lợi cho đôi bên”, ông Hưng nói.

Dễ dàng nhận thấy các động thái của Meta, Sea (công ty mẹ của Shopee) hay Google đều có chung mục đích là đối phó với sự trỗi dậy của TikTok, cụ thể là TikTok Shop ở Đông Nam Á. Đến nay, TikTok  là nền tảng duy nhất tập trung cả yếu tố xã hội và thương mại trong khi các đối thủ còn lại chỉ sở hữu 1 trong 2 yếu tố nói trên.

Trả lời NCĐT qua email, ông Joe Nguyễn, đồng sáng lập kiêm Chủ tịch Veena Media, cho biết cả Meta và YouTube đều đã có sẵn các cộng đồng nhà sáng tạo, nhưng nền tảng của họ chưa được tích hợp liền mạch với các hệ thống thương mại điện tử như TikTok và TikTok Shop. “Do đó, những công ty này phải hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử (như Lazada, Shopee, Amazon, Tiki, thậm chí cả TikTok) để giúp các nhà sáng tạo có cơ hội tăng thêm thu nhập”, ông Joe Nguyễn nói.
Vì thế, trong thời gian qua, Meta và Google đều bổ sung các tính năng gần giống với TikTok. Không chỉ công cụ livestream mà cả 2 còn có tính năng video ngắn là Reels (Facebook) và Shorts (YouTube) và đều đang bám đuổi khá sát sao TikTok ở Việt Nam.

Đối với doanh nghiệp, việc ngày nhiều nền tảng hướng đến shoppertainment, trước mắt là livestream, là một lợi thế vì cùng một phiên live họ có thể phát đồng thời nhiều nền tảng. Vấn đề là làm sao tối ưu việc livestream cùng lúc đa nền tảng? Để trả lời câu hỏi này, doanh nghiệp cần phải nhìn vào cơ chế hoạt động của các nền tảng. 

Xét về khả năng tạo ra cảm giác FOMO (hội chứng sợ bỏ lỡ) trong mua sắm thì TikTok vẫn là hiệu quả nhất nhờ cơ chế cho phép nội dung có thể tiếp cận các khách hàng chưa từng tương tác với doanh nghiệp. Tuy nhiên, giá trị đơn hàng khi mua hàng theo xu hướng FOMO sẽ thấp vì người mua quyết định tức thời. Thứ 2 là Facebook nhờ vào các cơ chế tương tác xã hội như tính năng tag (gắn thẻ) bạn bè hoặc gửi thông tin qua Facebook Messenger. YouTube đứng cuối vì chỉ các thành viên đăng ký mới nhận được thông báo.

Xét về yếu tố bảo vệ người mua, TikTok Shop, YouTube Shopping bảo vệ khách hàng tốt hơn do quy định chặt chẽ từ sàn thương mại điện tử. Facebook Live mặc dù cũng có các quy định về sản phẩm nhưng chỉ làm công việc kết nối người bán và người mua nên các doanh nghiệp uy tín trên thị trường sẽ có lợi thế hơn. “Đổi lại với Facebook Live, doanh nghiệp sẽ không tốn phí nền tảng cho các sàn và nắm giữ được dữ liệu của khách hàng”, ông Tấn của Haravan nói.

Cũng theo ông Tấn, TikTok đang có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sâu sát hơn các nền tảng khác vì vẫn trong giai đoạn phủ rộng thị trường. Tuy nhiên, doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị trước vì sẽ sớm đến lúc nền tảng này cắt giảm voucher khuyến mãi hỗ trợ, dẫn đến chi phí bán hàng lên cao và áp lực cạnh tranh bởi hàng giá rẻ.  

Vì thế, doanh nghiệp cần xác định sản phẩm của mình ở giai đoạn nào để phân bổ đầu tư, nhân lực phù hợp. Với các sản phẩm mới, có thể tận dụng TikTok để tăng độ nhận biết sản phẩm nhanh chóng đến hàng chục triệu người dùng trẻ qua các KOL/KOC. Với các doanh nghiệp đã có uy tín nhất định thì ngoài các sàn thương mại điện tử phổ biến nên dẫn khách hàng về kênh website của mình thông qua Facebook. 

Riêng đối với các doanh nghiệp quản lý các chương trình có lượng người hâm mộ hùng hậu (show âm nhạc, giải đấu e-sports, game streamer, vlogger nổi tiếng) thì YouTube Shopping là lựa chọn phù hợp để quảng bá sản phẩm, tăng truyền thông và nguồn thu. 

Doanh nghiệp cũng cần tạo ra trải nghiệm mua hàng (chính sách khuyến mãi, đổi trả, kiểm tra hành trình đơn hàng) đồng nhất ở tất cả các nền tảng. Cuối cùng, việc phân bổ quảng cáo, khuyến mãi, sản phẩm và nhân lực vận hành trên các kênh online cần linh hoạt. “Điển hình là luôn ưu tiên nguồn lực tham gia trên các sàn thương mại điện tử các ngày đôi, ngày Mega Sales. Vì đây là thời điểm các sàn có nhiều hoạt động để hút người dùng, doanh nghiệp nên tận dụng thay vì hoạt động riêng lẻ”, ông Tấn nói.

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact