BigTech đẩy mạnh sử dụng năng lượng hạt nhân

Tính đến tháng 8, ChatGPT của OpenAI đã nhận hơn 200 triệu câu hỏi mỗi tuần. Ảnh: CNBC.

 
Các “ông lớn” công nghệ tăng cường sử dụng năng lượng hạt nhân để cung cấp điện cho các trung tâm dữ liệu phục vụ trí tuệ nhân tạo.

Các tập đoàn công nghệ lớn đang chuyển hướng sang năng lượng hạt nhân để vận hành các trung tâm dữ liệu tiêu tốn lượng điện lớn, nhằm hỗ trợ quá trình huấn luyện và triển khai các mô hình trí tuệ nhân tạo (A.I) thế hệ mới. Microsoft và Google là hai trong số những công ty đã ký hợp đồng mua năng lượng hạt nhân từ các nhà cung cấp tại Mỹ để đáp ứng nhu cầu điện cho hệ thống dữ liệu của họ.

Google mới đây thông báo sẽ mua điện từ Kairos Power, một công ty phát triển lò phản ứng mô-đun nhỏ (small modular reactors – SMR), nhằm hỗ trợ phát triển A.I. Ông Michael Terrell, Giám đốc cấp cao về năng lượng và khí hậu của Google cho biết mạng lưới điện cần những nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy để hỗ trợ sự phát triển của các công nghệ này. Ông nhấn mạnh năng lượng hạt nhân có thể đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng ổn định và liên tục cho các trung tâm dữ liệu A.I.

Theo thông tin từ Google, lò phản ứng đầu tiên của Kairos Power dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2030, với nhiều lò khác sẽ đi vào vận hành trước năm 2035.

Không chỉ Google, Microsoft cũng hướng đến năng lượng hạt nhân. Tháng trước, “gã khổng lồ” này đã ký hợp đồng với Constellation, một công ty năng lượng của Mỹ, để khôi phục lò phản ứng tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania, nơi từng xảy ra sự cố nghiêm trọng vào năm 1979.

Amazon cũng không đứng ngoài cuộc khi đầu tư 500 triệu USD vào thỏa thuận phát triển lò phản ứng hạt nhân mô-đun nhỏ với Dominion Energy, dự kiến xây dựng gần nhà máy điện hạt nhân North Anna.

Các công ty công nghệ hiện đang chịu áp lực lớn trong việc tìm kiếm nguồn năng lượng ổn định và đủ lớn để vận hành trung tâm dữ liệu, phần không thể thiếu của điện toán đám mây và các ứng dụng A.I hiện đại. Với sự bùng nổ của các ứng dụng A.I như ChatGPT, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng mạnh, kéo theo thách thức về tiêu thụ điện. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), mức tiêu thụ điện toàn cầu của các trung tâm dữ liệu và A.I dự kiến sẽ tăng gấp đôi, từ 460 terawatt-giờ (TWh) năm 2022 lên hơn 1.000 TWh vào năm 2026.

Một nghiên cứu của Đại học California, Riverside, công bố vào tháng 4 năm ngoái đã phát hiện ChatGPT tiêu thụ khoảng 500 ml nước cho mỗi 10 đến 50 lệnh, tùy thuộc vào thời điểm và địa điểm mà mô hình A.I này được triển khai. Lượng nước này tương đương với một chai nước 16-ounce tiêu chuẩn.

Tính đến tháng 8, ChatGPT của OpenAI đã nhận hơn 200 triệu câu hỏi mỗi tuần, gấp đôi so với 100 triệu người dùng hàng tuần vào tháng 11 năm ngoái.

Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân không phải là không có tranh cãi. Nhiều nhà hoạt động môi trường cho rằng năng lượng hạt nhân vừa đắt đỏ, nguy hiểm, vừa mất nhiều thời gian để xây dựng. Tổ chức khí hậu Greenpeace lập luận rằng mặc dù không thải ra khí CO2 hay các khí nhà kính khi sản xuất điện, nhưng năng lượng hạt nhân không phải là giải pháp thay thế khả thi cho các nguồn năng lượng tái tạo.

Ngược lại, những người ủng hộ năng lượng hạt nhân lại cho rằng đây là nguồn cung cấp điện gần như không có carbon và ổn định hơn so với năng lượng mặt trời và gió. “Nếu được xây dựng và vận hành đúng cách, năng lượng hạt nhân có thể là tương lai”, bà Rosanne Kincaid-Smith, Giám đốc Điều hành của Northern Data Group, cho biết. 

Bà cũng nhấn mạnh rằng nỗi sợ hãi của công chúng đối với năng lượng hạt nhân bắt nguồn từ các thảm họa trong quá khứ. Tuy nhiên, với nhu cầu năng lượng ngày càng lớn để phát triển A.I, các mạng lưới điện truyền thống khó có thể đáp ứng bền vững.

Mặc dù Northern Data Group không sử dụng năng lượng hạt nhân và chưa có kế hoạch triển khai, bà Kincaid-Smith cho biết việc thảo luận về vai trò của nó là rất quan trọng cho hệ sinh thái kinh tế toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm:

Phương Tây siết thuế quan chặn hàng giá rẻ Shein và Temu

Nguồn CNBC

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact