Kịch bản tích cực, thị trường Việt Nam có thể được nâng hạng vào tháng 3/2025

Hình ảnh tại Công ty Chứng khoán Thành Công. Ảnh: TL.

 
KBSV cho rằng sớm nhất vào kỳ đánh giá nội bộ của FTSE Russell tháng 3/2025, thị trường Việt Nam mới có thông tin được nâng hạng chính thức.

Ngày 18/9, Bộ Tài chính đã chính thức ban hành thông tư số 68/2024/TT-BTC, trong đó sửa đổi và bổ sung một số điều của thông tư 120/2020/TT-BTC về vấn đề giao dịch chứng khoán. Đây là một bước tiến đáng kể trong quá trình đáp ứng các tiêu chí nâng hạng theo FTSE Russell, khi cho phép các nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phiếu không yêu cầu có đủ tiền đặt lệnh, và có thể thanh toán vào các ngày T+1, T+2. Đồng thời, các công ty chứng khoán sẽ phải đảm bảo nghĩa vụ tất toán giao dịch trong trường hợp nhà đầu tư nước ngoài không có đủ tiền trong thời hạn trên.

Thông tư 68 còn quy định hạn mức nhận lệnh mua cổ phiếu của nhà đầu tư ngoại, bao gồm các khoản có thể chuyển đổi thành tiền, nhưng không vượt quá hiệu số giữa 2 lần vốn chủ sở hữu và dư nợ ký quỹ và các khoản có khả năng chuyển đổi thành tiền bao gồm tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng, chứng chỉ tiền gửi chưa sử dụng, hạn mức thấu chi, hạn mức bảo lãnh thanh toán, tiền bán chờ về, phải thu ứng trước tiền bán và tiền của nhà đầu tư tổ chức nước ngoài. 

 

Theo góc nhìn của Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), mặc dù thông tư 68/2024/TT-BTC được ban hành vào ngày 18/9/2024, thời gian mới có hiệu lực thi hành vào ngày 2/11/2024, sau ngày công bố kết quả phân loại hàng năm ngày 8/10/2024. Bên cạnh đó, các công ty chứng khoán cần có thời gian để xây dựng quy trình và triển khai sản phẩm, trước khi FTSE có thể khảo sát lấy ý kiến các bên tham gia. 

Do vậy, KBSV cho rằng sớm nhất vào kỳ đánh giá nội bộ của FTSE Russell tháng 3/2025, thị trường Việt Nam mới có thông tin được nâng hạng chính thức và thời điểm hiệu lực sẽ là 1 năm sau đó.

Diễn biến của thị trường chứng khoán thường có xu hướng tích cực khi có thông tin được thêm vào danh sách chờ nâng hạng hoặc được chấp thuận chính thức. Các trường hợp điển hình như của Pakistan, Kuwait, Qatar. Ngoài ra, hầu hết các thị trường trong nhóm Secondary Emerging (loại hai) cũng có mức định giá tích cực hơn, với mức P/E trung bình vào khoảng 16 lần, cao hơn khoảng 18% so với các thị trường cận biên.

 

“Nếu được FTSE Russell chấp thuận vào nhóm Secondary Emerging Market (mới nổi thứ cấp), chúng tôi cho rằng tỉ trọng của thị trường Việt Nam vào khoảng 0,6-1,1% trong rổ FTSE Emerging Index, từ đó có thể thu hút từ 800 triệu – 1 tỉ USD vốn đầu tư mới từ các quỹ ETF, chưa kể đến dòng vốn trực tiếp và gián tiếp từ nhà đầu tư ngoại và các quỹ tham chiếu chỉ số”, KBSV nhận định. 

Một trong các tiêu chí sàng lọc thị trường mới nổi của FTSE là quy mô và thanh khoản, trong đó có tối thiểu 5 cổ phiếu đáp ứng tiêu chí của FTSE Emerging All Cap và ít nhất có 3 cổ phiếu đáp ứng được FTSE Emerging. Ngoài ra, tổng vốn hóa của các cổ phiếu đủ điều kiện phải lớn hơn 0,1% chỉ số FTSE Emerging All Cap (khoảng 8,14 tỉ USD). Do đó KBSV ước tính sẽ có VCB, MSN, VNM, HPG, VHM, VIC thỏa mãn tất cả các điều kiện trên với tổng giá trị vốn hóa là 51,6 tỉ USD.

Bên cạnh các mã cổ phiếu được dự kiến thêm vào bộ chỉ số tham chiếu, tiến trình nâng hạng thành công có thể gia tăng phần nào lợi nhuận và phí giao dịch cho các công ty chứng khoán, đặc biệt là SSI, HCM, VCI có thị phần khách hàng tổ chức nước ngoài tập trung nhiều nhất.

Có thể bạn quan tâm 

3 yếu tố cần theo dõi đối với thị trường chứng khoán tháng 10

Cập nhật tin Đầu Tư, Bất Động Sản, tin nhanh kinh tế chứng khoán, kiến thức Doanh Nghiệp tại Fanpage.


<!–Inread Ambient, HIDE 24-4-2020, Script tag (include before the closing tag)–>
<!–Script tag (include before the closing tag)–>

Rate this post
Scroll to Top
Contact